| Hotline: 0983.970.780

Trang trại dâu tây của anh 'dân tộc thiểu số Nhật'

Thứ Sáu 06/10/2023 , 09:08 (GMT+7)

SƠN LA Hana tự nhận mình là một anh 'dân tộc thiểu số Nhật' khi sống hơn 10 năm ở Sơn La tại một bản người Thái để giúp cộng đồng trồng dâu tây giống Nhật.

Chưa trồng cây vẫn phải tưới nước cho đất

Cách đây 14 năm ở huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) người ta bỗng thấy một ông già người Nhật ngày ngày đạp xe từ thị trấn vào Công ty Hoa nhiệt đới để chăm một thứ cây còn rất lạ lẫm -  cây dâu tây. Đó là ông Otsuka Yoshio (sinh năm 1943) - một nông dân Nhật chính hiệu với kinh nghiệm trồng dâu tây hơn 40 năm.

Khách đến trải nghiệm hái dâu tại trang trại của Hana. Ảnh: Nga Huyền.

Khách đến trải nghiệm hái dâu tại trang trại của Hana. Ảnh: Nga Huyền.

Khi về già, tài chính rủng rỉnh, ông có nguyện vọng muốn mang cây dâu tây đến các nước Đông Nam Á cho người dân phát triển kinh tế. Ông sang Thái Lan rồi tới Việt Nam năm 2009, khi lên huyện Mộc Châu thấy thích quá nên đã quyết định dừng chân, mang mấy trăm cây dâu tây giống Tochiotome đến trồng thử nghiệm ở Công ty Hoa nhiệt đới.

Không biết tiếng Việt, không phong tục tập quán Việt, một mình ông ở khách sạn ngoài thị trấn nhưng hàng ngày vẫn lọ mọ đạp xe vào Công ty để chăm cây như chăm trẻ vậy. Không phụ lòng ông, đám dâu tây Nhật tỏ ra hợp với khí hậu Mộc Châu, lên xanh mơn mởn. Quả thu được có lúc chỉ 1kg thôi ông cũng thuê taxi mang về Hà Nội để giới thiệu cho các nhà hàng Nhật xem người ta đánh giá chất lượng như thế nào.

Khi khách hàng phản hồi tốt, ông đã cho nhiều người giống nhưng dân bản không dám trồng vì chưa ai biết quả dâu tây nó như thế nào, trồng ra rồi bán ở đâu nên đành lén lút bán chúng đi. Do tuổi tác, ông Otsuka Yoshio cảm thấy không thể ở Việt Nam lâu được nên mới về Nhật với mục đích tìm một người trẻ thay thế cho mình. Và ông đã gặp anh Hana - một kỹ sư thiết kế vốn có máu phiêu lưu và tình yêu nông nghiệp liền kéo anh sang Việt Nam năm 2010.

Hana đang giới thiệu với khách về vườn dâu tây của mình. Ảnh: Nga Huyền.

Hana đang giới thiệu với khách về vườn dâu tây của mình. Ảnh: Nga Huyền.

Năm đầu tiên anh Hana trồng dâu tây ngoài trời ở xã Tân Lập (huyện Mộc Châu) nhưng chết hết, chẳng hiểu do khí hậu nóng hay lỗi kỹ thuật. Không nản chí, anh lại mang giống về thị trấn Mộc Châu trồng thử, thấy chúng khá phù hợp. Nghĩ dài nên Hana thuê đất ở bản Búa, xã Đông Sang (huyện Mộc Châu), làm thủ tục thành lập Công ty Rau quả Việt Nhật và xin được giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2012.

Bỏ hết công việc ở Nhật, bỏ cả thủ đô Tokyo hoa lệ, Hana sang Việt Nam sống một mình trong trang trại như một người dân tộc. Hana nghĩ, nếu không có người tiên phong thì không ai theo mình cả nên phải tự lăn ra mà làm. Buổi sáng anh trồng cây, buổi tối soi đèn bắt sâu xong rồi mới chịu đi ngủ.

Sau nhiều thử nghiệm, đến quãng năm 2015 - 2016 quả dâu tây Nhật bán ở Hà Nội cũng bắt đầu có thương hiệu, khách đến tận nơi để tìm mua.

