| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh mất mùa lớn trên diện rộng

Thứ Hai 23/05/2022 , 17:14 (GMT+7)

Vụ xuân năm 2022 năng suất lúa toàn tỉnh Hà Tĩnh đều sụt giảm, trong đó không ít hộ dân mất trắng, nguy cơ người dân một số nơi sẽ thiếu lúa ăn.

Mất mùa diện rộng

Ngày 20/5, Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh thực trạng nhiều cánh đồng lớn gieo cấy cùng một giống lúa ở huyện Thạch Hà thất thu năng suất từ 40 - 50%, thậm chí có những thửa “xóa sổ” vì bệnh đạo ôn cổ bông.

Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Hòa Sơn, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê làm 3 sào giống lúa ADI 168 đều mất trắng cả 3. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Hòa Sơn, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê làm 3 sào giống lúa ADI 168 đều mất trắng cả 3. Ảnh: Thanh Nga.

Để có cái nhìn toàn diện, PV tiếp tục đến một số địa phương khác như huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Can Lộc… để ghi nhận thực trạng và lý giải các yếu tố dẫn đến mất mùa.

Nhìn chung so với vụ Xuân năm 2021 năm nay Hà Tĩnh mất mùa lớn trên diện rộng. Tình trạng sụt giảm năng suất xảy ra ở hầu hết các giống lúa, trải đều trên cả 13 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, những địa phương nào cơ cấu sản xuất giống lúa mới càng nhiều thì thiệt hại càng lớn.

Đến thời điểm này, huyện miền núi Hương Khê thu hoạch được khoảng 1.200ha/3.700 ha lúa. Theo ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện, năng suất lúa toàn huyện dự kiến đạt 55 tạ/ha, giảm so với vụ xuân 2021 khoảng 3 tạ/ha.

Năm nay nhiều địa phương trợ giá giống lúa ADI 168, tổ chức sản xuất trên diện rộng nên thiệt hại đối với bà con nông dân càng lớn. Ảnh: Thanh Nga.

Năm nay nhiều địa phương trợ giá giống lúa ADI 168, tổ chức sản xuất trên diện rộng nên thiệt hại đối với bà con nông dân càng lớn. Ảnh: Thanh Nga.

Đánh giá của ông Phan Kỳ hoàn toàn trái ngược với phản ánh của người dân. Cụ thể, người dân xã Hương Giang, Hương Xuân, Phúc Đồng… khẳng định, các giống lúa truyền thống, nếp mặc dù năng suất giảm nhưng vẫn đạt trên dưới 2 tạ/sào. Trong khi đó, giống lúa mới ADI 168 hầu như “xóa sổ” vì bệnh đạo ôn cổ bông.

Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Hòa Sơn, xã Hương Xuân gieo cấy 3 sào giống lúa ADI 168 thì cả 3 sào đều bị đạo ôn cổ bông ăn khô khốc từ gốc tới ngọn.

“Bữa đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông tôi có phun phòng 2 lần nhưng vẫn bị nặng. Bây giờ định gặt về lấy rơm cho bò ăn chứ lúa không có gì nữa”, ông Dũng vừa tuốt những bông lúa bị đạo ôn ăn trắng xóa vừa thở dài.

Chung tâm trạng buồn rầu vì mất mùa, bà Liên, thôn Đông Hạ, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên cho biết, năm nay gia đình bà gieo cấy gần 3 sào giống lúa Khang dân và Bắc Thịnh nhưng lúa bị bệnh đạo ôn cổ bông và chuột phá hoại nên thu hoạch chẳng được là bao.  

Trưởng thôn Vĩnh Trường, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê - ông Trịnh Xuân Hộ khẳng định, lúa vụ xuân năm nay mất mùa. Toàn thôn gieo cấy 8ha nhưng có đến 5ha sản xuất giống ADI 168 mất 70 – 80% năng suất, trong đó có những ruộng mất trắng.

“Nhà tôi làm 6 sào, trong đó 4 sào giống Tạp giao, 2 sào ADI 168. Lúa Tạp giao thu được khoảng vài tạ/sào nhưng ADI 168 chừng giỏi lắm chỉ được 50 – 60kg/sào”, ông Hộ nhấn mạnh.

Những bông lúa bị đạo ôn cổ bông 'ăn' khô quắt. Ảnh: Thanh Nga.

Những bông lúa bị đạo ôn cổ bông "ăn" khô quắt. Ảnh: Thanh Nga.

Tại vựa lúa huyện Cẩm Xuyên, mặc dù năng suất đánh giá đạt 58 tạ/ha, tuy nhiên theo ông Lê Văn Danh, Trưởng phòng nông nghiệp huyện, so với năm ngoái là mất mùa.

