| Hotline: 0983.970.780

Nhộm nhoạm tiêu huỷ lợn dịch ở Hải Dương

Thứ Ba 07/05/2019 , 14:37 (GMT+7)

Những ngày qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của người dân ở Hải Dương về việc tiêu huỷ lợn không đúng quy trình, thậm chí “quay vòng” để hưởng hỗ trợ. Sự việc khiến nhiều người dân hết sức bức xúc.

Tạm dừng tiêu huỷ

Tại huyện Cẩm Giàng, một số người dân phản ánh, tại xã Thạch Lỗi, quy trình tiêu huỷ lợn đang có vấn đề. Một số hộ dân bị tiêu huỷ lợn có hành vi tuồn lợn sang các hộ khác để nhận hỗ trợ. Thậm chí đem lợn từ nơi khác về nhập vào đàn lợn của gia đình nên bị tạm dừng tiêu huỷ.

Huyện Cẩm Giàng ra văn bản chấn chỉnh công tác tiêu huỷ lợn dịch 

Theo ông Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, đến nay 19/19 xã, thị trấn đã có ổ dịch tả lợn Châu Phi. Cả hệ thống chính trị huyện Cẩm Giàng đã vào cuộc khống chế, xử lý dịch bệnh. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc này chưa thực hiện tốt. Số lượng và trọng lượng lợn tiêu huỷ chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc tiêu huỷ lợn thực hiện chưa đúng quy trình, quy cách. “Tình trạng trên nếu không sớm được ngăn chặn và chấn chỉnh sẽ dẫn tới việc không kiểm soát, khống chế dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt sẽ mất kiểm soát trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước”, ông Thành cho hay.

Số liệu mới nhất, từ khi dịch bệnh xuất hiện (29/3), huyện Cẩm Giàng đã tiêu huỷ khoảng 907 tấn lợn với hơn 12.600 con lợn. Số tiền thống kê để hỗ trợ người dân là trên 35 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm DVNN Cẩm Giàng cho biết, có việc tạm dừng tiêu huỷ lợn dịch tại xã Thạch Lỗi. Tuy nhiên, nguyên nhân là do xã không bố trí được nhân lực tham gia.

Sự việc xảy ra tại một hộ dân khi phát hiện 2 con lợn nái nhiễm bệnh, tổng trọng lượng khoảng 400 kg. Việc tiêu huỷ được thực hiện sau đó một ngày.

“Không có việc tráo lợn chết để nhận tiền hỗ trợ. Ngay từ đầu chúng tôi đã đề nghị các xã chốt đầu con. Chỉ những hộ chăn nuôi thực sự mới được hỗ trợ”, ông Cường cho biết.

Hố chôn lợn trong nghĩa trang nhân dân khiến người dân bức xúc.

Ông Nguyễn Tuấn Biền, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lỗi cũng khẳng định, có việc tạm dừng tiêu huỷ lợn tại một hộ dân. Tuy nhiên, ông Biền đưa ra một nguyên nhân khác đó là khúc mắc ở quá trình cân lợn nên mới tạm dừng tiêu huỷ. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi, vì sao tiêu huỷ chỉ 2 con lợn, trọng lượng 400 kg mà không thể thống nhất, ông Biền không trả lời được.

Nói về thông tin do người dân tuồn lợn ra ngoài sau khi kiểm đếm dẫn tới việc dừng tiêu huỷ, ông Biền khẳng định, không có việc này. “Chúng tôi cử cán bộ hỗ trợ trực tiếp người dân, giám sát rất chặt chẽ quá trình tiêu huỷ. Ngay từ khi dịch nổ ra, chúng tôi đã cứ cán bộ thống kê được tổng đàn lợn khoảng 1.800 con với 47 hộ chăn nuôi”.

Cũng theo ông Biền, địa phương đã tiêu huỷ gần 100 tấn lợn nhiễm bệnh. Cả xã chỉ còn khoảng 4 hộ đang cầm cự, chưa bị dịch. Địa điểm chôn lấp chủ yếu là bãi rác của các thôn vì xã không có quỹ đất trống để tiêu huỷ.
 

