| Hotline: 0983.970.780

Chôn lấp lợn dịch sai quy định tại Hải Dương

Thứ Bảy 13/04/2019 , 18:31 (GMT+7)

Cụ thể, việc tiêu hủy lợn bệnh được cán bộ thú y chỉ đạo chôn ngay tại vườn, cách khu chăn nuôi chỉ 7 - 10m, cách khu nhà ở khoảng 10m...

Hải Dương là tỉnh thứ 7 trên cả nước xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đến nay, hàng nghìn con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc chôn lấp lợn dịch vẫn chưa đúng theo quy định khiến người dân lo lắng, và là cơ hội cho virus “tấn công” đến các trang trại lợn khác.

Phản ánh đến Báo NNVN, bà Hoàng Thị Hạnh (thôn An Hưng, xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ) cho biết, ngày 7/4, cán bộ thú y xã Quang Trung và huyện Tứ Kỳ tổ chức chôn lấp 6 con lợn mắc bệnh DTLCP của gia đình anh Vũ Văn Hòa (bên cạnh nhà bà Hạnh - PV) chưa đúng theo quy định.

09-18-16_nh_1
Vợ chồng bà Hoàng Thị Hạnh trao đổi với PV

Cụ thể, việc tiêu hủy lợn bệnh được cán bộ thú y chỉ đạo chôn ngay tại vườn, cách khu chăn nuôi chỉ 7 - 10m, cách khu nhà ở khoảng 10m khiến gia đình bà Hạnh và người dân nơi đây lo lắng, bức xúc. Hơn nữa, hố chôn đào nông, lợn bị tiêu hủy không cho vào bao tải mà đổ thẳng xuống hố, lực lượng tham gia tiêu hủy lợn không mặc áo bảo hộ...

Là một trong những hộ đang chăn nuôi lợn với quy mô gần 100 con nên khi thấy lực lượng thú y tổ chức tiêu hủy lợn ngay tại vườn của gia đình anh Hòa, bà Hạnh đã phản đối, không đồng ý. Tuy nhiên, lực lượng thú y vẫn bỏ ngoài tai và vẫn tiến hành chôn lấp.

Đến sáng ngày 8/4, vợ chồng bà Hạnh viết đơn gửi các cấp chính quyền phản ánh về vụ việc trên. Ngay trong ngày hôm đó, lực lượng thú y, chính quyền xã đã quay lại vị trí chôn lấp lợn tại vườn nhà anh Hòa để đào đất, đưa lợn dịch đi tiêu hủy ở một cánh đồng, cách xa khu dân cư.

Bà Hạnh cho rằng, việc tiêu hủy lợn bệnh ngay tại vườn nhà anh Hòa đã không đúng quy định, là nguyên nhân chính khiến virus DTLCP nhiễm vào đàn lợn của gia đình bà.

09-18-16_nh_2
Ông Vũ Tiến Đạt (chồng bà Hạnh) chỉ vị trí chôn lấp lợn dịch chưa đúng quy định. Vị trí chôn lấp cách tường dậu của gia đình nhà ông khoảng 3m

“Sau khi tỉnh Thái Bình xuất hiện ổ DTLCP, gia đình tôi đã thực hiện phòng chống dịch rất nghiêm ngặt. Ngày phun thuốc sát trùng 2 lần, vãi vôi bột quanh khu vực chuồng trại và thực hiện cấm trại, không cho người lạ đến gần khu vực chăn nuôi nên tôi đảm bảo đàn lợn an toàn.

Tuy nhiên, việc lực lượng thú y tổ chức tiêu hủy lợn dịch của nhà anh Hòa không đúng quy định là nguyên nhân chính khiến mầm bệnh lây lan sang đàn lợn của gia đình”, bà Hạnh khẳng định.

Theo bà Hạnh, sáng ngày 10/4, bà phát hiện 1 nái, 1 đực và 5 con lợn choai của gia đình có biểu hiện bỏ ăn, ốm mệt và đã báo cáo lên chính quyền địa phương về lấy mẫu (hiện tại chưa có kết quả - PV). Đến sáng 11/4, con đực đã chết và nhiều con lợn choai khác có biểu hiện chán ăn, nằm im thin thít.

Bà Hạnh cho biết thêm, hiện tại gia đình bà đang chăn nuôi khoảng 100 con lợn. Cơn “bão giá” năm 2017 chưa kịp hoàn hồn, thì đến năm 2018 dịch LMLM lại hoành hành khiến gia đình bà lâm vào cảnh nợ nần, lỗ vốn gần 1 tỷ đồng. Giờ, đàn lợn lại có nguy cơ phải tiêu hủy hết vì khả năng nhiễm bệnh rất cao, khiến gia đình bà mất ăn, mất ngủ…

Ông Đồng Xuân Mím, Trưởng ban Thú y xã Quang Trung cho hay, sau khi có kết quả dương tính với virus DTLCP tại hộ gia đình anh Hòa, lực lượng thú y xã, huyện đã làm thủ tục tiêu hủy và được gia đình đồng ý cho tiêu hủy tại vườn để tránh khuếch tán mầm bệnh ra bên ngoài và lây lan trên diện rộng.

“Sau khi chúng tôi chôn lấp xong thì cả 2 gia đình anh Hòa và chị Hạnh không có gì kiến gì. Phía gia đình chị Hạnh còn hỗ trợ thêm vôi bột rắc vào hố chôn lấp. Song, đến 22h ngày 7/4, ông Vũ Tiến Đạt (chồng bà Hạnh - PV) có gọi điện cho tôi thông báo về hố chôn không đúng theo quy định. Ngay trong sáng hôm sau (8/4) lực lượng thú y đã xuống vị trí chôn lấp lợn dịch tại vườn của anh Hòa đào đất và đưa lợn ra khu vực khác để tiêu hủy…”, ông Mím bộc bạch.

09-18-16_nh_3
Sau khi có kiến nghị, lực lượng thú y đã đưa lợn dịch tại vườn của nhà anh Hòa ra khu vực khác để tiêu hủy. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

“Việc chôn lấp, tiêu hủy lợn dịch tại hộ nhà anh Hòa đã đúng theo quy định chưa?”, tôi hỏi. Ông Mím lý giải: “Hố chôn như thế này là cũng đã cách xa nhà anh Hòa và nhà chị Hạnh!?”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Duy Kê, Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết, lúc chôn lấp, cả hai gia đình đều đồng ý. Sau khi gia đình có kiến nghị lên UBND xã, tôi đã chỉ đạo lực lượng thú y xã xuống di chuyển lợn dịch ra khu vực khác để tiêu hủy.

“Khi phát hiện lợn ốm, chết phải khoanh vùng ổ dịch. Trước khi đưa lợn đi tiêu hủy phải cho lợn vào bao và buộc kín, không đổ lợn trực tiếp xuống hố. Hố chôn sâu 3m. Cách xa giếng nước, trang trại, khu nhà ở 30m. Lực lượng tham gia tiêu hủy phải mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, gay tay…”, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phòng Chăn nuôi và Thú y (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) chia sẻ.

 

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.