“Cẩm Xuyên làm nhiều lúa hàng hóa và chỉ đạo phun phòng trừ tốt nên mới đạt được năng suất như vậy. Các vùng năng suất giảm tập trung ở xã Cẩm Lạc, Cẩm Thịnh, Cẩm Minh… giống ít bị đạo ôn, nhiễm nặng, năng suất kém là ADI 168”, ông Danh nói.

Hiện địa phương này đã thu hoạch được 8.000ha/10.000ha. Diện tích còn lại dự kiến thu hoạch xong trước 27/5.

Nhiều giống lúa dễ nhiễm sâu bệnh 

Theo ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, vụ xuân năm nay năng suất lúa chỉ có huyện Đức Thọ tương đương năm ngoái còn các huyện khác đều giảm từ 3 – 4 tạ/ha. 

Do thời tiết bất thuận nên hầu như tất cả các giống lúa đề nhiễm đạo ôn cổ bông. Tuy nhiên, các giống lúa truyền thống như Khang dân, Nếp tỷ lệ nhiễm nhẹ hơn nên hạn chế được thiệt hại. Ảnh: Thanh Nga.

Do thời tiết bất thuận nên hầu như tất cả các giống lúa đề nhiễm đạo ôn cổ bông. Tuy nhiên, các giống lúa truyền thống như Khang dân, Nếp tỷ lệ nhiễm nhẹ hơn nên hạn chế được thiệt hại. Ảnh: Thanh Nga.

Về nguyên nhân mất mùa có nhiều yếu tố, song phải khẳng định, năm nay thời tiết bất lợi từ khi gieo cấy đến khi thu hoạch.

“Những diện tích trỗ vào 2 giai đoạn từ 15  - 22/4 và 30/4 - 2/5 đều bị nhiễm đạo ôn. Thời điểm này thời tiết âm u và mưa nên bà con không phun phòng kỹ thì lúa bị bệnh. Ngoài ra, tại một số huyện người dân sản xuất giống ngoài cơ cấu nên nhiễm đạo ôn nặng”, ông Hà nói.

Ngoài vấn đề thời tiết, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Thạch Hà Lê Văn Thuận thừa nhận một số bộ giống như J02, ADI 168, HN6, TH8 mẫn cảm với bệnh đạo ôn nên người dân phun không kỹ, không đúng kỹ thuật cũng mất mùa. 

Theo ông Thuận, năng suất vụ xuân năm nay ở Thạch Hà ước đạt xấp xỉ 53 tạ/ha, thấp hơn năm ngoái gần 6 tạ/ha.

“Do điều kiện thời tiết năm ngoái thuận lợi quá nên năm nay tư tưởng bà con một số vùng chủ quan, không nghe theo khuyến cáo để phun phòng hoặc phun thuốc không tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”.

Ngoài ra, chủng nòi đạo ôn trên đồng ruộng từ vụ xuân 2017 liên tục biến đổi khiến công tác phòng trừ gặp nhiều khó khăn”, ông Thuận giải thích.

Năm nay chi phí đầu vào tăng cao trong khi năng suất và giá thu mua lúa thấp khiến nông dân càng làm nhiều ruộng càng lỗ. Ảnh: Thanh Nga. 

Năm nay chi phí đầu vào tăng cao trong khi năng suất và giá thu mua lúa thấp khiến nông dân càng làm nhiều ruộng càng lỗ. Ảnh: Thanh Nga. 

Đồng thời khẳng định, từ vụ xuân năm 2023 huyện Thạch Hà sẽ không đưa giống lúa ADI 168 vào cơ cấu, còn các bộ giống khác sẽ tổ chức đánh giá lại kỹ càng trước khi xây dựng đề án.

Trước đó, vào giữa tháng 3/2022, Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng đã có bài phản ánh tình trạng một số giống lúa của những Công ty giống tên tuổi như Tập đoàn giống cây trồng Thái Bình cũng bị đạo ôn lá thiêu cháy trên diện rộng. Thực tế đó không chỉ xảy ra ở Hà Tĩnh mà còn nhiều địa phương khác tại Bắc Trung bộ, trong đó Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mật độ lúa bị đạo ôn lá chiếm tỷ lệ lớn. 

Không chỉ có giống lúa bị mẫn cảm mà ngay cả thuốc bảo vệ thực vật phun phòng trừ sâu bệnh hại lúa cũng đang là mối lo lớn cho người nông dân. Từ chất lượng thuốc khó đánh giá, đến hàm lượng phun cũng không được người dân áp dụng đúng với hướng dẫn. Lúa bị bệnh diện rộng trong khi cán bộ nông nghiệp ở các địa bàn ngày càng mỏng do sắp xếp, sáp nhập thiếu khoa học, không đồng bộ dẫn đến việc phát hiện, khuyến cáo sớm cho người dân đã không được nhanh nhạy như trước. Cùng với tác động của thời tiết bất lợi đã khiến cho nhiều cánh đồng một thời là vựa lúa của địa phương thì nay mất mùa nặng nề. 

Thương xót cho nông dân!

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.