| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương: Xã ký giấy xác nhận bán lợn xuyên vùng dịch

Thứ Năm 09/05/2019 , 09:42 (GMT+7)

Ngày 8/5, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cho biết, mới phát hiện và tạm giữ một xe kéo chở lợn từ xã Gia Lương, huyện Gia Lộc. Điều đáng bàn, số lợn sau đó được trả lại để giết mổ khi có “Giấy xác nhận” của Chủ tịch UBND xã Gia Lương rằng lợn chưa mắc bệnh.

Vận chuyển xuyên vùng dịch

Ông Nguyễn Đình Tính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ cho biết, trưa 7/5, nhận được điện thoại từ Chủ tịch UBND xã Bình Lãng thông báo sự việc. Nội dung ban đầu là tạm giữ một xe chở lợn thịt, mỗi con khoảng hơn 70 kg, không rõ từ đâu chuyển về.

"Sau đó chúng tôi đã báo cáo sự việc cho UBND huyện, đồng thời cử một cán bộ thú y về xã phối hợp xác minh, làm rõ. Lãnh đạo xã cho biết, ban đầu chủ hộ có lợn quanh co, bất hợp tác về khai báo nguồn gốc số lợn", ông Tính cho hay. 

“Giấy xác nhận” bị cho là vượt thẩm quyền của UBND xã Gia Lương.

Trưa 8/5, ông Nguyễn Khắc Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãng xác nhận vụ việc với Báo NNVN. Theo ông Viễn, trưa 7/5, lực lượng quân sự xã phát hiện một xe kéo chở 6 con lợn đi qua địa bàn nên tạm dừng để kiểm tra. Sau đó, số lợn và phương tiện được đưa về sân trụ sở UBND xã Bình Lãng - địa phương xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi từ 16/4.

"Áng chừng, chắc chỉ còn 1% số hộ chăn nuôi chưa bị dịch bệnh. 65% cơ sở chăn nuôi ở huyện Tứ Kỳ thuộc dạng nhỏ lẻ, dưới 20 con lợn/hộ" ông Nguyễn Đình Tính, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Tứ Kỳ thở dài.

Làm việc với chính quyền xã Bình Lãng, chủ xe kéo không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và kiểm dịch. Xã Bình Lãng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ phương tiện và lợn.

Tại đây, chủ xe kéo chở lại khai là Nguyễn Văn Sĩ (SN 1982), trú xã Gia Lương, huyện Gia Lộc (cùng tỉnh Hải Dương). Ông Sĩ cho biết, lợn được bán cho ông Nguyễn Ngọc Lân, thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng. Ông Viễn cho biết, gia đình ông Lân trước nay chưa bao giờ chăn nuôi, chỉ đơn thuần là nhập lợn về và giết mổ bán.

Tuy nhiên, sau đó ông Sĩ quay trở lại xã Gia Lương và xin được tờ "Giấy xác nhận" từ lãnh đạo địa phương này. Nội dung là Ban Thú y xã Gia Lương xác nhận hộ gia đình ông Sĩ có đàn 6 con lợn chưa bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đề nghị "các đồng chí tạo điều kiện giúp đỡ". Giấy xác nhận có đóng dấu, chữ ký của ông Nguyễn Văn Dạo, Chủ tịch và ông Nguyễn Văn Giới, Ban Thú y xã Gia Lương.

Đưa lợn đi tiêu huỷ tại xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ

Sau khi cầm giấy xác nhận quay trở lại, ông Sĩ được trả lại phương tiện và đàn lợn để bán cho gia đình ông Lân. 6 con lợn này sau đó đã được gia đình ông Lân nuôi nhốt và giết mổ, bán ngay tại xã Bình Lãng.

Giải thích về điều này, ông Viễn cho biết, sau khi có giấy xác nhận của xã Gia Lương đồng thời nhận định lâm sàng 6 con lợn khoẻ mạnh bình thường, không có dấu hiệu mắc bệnh dịch tả Châu Phi nên trả lại.

"Nếu sau thời điểm trên, lợn bị phát bệnh, ông Lân hoàn toàn chịu trách nhiệm tự tổ chức tiêu huỷ theo hướng dẫn của Ban Thú y xã, không được đề nghị hỗ trợ của Nhà nước", biên ban trao trả ghi rõ.

Người dân vẫn dùng xe máy chở lợn theo đường gom com tốc đi xuyên vùng dịch.

Nói về điều này, ông Nguyễn Đình Tính cho rằng, việc UBND xã Gia Lương xác nhận cho người dân như trên là vượt trái thẩm quyền. Việc này là của cơ quan chuyên môn thú y từ cấp huyện trở lên thực hiện. Sau khi lấy mẫu và xác nhận đàn lợn âm tính với dịch bệnh mới được phép xuất bán. Việc xã Bình Lãng trả lại lợn cho người dân, một phần do sợ không xử lý nhanh, lợn chết sẽ phải bồi thường.

Trả lời Báo NNVN, ông Nguyễn Văn Dạo xác nhận sự việc kể trên. Theo ông Dạo, xã Gia Lương xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi hơn một tháng nay.

Trước ý kiến về việc ký giấy xác nhận vượt thẩm quyền cơ quan chuyên môn để người dân bán lợn từ vùng dịch, ông Dạo nói: "Chúng tôi chỉ làm giấy xác nhận rằng đàn lợn 6 con của gia đình anh Sĩ chưa mắc bệnh, chưa có biểu hiện bị dịch tả Châu Phi".
 

Có chuyện lợn chết "quay đầu"?

Ông Nguyễn Khắc Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãng đồng thời được bầu làm Trưởng ban chỉ đạo chống dịch tả Châu Phi của địa phương này.

Theo ông Viễn, từ khi dịch bệnh bùng phát, chính ông nhận được rất nhiều ý kiến của người dân trong xã về việc một số trường hợp "quay đầu" lợn chết để trục lợi chính sách hỗ trợ. Ông Viễn khẳng định, luôn tôn trọng ý kiến của người dân, đồng thời ngay từ đầu đã siết chặt việc kiểm đếm, vận chuyển, tiêu huỷ.

Một bãi tiêu huỷ lợn tại huyện Tứ Kỳ
Toàn huyện Tứ Kỳ có khoảng 1.200 hộ có lợn bị tiêu huỷ, tổng khối lượng khoảng 800 tấn. Số tiền hỗ trợ người dân theo thống kê đã lên tới 45 tỷ đồng. Chưa có hộ dân nào nhận được tiền hỗ trợ từ trong số tiền kể trên.

Theo đó, xã Bình Lãng đã lập danh sách tổng đàn lợn cùng các hộ chăn nuôi. Toàn xã có khoảng 4.000 con lợn. Qua kiểm đếm, tới nay trong dân chỉ còn khoảng 1.300 con.

"So với các xã khác, chăn nuôi của Bình Lãng không lớn bằng. Tuy nhiên, ngay từ đầu chúng tôi đã làm chặt chẽ, tới nay chưa phát hiện ra hộ dân nào có hành vi quay đầu lợn như một số ý kiến", ông Viễn cho hay.

Ông Nguyễn Đình Tính thì cho biết, mặc dù từ tỉnh tới xã, huyện quyết liệt phòng, chống nhưng tới nay dịch đã xảy ra ở 27/27 xã, thị trấn. Riêng tỉnh cấp cho huyện Tứ Kỳ khoảng 4.500 lít hoá chất để phun tiêu độc khử trùng - số lượng lớn chưa từng có trong lịch sử.

Theo ông Tính, không chỉ chăn nuôi nông hộ, tới nay rất nhiều trang trại hiện đại, quy trình an toàn sinh học ngặt nghèo những vẫn "dính".

"Theo thông tin tôi nắm được, vừa qua một trang trại 1.000 nái tại xã Tái Sơn đã bị dịch. Người dân tại đây cho biết, ngay trong đêm có 3 xe công-ten-nơ vào trại, có thể là để vận chuyển lợn chết. Đây là trang trại của một công ty chăn nuôi lớn nên chúng tôi không vào kiểm tra được", ông Tính thông tin.

Hai trại lớn khác tại xã Văn Tố, tổng đàn 2.000 con cũng vừa bị dịch tả lợn Châu Phi ghé thăm.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.