| Hotline: 0983.970.780

Hai hộ cuối cùng còn giữ nghề ở làng đàn Đào Xá, Viên Đình

Thứ Hai 16/10/2023 , 06:10 (GMT+7)

Buổi chấm điểm OCOP hôm ấy, anh Dương Minh Cường đã làm cho Ban giám khảo mê mẩn bởi tiếng đàn rất ngọt của mình.

Thợ mộc xẻ gỗ làm đàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thợ mộc xẻ gỗ làm đàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Và ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP Hà Nội kiêm Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội cứ ấn tượng mãi với tiếng đàn ấy. Chuyện rằng, quãng 200 năm trước, cụ Đào Xuân Lan hành hương sang phương Bắc học được bí quyết làm đàn mang về truyền cho người làng. Từ đó Đào Xá  (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) trở thành cái nôi của nghề chế tác nhạc cụ dân tộc, nức tiếng gần xa. Giai đoạn trầm lắng nhất của nghề phải kể đến những thập niên 70, 80 của thế kỷ 20, lúc đó tiếng cái bụng sôi lên vì đói khiến cho người ta quên đi tiếng đàn. Những thợ giỏi của làng đã bỏ nghề đi làm thợ xây, thợ mộc. Mãi thập niên 90 thì nghề làm đàn ở Đào Xá mới phục hồi và phát triển thịnh vượng cho tới quãng năm 2010.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ cho biết quê mình có 2 làng làm đàn là Đào Xá và Viên Đình. Cách đây chừng hơn 10 năm, số hộ tham gia rất đông, riêng thôn Đào Xá đã trên 50 hộ, còn thôn Viên Đình 30-40 hộ. Giờ, vì kinh tế thị trường, các khu công nghiệp mở ra nhiều với mức lương hấp dẫn, vì nghề làm đàn cần sự tỉ mỉ nên đa số các lao động trẻ học xong phổ thông nếu thi đại học thì đi, còn nếu không sẽ ra khu công nghiệp Đồng Văn để làm.

Hiện ở Đào Xá chỉ còn gia đình anh Đào Tuấn - con cố nghệ nhân Đào Soạn cùng mấy anh em làm, ở Viên Đình còn gia đình anh Dương Minh Cường với 10 lao động làm.

Vợ anh Cường đang lắp dây đàn. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Vợ anh Cường đang lắp dây đàn. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Không ngồi đợi “tiếng lành đồn xa”, năm 2022 anh Cường đã chủ động đem các “đứa con tinh thần” đi dự thi OCOP và cả 7 sản phẩm đều đạt 4 sao. Trước tiên, chúng giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu về đích nông thôn mới nâng cao, sau nữa cũng là một hình thức quảng bá, giúp nhiều người biết đến, bán được hàng hơn nên xưởng đã phải thuê thêm người làm.

Khi tôi đến, tiếng máy móc đang vang rộn rã. Chị Nguyễn Thị Nga - vợ anh Cường kể gia đình chồng mình đã 3 đời làm đàn: ông làm xưởng đàn của Nhạc viện Hà Nội, bố học Nhạc viện Hà Nội rồi cùng các cô chú cũng học tại đây làm đàn, giờ đến đời chồng mình, tuy còn trẻ nhưng đã theo nghề hơn 20 năm nay. Xưởng của vợ chồng chị có hơn 10 lao động, toàn những người trung tuổi, được trả công 300.000đ/ngày. Họ sản xuất hầu hết các loại nhạc cụ dân tộc gồm đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, đàn hồ…, ngoài ra còn có cả đàn ngoại là guitar. Để làm được thành thạo thợ đàn phải vừa học nghề, vừa làm mất vài năm. Các công đoạn được phân công cụ thể, người chuyên pha gỗ, người chuyên vào thùng, người chuyên phím…

Vợ anh Cường đang thử đàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ anh Cường đang thử đàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Công đoạn nào cũng khó nhưng khó nhất, quan trọng nhất là thẩm âm, chỉ có anh Cường mới làm được. Khi làm đàn hoàn thiện xong, anh chơi thử, nếu không đạt phải làm lại. Thẩm âm đòi hỏi phải có “đôi tai vàng”, có sự rung cảm tinh tế của nghề. Tuy không được học nhạc chính quy nhưng anh lại được học kiểu truyền nghề, có thể đánh được hầu hết các nhạc cụ, đặc biệt chơi giỏi guitar, đàn bầu và đàn nguyệt:

“Trong tất cả các loại nhạc cụ thì làm đàn guitar là khó nhất, gồm nhiều công đoạn lắt nhắt, cầu kỳ và tỉ mỉ. Mặt đàn bằng gỗ thông nhưng phải mua gỗ của ngoại chứ gỗ của nội không lên âm được, còn hậu đàn là gỗ bằng cường. Các loại đàn khác, tùy theo đơn đặt hàng mà có thể chế tác bằng chất liệu quý như gỗ mun, gỗ hương, cây đàn đắt nhất giá lên tới 7 - 8 triệu.

Chúng tôi tham gia OCOP để mở rộng, quảng bá thị trường. Nghề này bảo phát triển mạnh thì không nhưng ổn định và yên bình. Doanh số mỗi tháng của xưởng khoảng 200 - 300 cái, doanh thu 100 triệu trong đó lãi 30 - 40 triệu. Từ Bắc vào Nam chúng tôi có khoảng 20 cửa hàng chuyên đặt hàng.

Không chỉ về kinh tế mà tâm hồn người làm đàn khác hơn các nghề bình thường, lúc nào cũng cảm thấy thoải mái, vui tươi. Đã có lần chúng tôi bán đàn cho diễn viên hài “Vượng râu” hay các nghệ nhân. Mỗi khi được khách mua đàn khen hay cảm ơn là chúng tôi đều thấy rất vui”, chị Nguyễn Thị Nga tâm sự.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.