| Hotline: 0983.970.780

Hái dâu tây Hàn Quốc giữa lòng Hà Nội

Thứ Tư 13/03/2024 , 10:30 (GMT+7)

Trong trang trại thông minh, tôi mải mê hái dâu tây Hàn Quốc để cảm nhận vị ngọt, hương thơm nức của thứ quả nếu được nhập khẩu giá sẽ cả triệu đồng/kg.

Gian nan để có quả dâu tây giữa trời nồm

“Trong điều kiện mùa đông ở Hàn Quốc, nhiệt độ có lúc xuống tới âm 20, âm 30 độ C nhưng trời khô và có nắng nên khi trồng dâu tây chỉ cần làm ấm nhà kính, còn trồng ở Hà Nội thiên về làm lạnh, giảm độ ẩm. Chúng tôi chọn Hà Nội để trình diễn công nghệ trang trại thông mình này vì tiện cho việc quảng bá. Hơn thế nữa, nó còn nhằm mục đích thích ứng với biến đổi khí hậu vì nóng cũng có thể trồng dâu tây được”, chị Phạm Thị Thanh Hải, quản lý của Công ty TNHH Ele Farm Vina - đơn vị vận hành trang trại nói với tôi trong tiếng o o của hàng trăm chiếc quạt hút gió như một đàn ong vò vẽ khổng lồ.

Chị Phạm Thị Thanh Hải, quản lý của Công ty TNHH Ele Farm Vina bên khu nhà kính trồng dâu tây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Phạm Thị Thanh Hải, quản lý của Công ty TNHH Ele Farm Vina bên khu nhà kính trồng dâu tây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu nhà kính rộng 1,2ha ở Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) được hoàn thiện vào năm 2022 là món viện trợ không hoàn lại của chính phủ Hàn Quốc cho Việt Nam thông qua Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS). Toàn bộ trang thiết bị, cây giống được mang từ Hàn Quốc sang rồi được chính người của họ lắp ráp, vận hành, đào tạo lại cho người Việt. Mục đích ngắn hạn là tìm cách trồng được dâu tây trong điều kiện nóng ẩm của Hà Nội. Mục đích dài hạn là xuất khẩu mô hình nhà kính thông minh cho Việt Nam.

"Tại sao gọi là nhà kính thông minh?", tôi hỏi. Chị Hải cho biết bởi toàn bộ thiết bị được điều khiển bằng smartphone hoặc máy tính nối mạng. Ở trên đó có đầy đủ các thông số như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, hướng gió, độ dinh dưỡng hoà tan trong nước, trong giá thể… Trời mưa mái tự đóng, trời ráo mái tự mở. Cây được trồng theo chế độ bán thủy canh, bám rễ vào giá thể. Hệ thống máy tưới phân tự động thiết lập chế độ dinh dưỡng cần thiết cho cây dẫn dinh dưỡng tới từng gốc cây. Còn hệ thống làm mát không khí bằng điều hòa sẽ hoạt động khi trời quá nóng, nhất là trong 2 tuần cây phân hóa mầm hoa, cần duy trì nhiệt độ 10 - 25 độ C.

Hệ thống làm mát bầu rễ sử dụng nước được làm lạnh dưới 20 độ C đẩy ra vườn thông qua hệ thống ống tuần hoàn đi sâu vào trong giá thể làm giảm nhiệt độ xung quanh rễ cây rồi quay trở lại bể. Hệ thống phun thuốc tự động không người lái, chỉ cần gạt công tắc là có thể chạy từ đầu dãy đến cuối dãy.

Cận cảnh dâu tây Hàn Quốc. Ảnh: Tư liệu.

Cận cảnh dâu tây Hàn Quốc. Ảnh: Tư liệu.

Hiện đại và đồng bộ là thế nhưng vụ dâu tây đầu tiên (mùa đông năm 2022) không thành công do trời nồm, mù mịt, thiếu sáng nên dù quả khá đẹp, thơm nhưng không ngọt. Sản lượng thu được 4 tấn thì hỏng hơn 1 tấn vì nấm mốc, số còn lại chua, nhạt không bán được. Vụ dâu thứ hai (mùa đông năm 2023), để đối phó với tình trạng trời nồm, các kỹ sư đã cải tiến bằng cách quản lý lượng nước tưới và bật hệ thống điều hòa. Nhưng bệnh héo rũ hoành hành, thêm vào đó là nhện đỏ hai chấm lan tràn nên sản lượng thu được chỉ 2 tấn.

