| Hotline: 0983.970.780

Hải Hậu - huyện nông thôn mới điển hình

Thứ Tư 26/08/2015 , 09:50 (GMT+7)

Hải Hậu là huyện thứ 2 của miền Bắc được công nhận là huyện nông thôn mới (NTM), sau huyện Đông Triều (Quảng Ninh). 

* Ngày 29/8, công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao bằng công nhận Hải Hậu là huyện nông thôn mới

Tuy nhiên sau khi giành "vương miện" thì Đông Triều chuyển lên thị xã, vì vậy có thể khẳng định hiện Hải Hậu là huyện NTM duy nhất ở các tỉnh miền Bắc hiện nay.  

Về Hải Hậu (Nam Định) những ngày giữa tháng 8, nắng mênh mang trải vàng những con đường, ngõ xóm sạch đẹp. Ngoài đồng, cây lúa đang thì xanh tít tắp.

Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân huyện Hải Hậu được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; trong công cuộc xây dựng đất nước, huyện cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Tháng 3/2015, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan xin ý kiến lãnh đạo tỉnh hạ quyết tâm trong năm 2015, huyện Hải Hậu được Thủ tướng Chính phủ công nhận “huyện đạt chuẩn NTM”. Điều mơ ước của người đứng đầu ngành nông nghiệp thành Nam nay đã thành sự thật.

Hải Hậu đã có 35/35 xã, thị trấn được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân toàn huyện đạt 19/19 tiêu chí/xã, tăng 12 tiêu chí/xã so với năm 2010 khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM. Và mới đây, Thủ tướng đã ký quyết định công nhận Hải Hậu là huyện NTM.

Không nóng vội chạy theo thành tích

Để đạt được thành công này, ông Nguyễn Viết Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, chia sẻ những bài học kinh nghiệm của địa phương.

Đó là tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp của MTTQ, các ngành và đoàn thể, tổ chức chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân và hộ gia đình trong xây dựng NTM.

Phương châm chỉ đạo của tỉnh Nam Định trong xây dựng NTM trước tiên phải phát huy nội lực, vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính; lấy phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” và “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ” là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt.

Thực hiện phân định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành: xã lo công việc của xã, xóm lo công việc của xóm, khu phố, cụm dân cư tự bàn bạc quyết định.

Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn, trước hết ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế như thủy lợi, giao thông, các công trình phúc lợi xã hội.

Phải kế thừa tối đa các công trình hiện có, kết hợp với bổ sung, nâng cấp và xây dựng mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương theo phương châm: Làm từ đồng ruộng về làng, làm từ hộ gia đình ra thôn xóm, làm từ thôn xóm lên xã, xã lo xây dựng các công trình chính của xã, các thôn xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn xóm.

Các hộ dân lo cải tạo ao, vườn, sân, ngõ, 3 công trình vệ sinh của hộ gia đình. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng NTM.

“Không nóng vội chạy theo thành tích trong xây dựng NTM”, ông Nguyễn Viết Hưng khẳng định.

Lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp

Trực tiếp làm Chủ tịch UBND huyện thời kỳ triển khai xây dựng NTM, Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Nguyễn Văn Tìm (vốn là kỹ sư nông nghiệp trưởng thành từ cơ sở), cởi mở: “Có nhiều nguyên nhân giúp Hải Hậu thành công, nhưng trước hết huyện đã huy động được sức mạnh tổng hợp, như các bậc tiền bối nói là khơi dậy được thế trận lòng dân”.

Phong trào thi đua toàn dân chung sức xây dựng NTM do huyện phát động đã được các tầng lớp nhân dân trong huyện hưởng ứng nhiệt liệt.

Trong tổng số 1.462 tỷ đồng huy động, bà con đã đóng góp 573 tỷ đồng; tự nguyện hiến 345ha đất nông nghiệp và 25ha đất thổ cư để xây dựng các công trình NTM.

Nhưng mọi sự khởi đầu cũng chẳng hề suôn sẻ. Ban đầu, một số đơn vị xây dựng đề án NTM chưa sát với thực tế địa phương, tính toán vốn đầu tư quá cao, chưa sát với khả năng thực hiện; bố trí vốn chủ yếu cho các công trình xây dựng cơ bản trong khi vốn đầu tư trực tiếp cho phát triển sản xuất để nâng cao đời sống nông dân chưa tương xứng.