Cuối tháng 9/2023 tôi lên Mộc Châu, đang là lúc bận rộn nhất của thời vụ trồng dâu tây ở đây, mọi người tíu tít chuẩn bị cây giống và giá thể để trồng. Nhàn rỗi, hết ngắm các nông cụ được treo, xếp theo đúng kiểu Nhật rất gọn gàng và khoa học, tôi lại ngắm bầy chim sẻ líu ríu sà xuống từng luống giá thể để tìm sâu, bắt bọ. Đóng máy chiếc máy bơm tưới ẩm cho giá thể dù không hề có cây ở trong đó, chị Nguyễn Thị Huyền - quản lý của trang trại cho biết mình theo Hana làm ngay từ những ngày đầu thành lập.

Chị Nguyễn Thị Huyền đang kiểm tra độ ẩm của các khay giá thể. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Nguyễn Thị Huyền đang kiểm tra độ ẩm của các khay giá thể. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dâu tây được trồng bằng ngó như rau má. Tháng 11 làm cây mẹ, tháng 3 năm sau trồng cây mẹ để nhân ra cây con, từ tháng 3 đến tháng 9 làm cây con, tháng 9 trồng thì tháng 11 thu hoạch trong khoảng thời gian kéo dài chừng 140 - 150 ngày. Làm giống, trồng cây, ra hoa, đậu quả, tất cả các công đoạn ấy của dâu tây đều cần phải để tâm, chăm sóc thật kỹ. Lúc đầu trang trại trồng dâu tây dưới đất nhưng do khó quản lý, dễ dính bệnh nên mới chuyển sang trồng dạng bán thủy canh trong giá thể xơ dừa.

Người Nhật luôn răm rắp tuân theo nguyên tắc, quy trình. Ví dụ như việc sử dụng thuốc BVTV cứ phải đúng hoạt chất, đúng liều lượng, đúng số lần, dù cây có bị bệnh, có chết cũng không được làm khác đi, hỏng là bỏ.

Sau mỗi vụ dâu đều phải khử trùng đất bằng cách dùng cám gạo trộn vào đất rồi tưới nước cho ướt đẫm để kích thích vi khuẩn có hại ra ăn, đợi khi chúng kéo ra nhiều thì phủ nylon trùm kín lên trên. Trong thời điểm mùa hè tháng 5, tháng 6, nhiệt độ bên trong màng nylon phủ mặt đất ấy đạt tới 50 - 60 độ C khiến vi khuẩn gây bệnh bị chết ngạt. Hình thức trồng dâu trên giá thể cũng phải xử lý giá thể sau mỗi vụ thu hoạch theo cách đó.

Sau khi khử trùng, tháng 7 bỏ nylon ra, phơi đất cho khô, sạch, rồi trộn thêm xơ dừa, thêm vi khuẩn có lợi và tưới nước giữ ẩm hàng ngày, dù chưa có cây nhưng để duy trì lợi khuẩn, đợi đến tháng 9 mới xuống giống.

Nuôi vi sinh và thả thiên địch

9.000m2 nhà lưới của trang trại dâu tây Nhật được chia làm 4 khu vực trồng, trong đó có 1 khu nhân giống. Ở đây vẫn dùng thuốc BVTV nhưng theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật. Ở đây vẫn dùng phân hóa học nhưng lại nuôi thêm vi sinh, ủ trấu để trộn vào trong giá thể. Đến vụ lại thả thiên địch có lợi như nhện vào nhà lưới để ăn những côn trùng có hại, giúp hạn chế việc dùng thuốc BVTV, thả ong vào để thụ phấn cho hoa.

Chị Nguyễn Thị Huyền bên nhưng cây dâu tây giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Nguyễn Thị Huyền bên nhưng cây dâu tây giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giống dâu tây này được một người Nhật bạn của ông Otsuka Yoshio nghiên cứu tại Thái Lan, khu vực đó cùng vĩ tuyến với huyện Mộc Châu nên trồng ở đây rất hợp. Dâu Hana hợp với thị hiếu của người Việt, quả cứng, có đủ vị chua, vị ngọt, mùi thơm, ngon hơn cả trồng bên Nhật. Người Việt làm gì đa số đều muốn nhanh chóng thu được tiền nhưng người Nhật thì không, làm rất cẩn thận, từ từ, chẳng gấp gáp.

