| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh: Nuôi vịt biển thích nghi biến đổi khí hậu

Thứ Hai 17/08/2020 , 08:32 (GMT+7)

Vịt biển 15 – Đại Xuyên là giống vật nuôi mới, do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên lai tạo (Viện Chăn nuôi), được Bộ NN-PTNT công nhận giống quốc gia từ năm 2015.

Đây là giống vịt kiêm dụng có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng, phát triển nhanh. Vịt có khả năng chống chịu dịch bệnh tốt, thích nghi được ở môi trường nước lợ, nước mặn nên có thể sống tại các vùng cửa sông, cửa biển và bãi biển. Chăn nuôi loài vịt này không cần vốn đầu tư nhiều, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên giàu dưỡng chất, khả năng tự săn mồi rất tốt. Bởi tính năng của nó thích nghi với nhiều loại môi trường nên thích nghi với biến đổi khí hậu.

Vịt biển trong mô hình sinh trưởng phát triển rất tốt.

Vịt biển trong mô hình sinh trưởng phát triển rất tốt.

Xác định Vịt biển 15 – Đại Xuyên có thể trở thành đối tượng nuôi phát triển sinh kế, giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng, đặc biệt là những người dân vùng đất cát ven biển “đất mặn đồng chua” rất khó trong việc tìm mô hình phát triển kinh tế. Vì vậy, đầu năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnhđã phối hợp với UBND xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên tiến hành triển khai mô hình nuôi Vịt biển 15 – Đại Xuyên.

Đây là lần đầu tiên giống vịt biển được đưa vào thực hiện mô hình trình diễn tại Hà Tĩnh với quy mô 1.500 con tại 3 hộ gia đình, thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng 7/2020. Tham gia xây dựng mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 70% con giống; 50% thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y phòng dịch cho vịt biển; 100% kinh phí chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Trong suốt quá trình thực hiện mô hình, các hộ nuôi luôn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh theo dõi và trực tiếp hướng dẫn cụ thể, tỷ mỉ về kỹ thuật các khâu như úm vịt, chủng ngừa vaccine theo lịch, sử dụng thuốc phòng các bệnh thường gặp, bổ sung các vitamin, bcomlex... tăng sức đề kháng cho vịt.

Các hộ nuôi cho hay, vịt biển thương phẩm có thịt dày, chất lượng thơm ngon.

Các hộ nuôi cho hay, vịt biển thương phẩm có thịt dày, chất lượng thơm ngon.

Sau 10 tuần tuổi tỷ lệ sống của đàn Vịt biển 15 – Đại Xuyên bình quân đạt 98%, trọng lượng bình quân đạt 2,97 kg/con. Vịt biển thương phẩm có thịt dày, chất lượng thơm ngon.

Nhìn đàn vịt biển to béo nằm nghỉ ngơi dưới gốc cây, chị Nguyễn Thị Chiến (thôn Phú Hòa, là một trong 3 hộ thực hiện mô hình) phấn khởi tâm sự: “Đây là giống vịt mới, lần đầu đem vào nuôi nhưng Vịt biển 15 - Đại Xuyên có sức đề kháng rất tốt. Gia đình tôi đã nhiều năm nuôi các loại vịt cỏ, vịt cánh trắng… nhưng chưa lứa vịt nào mà đạt tỷ lệ sống 99%, tốc độ tăng trọng nhanh như lứa này. Đàn vịt biển tôi nuôi tới 8 tuần mà có con đạt 3kg. Nuôi xong lứa này, hộ chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục tái đàn khoảng 1.000 con”.

Kiểm tra vịt trong mô hình.

Kiểm tra vịt trong mô hình.

Là 1 trong 3 hộ tham gia mô hình, trại của ông Dương Văn Mến (thôn Mỹ Hòa) nằm ngay đầu cửa lạch sát bờ biển, trong quá trình nuôi thời tiết nắng nóng kéo dài, hồ thả vịt cạn nước nhanh. Để đảm bảo đàn vịt biển phát triển tốt, ông đã chủ động bơm thêm nguồn nước từ lạch vào.

Ông Mến cho biết: “Giống vịt biển 15-Đại Xuyên thích nghi rất tốt với vùng ven biển, dễ úm, dễ nuôi, nước bơm vào ao là nước lợ mà vịt vẫn bơi lội, ăn uống bình thường, đặc biệt là gặp thời tiết nắng nóng, nuôi trên vùng đất cát nhưng vịt vẫn phát triển tốt, không mắc các bệnh thường gặp ở vịt như bệnh về tiêu hóa, bệnh cắn mổ nhau. Thịt của giống vịt biển lại không có mùi hôi như các loại vịt khác, rất thơm ngon”.

Sau thời gian triển khai mô hình với 10 tuần nuôi, đàn Vịt biển 15-Đại Xuyên đạt trọng lượng xuất chuồng, các hộ nuôi đã liên hệ đầu mối tiêu thụ. Với giá bán từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, dự kiến mỗi hộ thu lợi nhuận về hơn 11 triệu đồng/lứa/500con.

Trong buổi nghiệm thu đánh giá kết quả mô hình, ông Lê Văn Danh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Với kết quả đạt được của mô hình như vậy, chúng tôi khẳng định đây là giống vịt thích nghi tốt với khí hậu khắc nghiệt tại địa phương, đặc biệt là trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay. Chúng tôi sẽ có đề xuất với chính quyền huyện để có những chính sách khuyến khích nhân rộng mô hình”.

 

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.