Nếu như trung bình mỗi ha dâu tây ở Hàn Quốc đạt năng suất 20 tấn/vụ do có đến 6 - 7 lứa hoa (từ đầu đông tới tận tháng 6 năm sau) thì mỗi ha dâu tây ở Việt Nam chỉ có 2 - 3 lứa hoa (từ đầu đông đến tháng 3 năm sau) thành ra năng suất rất thấp. Chính vụ, trang trại bán vé trải nghiệm 50.000đ/người vào, bán 350.000đ/kg quả, cuối vụ quả nhỏ, sản lượng thấp thì không bán vé nữa mà chỉ bán dâu với giá 250.000đ/kg…

Cảm nhận của tôi là dâu tây trồng ở Đà Lạt ăn chua, nhạt và ít thơm, dâu tây trồng ở Mộc Châu vị chua có bớt nhưng vẫn chưa đạt, còn dâu tây trồng ở Hà Nội ăn khá hơn cả, tuy nhiên cũng chỉ được cỡ 6/10 so với dâu Hàn Quốc nhập khẩu. Chị Hải lý giải, dâu tây yêu cầu trung bình mỗi ngày 5 - 6 giờ có ánh nắng vàng thì quả mới ngon, ngọt. Tuy nhiên liên tục từ tháng 1 đến nay Hà Nội chỉ có vài ngày nắng, còn toàn trong tình trạng trời mịt mờ. Thiếu nắng trầm trọng nên các kỹ sư phải ngắt nước để cho quả cứng, ngọt hơn nhưng lại dẫn đến tình trạng cây thiếu dinh dưỡng, năng suất thấp bởi trồng theo kiểu bán thủy canh.

Ngoài yêu cầu nắng 5 - 6 giờ/ngày, dâu tây còn cần nhiệt độ dưới 25 độ C, độ ẩm dưới 60%, trong khi đó rất nhiều ngày mùa đông hay mùa xuân ở Hà Nội độ ẩm lên tới trên 90% khiến cho quả bị mọc lông mốc trắng. Trong những tuần như thế, các kỹ sư suốt ngày chỉ xách xô nhặt quả thối rồi đổ đi từng xe rùa một, vừa làm vừa xót bởi chẳng khác nào đổ công sức, tiền của đi. Trước đó, họ trồng 4 vạn cây mà mất 2 vạn vì bệnh héo rũ, thán thư, ngày nào cũng đẩy vài xe rùa chở cây chết đổ đi.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn (ngoài cùng bên trái), Giám đốc VAAS cùng phía đối tác Hàn Quốc. Ảnh: Tư liệu. 

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn (ngoài cùng bên trái), Giám đốc VAAS cùng phía đối tác Hàn Quốc. Ảnh: Tư liệu. 

Có 3 giống dâu tây Hàn Quốc được trồng thử nghiệm tại đây gồm Go Seul, Seol Hyang và Kum Sil. Kum Sil quả cứng, ăn ngọt và có vị đào, là giống cao cấp ở Hàn Quốc, chuyên cho xuất khẩu nhưng tiếc là trồng không hợp ở Việt Nam, năng suất thấp, quả nhỏ. Seol Hyang là giống phổ biến ở Hàn Quốc, quả ngọt nhưng dễ dập nát khi vận chuyển, khi trồng ở Việt Nam cũng không hợp, năng suất thấp, quả nhỏ. Chỉ còn lại Go Seul là giống chịu nhiệt được phát triển từ năm 2016, phù hợp với khí hậu nóng là khả quan hơn, cho năng suất chấp nhận được, quả đẹp, độ ngọt vừa phải. Vụ dâu tây năm 2023 - 2024 đến hết tháng 3 này là dừng, sản lượng chừng 2 tấn, dự tính thu được 400 - 500 triệu đồng.

Xác định chỉ trồng dâu tây như vậy thì không thể có lãi nên phía Hàn Quốc mới trồng thêm dưa lê vào vụ hè. Giống dưa lê ngoại này sinh trưởng trong điều kiện dưới 40 độ C, tuy nhiên dưới cái nắng hè cộng hưởng với nhà màng, nhiệt độ thường xuyên lên tới 45 - 50 độ C, dù bật hết cả các trang thiết bị làm mát, 3.000 cây dưa lê vụ hè năm 2023 dưới sức nóng đó chỉ 1/3 thụ phấn, cho thu khoảng 1 tấn quả, bán được trên 100 triệu đồng.

Người Mông ở khu công nghệ cao

Bất ngờ tôi gặp được một người Mông có tên Mùa A Ký, 23 tuổi, đến từ huyện Mù Căng Chải của tỉnh Yên Bái trong vai trò là kỹ thuật viên ở đây. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông nghiệp, anh được cô giáo giới thiệu về thực tập rồi làm luôn và đã trải qua 2 vụ dâu tây như thế. Khác với quê anh ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, Hà Nội mùa đông không quá rét, còn mùa hè thì trong nhà kính nhiệt độ lên đến 50 độ C khiến Ký phải mặc áo chống nắng, uống thật nhiều nước để chống chịu.

Mùa A Ký đang chăm sóc dâu tây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mùa A Ký đang chăm sóc dâu tây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ăn ngủ tại ngay khu nhà kính nên ngoài làm việc trong giờ hành chính, buổi tối anh lại ra kiểm tra xem các thiết bị đã tắt chưa, có bị rò rỉ không. Nhiều khi những cơn mưa phùn của miền Bắc không đủ cảm biến nhận biết được mà tự ra lệnh đóng mái nhà kính nên anh phải đóng kiểu thủ công.

Trang trại nằm ngay giữa cánh đồng nên nhiều chuột. Chúng cắn lưới, chui vào ăn quả dâu tây, đào hang ngay trong những khay đựng giá thể nên anh phải đặt bả xung quanh nhà kính. Niềm vui của Ký cũng như 3 lao động và quản lý khác của trang trại là khi thấy cây đơm hoa kết trái, là khi thấy trẻ con reo vui khi được hái dâu tây ngay giữa lòng thành phố.

TS Bùi Quang Đãng - Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác Quốc tế của VAAS cho biết thời gian qua, đơn vị đã tạo điều kiện tối đa cho phía Hàn Quốc để họ thử nghiệm công nghệ nhà kính thông minh, điều chỉnh kỹ thuật canh tác qua mỗi mùa vụ sao cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, xử lý dần từng vấn đề như năng suất, chất lượng và sâu bệnh. Bấy lâu nay, công nghệ cao trong nông nghiệp ở Việt Nam phát triển chậm vì không phù hợp hay vì giá thành quá đắt, không cho hiệu quả kinh tế. Câu chuyện nhà kính Israel nhập về nước ta thời gian qua là một ví dụ.

Bẫy dính côn trùng gây hại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bẫy dính côn trùng gây hại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trang trại thông minh kiểu Hàn Quốc lần này khi đã ổn về mặt kỹ thuật, nếu muốn mở rộng, hoàn toàn phía Việt Nam có thể tự chủ về vật tư để giảm giá thành chứ không phải nhập nguyên từ con ốc trở đi như hiện tại.

“Xưa ở miền Bắc đã từng trồng dâu tây ở ngoài đồng, chợ Bưởi tại Hà Nội đã từng bán đầy hom nhưng đó là giống dâu ta, sức sống khỏe, tuy nhiên quả ăn rất chua. Những thứ quả ngon, ngọt, thơm, đẹp thường cây có sức chống chịu kém. Dâu tây Hàn Quốc là một ví dụ. Trong điều kiện khó là nóng, ẩm, mù trời như Hà Nội mà trồng được dâu tây thì những nơi cao, mát như các tỉnh miền núi sẽ dễ hơn rất nhiều. Bởi thế, tuy dự án gặp nhiều khó khăn nhưng có thể hi vọng sẽ thành công trong thời gian tới và lan tỏa được”, TS Bùi Quang Đãng phân tích.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.