Năm đầu tiên Hana trồng thử nghiệm chỉ 1.000 cây. Năm thứ hai trồng 2.000 cây. Rồi những năm tiếp theo mỗi năm lại tăng thêm một ít, hiện đã trồng 25.000 cây, sản lượng mỗi vụ hơn 10 tấn, tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Hà Nội. Vườn rất đẹp, nhiều khách muốn tới tham quan nhưng Hana không mở tour du lịch vì muốn tập trung vào sản xuất.

"Tên tiếng Nhật của giống dâu tây này là Tochiotome nhưng người dân được chuyển giao kỹ thuật, được cho giống để trồng, vì yêu quý nên họ gọi là giống dâu này là dâu Hana - tên của anh Hana”, chị Nguyễn Thị Huyền - quản lý của trang trại kể.

Hana chụp ảnh cùng khách đến thăm vườn. Ảnh: Nga Huyền.

Hana chụp ảnh cùng khách đến thăm vườn. Ảnh: Nga Huyền.

Rời trang trại của Hana, tôi đến nhà ông Hoàng Văn Án - Trưởng bản Búa (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu) và lại gặp màu xanh mướt mát của vườn dâu tây ở ngay trước cửa. Ông kể, bản có 180 hộ người Thái, hơn 10 năm trước đây chỉ biết trồng ngô, nuôi lợn, nuôi gà nên kinh tế rất khó khăn. 7 năm về trước, một buổi Hana đến nói với ông rằng: “Cháu quý chú, tặng chú 100 cây dâu tây giống để trồng thử”. Anh còn tận tình hướng dẫn ông cách trồng, chăm sóc cũng như thường xuyên đến xem cây phát triển cụ thể thế nào.

Từ đó, ông Án nhân ra thành 8.000 cây, phủ kín khu vườn của hai cha con rộng 3.000m2. Mỗi năm họ thu được khoảng trên 2 tấn quả, đầu vụ bán 300 - 350.000đ/kg, cuối vụ bán 150 - 180.000đ/kg, lãi cỡ 350 triệu đồng. Dâu tây trồng ngoài trời tuy quả không đẹp như trồng trong nhà lưới, năng suất kém hơn, rủi ro cũng nhiều hơn do sương muối hay mưa đá nhưng được cái chất lượng lại ngon hơn, ăn rất đậm đà.

2 năm nay thấy vườn dâu tây của cha con ông Án “hái ra tiền” nên trong bản đã có 40 hộ học trồng theo, nhà ít 1.000m2, nhà nhiều cả ha.

Vườn dâu tây của ông Hoàng Văn Án - Trưởng bản Búa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn dâu tây của ông Hoàng Văn Án - Trưởng bản Búa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hana là người chăm chỉ nhất bản, làm việc từ sáng đến tối ngoài vườn, thất bại cũng không nản. Nói là công ty nhưng chỉ có Hana và cô Huyền làm là chính, ngoài ra thuê thêm vài lao động khác nữa. Năm 2016 bị lụt, nước tràn vào qua cổng, cả bản đổ ra ứng cứu, đắp đất đá, bịt cổng hộ Hana. Đồ đạc trôi lung tung cả nhưng may là dâu tây không bị ảnh hưởng.

"Sống ở đây, Hana biết “nhập gia tùy tục”, học tiếng Thái để giao tiếp. Khi các hộ gia đình trong bản tổ chức đám cưới, đám ma, nhà mới mời Hanna đều đến. Khi bản có sự kiện gì Hana đều đóng góp nên dân chúng tôi rất quý. Nhiều người muốn gả con gái cho, nhưng Hana chỉ cười: “Cháu chưa thành công nên chưa muốn lấy vợ…”, ông Án kể.

Với nhiều người, lao động chân tay tại một đất nước xa lạ là sự đày ải nhưng với Hana thì không. Vì yêu nông nghiệp, yêu thiên nhiên nên những lúc rảnh rỗi anh thường đi rừng để sưu tầm những giống hoa, giống lan mới và lạ.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.