Hải Hậu có 32 xã và 3 thị trấn, dân số gần 26 vạn người, mật độ bình quân 1.128 người/km2. Diện tích tự nhiên của huyện là 23.000 ha, trong đó có 15.636ha đất nông nghiệp (chiếm 68,29%), có 24km đê sông, 33km đê biển và thềm lục địa rộng 6.900km2. Cơ cấu kinh tế của huyện: ngành nông nghiệp – thủy sản 37,8%, ngành công nghiệp – xây dựng 33,2%, ngành du lịch – dịch vụ 29%.

Với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, từ 19 tiêu chí về xây dựng NTM, huyện đã cụ thể hóa thành 8 tiêu chí gia đình NTM và 12 tiêu chí về xóm làng NTM.

Từ đó, các xã dựa trên cơ sở thực tế của địa phương để triển khai thực hiện. Xã Hải Đông tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế hộ gia đình, tiêu biểu là trang trại.

Phát huy lợi thế về biển, chính quyền xã Hải Đông khuyến khích bà con đầu tư đóng mới những đội tàu khai thác hải sản xa bờ, phát triển nghề nuôi trồng thủy, hải sản. Những trang trại nuôi tôm có mức đầu tư hàng tỷ đồng không còn là “của hiếm” ở xã ven biển vốn xưa kia nghèo khó này. 

Còn xã Hải Phương, xây dựng 6 đề án phát triển kinh tế xã hội, đưa ra thảo luận, xin ý kiến của bà con. Thông về tư tưởng, bà con đã tự nguyện hiến 12ha đất làm đường giao thông.

Có 4 doanh nghiệp đã đầu tư 400 tỷ đồng vào cụm công nghiệp trên địa bàn xã, giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động với mức thu nhập hàng tháng bình quân trên dưới 5 triệu đồng/người.

Về cách làm, UBND xã chấp hành đúng cơ chế điều hành và quản lý nguồn vốn của huyện. Công trình của xóm do xóm làm. Nguồn vốn chủ yếu do bà con đóng góp, tự quản lý và giám sát thi công (huyện, xã hỗ trợ 30% chi phí vật liệu cứng). Từng gia đình, từng dong (ngõ), xóm, đội sản xuất thi đua, tương trợ lẫn nhau.

 Việc đóng góp không cào bằng, có chính sách đối với hộ nghèo, khó khăn về kinh tế. Vì vậy, trong số tiền 67 tỷ đồng xây dựng các công trình NTM, bà con trong xã đã đóng góp trên 60% (41 tỷ đồng).

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Hiện nay, đơn vị đang được đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

“Mỹ tục khả phong”

Ông Phạm Văn Chiến - Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, cho biết: “Chúng tôi hướng tới mục tiêu cụ thể hóa 19 tiêu chí NTM của Trung ương thành 8 tiêu chí gia đình NTM và 12 tiêu chí xóm NTM. NTM không chỉ là sự đổi thay về hạ tầng cơ sở mà còn phát huy giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục nữa”.

Hải Hậu từ hàng trăm năm trước đã được tôn vinh là vùng đất “Mỹ tục khả phong”, “Thiện tục khả phong”; hơn ba chục năm qua là huyện dẫn đầu toàn quốc về văn hóa. Xây dựng NTM phải phát huy được nét đẹp văn hóa quý báu đó.

“Cái đẹp NTM phải từ trong ra ngoài, bắt đầu từ nếp ăn, nếp ở, từ mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm... đến các vấn đề thiết thực đời sống như: điện, đường, trường, trạm... Đó là mối quan hệ biện chứng hai là một và một là hai”, ông Phạm Văn Chiến hồ hởi.

Hơn 500 năm trước, Hải Hậu còn mênh mông biển cả, thấp thoáng bãi bồi, lau lách như chưa hề có dấu chân người. Nay thì đi khắp xóm thôn ở Hải Hậu, NTM đã làm đổi thay bộ mặt cảnh quan của huyện, đời sống người dân đã được nâng lên rõ rệt.

Điều đáng ghi nhận nhất là bản sắc văn hóa, tình làng, nghĩa xóm; vẫn chan hòa, lấp lánh. Có lẽ hiếm gặp nơi đâu như xã Hải Đường, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa nhưng những hàng cau trồng theo quy hoạch vẫn thẳng tít tắp đùa reo trong nắng.

Điều khó nhất là xây dựng NTM vẫn đảm bảo được diện mạo nông thôn, xóm giềng không bị ngăn cách, làng dẫu có lên phố vẫn đượm tình thôn quê. Hải Hậu đã làm được điều đó và trở thành huyện NTM đi đầu cả nước.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.