Chôn lấp bừa bãi

Không chỉ tại Cẩm Giàng, nhiều địa phương khác của tỉnh Hải Dương đang xảy ra tình trạng “nhộm nhoạm” trong tiêu huỷ lợn dịch. Điển hình là các vụ chôn lấp bừa bãi khiến người dân bức xúc.

Mới đây, người dân thôn Thắng Yên, xã Thượng Vũ, huyện Kim Thành bức xúc về việc địa phương này lập hố tiêu hủy lợn bị dịch tả Châu Phi ngay trong nghĩa trang nhân dân, sát khu mộ của một số gia đình trong thôn.

Thậm chí tại xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, chính quyền cho chôn lợn ngay trong vườn nhà dân.

Bà Nguyễn Thị Kiều, thôn Thắng Yên cho biết: “Chúng tôi không biết hố tiêu hủy lợn được đào từ khi nào, sáng nay trong thôn có người chết, đưa ra nghĩa trang an táng chúng tôi mới biết. Chồng tôi được chôn cất chưa lâu, giờ ngay cạnh mộ lại có một hố tiêu hủy lợn bệnh. Hố tiêu hủy này rất hôi thối, bà con trong thôn rất bức xúc. Sáng 2/5, lực lượng tiêu hủy lợn chở một xe lợn ra tiếp tục chôn lấp tại đây nhưng chúng tôi đã ngăn lại”.

Trả lời về việc này, ông Nguyễn Hữu Bách, Chủ tịch UBND xã Thượng Vũ cho biết, toàn xã có 4 thôn thì cả 4 thôn đều xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Việc tiêu hủy lợn mắc bệnh được thực hiện tại các thôn. Địa điểm tiêu hủy cũng do các thôn đề xuất trên cơ sở bảo đảm các quy định, điều kiện. Đối với thôn Thắng Yên, lợn được tiêu hủy ở khu nghĩa trang của hai thôn Thắng Yên và Bộ Hổ.

Ngay khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, sáng 2/5 lãnh đạo xã đã xuống địa bàn kiểm tra và nhận thấy việc lập hố tiêu hủy ngay cạnh các ngôi mộ là chưa hợp lý. Xã đã chỉ đạo thôn Thắng Yên chọn địa điểm khác để tổ chức tiêu hủy lợn. Việc hố tiêu hủy lợn gây mùi hôi thối, xã sẽ cử lực lượng chuyên môn xuống kiểm tra, xử lý.

Hình ảnh đào lợn đã chôn đưa đi nơi khác tiêu huỷ tại xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ.

Còn tại huyện Tứ Kỳ, một hộ dân tại xã Quang Trung điện tới đường dây nóng của Báo Nông nghiệp Việt Nam kêu cứu vì đàn lợn bị lây lan do xã tắc trách trong việc tiêu huỷ. Cụ thể, ngày 7/4, xã Quang Trung tiến hành tiêu huỷ 6 con lợn nhiễm bệnh ngay trong vườn. Điểm chôn lấp chỉ cách khu chăn nuôi chỉ 7 – 10 mét, cách khu nhà ở khoảng 10 mét. Người dân phản đối việc này nhưng xã vẫn bất chấp tiến hành chôn lấp. Khi người dân viết đơn phản ánh, chính quyền xã Quang Trung đã phải quay lại đào lợn chết đem đi nơi khác tiêu huỷ.

Ông Vũ Duy Kê, Chủ tịch UBND xã Quang Trung (huyện Tứ Kỳ) cho biết, lúc chôn lấp, cả hai gia đình đều đồng ý. Sau khi gia đình có kiến nghị lên UBND xã, tôi đã chỉ đạo lực lượng thú y xã xuống di chuyển lợn dịch ra khu vực khác để tiêu hủy!?

 

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm