Năng suất giảm do dịch bệnh và phá lịch thời vụ
Theo đánh giá bước đầu của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, tính đến ngày 6/5, diện tích lúa vụ xuân 2020 đã thu hoạch khoảng hơn 3.900/59.347 ha (đạt 6,61% tổng diện tích).
Dự kiến thời gian thu hoạch tập trung tại các huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, Lộc Hà từ nay đến 15/5; các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, thị xã Kỳ Anh, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên thu tập trung từ 10 - 20/5; các địa phương còn lại thu hoạch tập trung từ 15 - 22/5. Như vậy lúa vụ xuân cơ bản kết thúc thu hoạch trước 25/5, sớm hơn lịch thời vụ khoảng 20 ngày.
“Năng suất đánh giá ước đạt 55,27 tạ/ha, thấp hơn vụ xuân 2019 là 0,42 tạ/ha”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh thông tin. Đồng thời cho hay, số liệu trên mới chỉ là đánh giá sơ bộ của ngành, còn tổng hợp của các địa phương chưa có con số cụ thể.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của NNVN, vụ xuân 2020, năng suất lúa ở hầu hết các địa phương đều sụt giảm nhiều so với vụ xuân 2019. Ngay như vựa lúa huyện Cẩm Xuyên, năng suất cũng ước chỉ đạt 55 tạ/ha, giảm 0,84 tạ/ha so với cùng kỳ…
Từ câu chuyện phá lịch thời vụ, các chuyên gia nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh cho rằng, vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước trong chỉ đạo sản xuất chưa tròn vai.
Cụ thể, theo đề án, vụ xuân 2020 Hà Tĩnh chỉ đạo bà con xuống giống trà sớm nhất từ 15 – 20/12/2019, phấn đấu trổ tập trung từ 15/4 – 5/5/2020.
Tuy nhiên, thực tế, người dân vẫn bất chấp khuyến cáo, đẩy thời vụ lúa trổ tập trung từ ngày 10 - 20/4, kết thúc trổ ngày 25/4/2020; cá biệt có trà tại các huyện như Nghi Xuân, Đức Thọ, Lộc Hà, thị xã Hồng Lĩnh trổ từ ngày 25/3, sớm hơn cả lịch thời vụ đến 20 ngày.
“Thực tế năm nay Đức Thọ và Can Lộc được mùa là nhờ may mắn, còn hầu hết các địa phương năng suất đều sụt giảm do lúa trổ sớm, đúng những ngày mưa rét khiến hàng loạt sâu bệnh nguy hiểm như: đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, khô vằn, bạc lá; sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng… phát sinh, gây hại; tỷ lệ hạt lép trên bông cao”, cán bộ chuyên môn một công ty giống cây trồng hoạt động trên địa bàn xin giấu tên nói.
Vị này cũng cho biết, chưa năm nào thời vụ sản xuất ở Hà Tĩnh lộn xộn như vụ xuân 2020. Nếu không kiểm soát được việc người dân phá lịch thời vụ thì việc xây dựng đề án sản xuất của của ngành chuyên môn chẳng còn có ý nghĩa (!).
Còn nhớ trong cuộc họp triển khai đề án sản xuất vụ xuân 2020, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà đề xuất được điều chỉnh lịch thời vụ song ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Sản xuất theo lịch thời vụ tỉnh xây dựng là quy luật tất yếu, không thể thay đổi”.
Nhiều giống nhiễm đạo ôn nặng
Phải khẳng định năm nay thời tiết diễn biến hết sức bất lợi khiến cho đạo ôn lá phát sinh sớm, gây hại trên diện tích gần 800 ha. Một số giống tỷ lệ nhiễm bệnh nặng, nhiều diện tích bị cháy chòm gồm: VTNA 6, ADI 168, J02, BQ...
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên cho hay, năm nay giống lúa VTNA 6 của Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An bị đạo ôn lá nặng nề nhất, với tổng diện tích nhiễm hơn 2 ha, rải đều trên gần 30 ha cánh đồng một giống gieo cấy ở thôn Trung Trạm.
“Vừa qua rất may bà con chủ động phòng trừ quyết liệt mới tạm ổn. Chứ giống VTNA 6 dài ngày mà kháng chịu sâu bệnh cũng không được tốt”, ông Hùng nói.
Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên thừa nhận trong cùng một điều kiện thời tiết như nhau nhưng giống VTNA 6 mẫn cảm với bệnh đạo ôn hơn các giống khác.
“Những năm trước đây VTNA 6 cũng nhiễm đạo ôn nhưng năm nay mức độ nhiễm nhiều hơn và có cháy chòm.
Hơn nữa, dù lúa năm nay rất tốt nhưng Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An vẫn khuyến cáo bón thúc phân của đơn vị với quy trình cũ, không điều tiết được lượng đạm nên lúa có biểu hiện thừa đạm”, ông Hà phân tích.
Đồng thời cho rằng, ngoài yếu tố giống lúa mẫn cảm với bệnh, công ty cũng cần xem xét lại quy trình điều tiết hàm lượng đạm trong phân sao cho phù hợp thời tiết từng vụ sản xuất.
Trong buổi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Can Lộc chiều 6/5, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, ngoài sản xuất truyền thống, tự cung tự cấp, các địa phương cần xây dựng các chuỗi liên kết với doanh nghiệp thực hiện các mô hình cánh đồng lớn.