| Hotline: 0983.970.780

Hai mươi năm chưa tìm thấy xác chồng, con

Thứ Hai 02/04/2012 , 10:11 (GMT+7)

"Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm". Nghề đi biển là thế đấy. Bạc bẽo, chênh chao theo con sóng. Con cá, con tôm của Việt Nam đã nổi danh trên thị trường thế giới nhưng phía sau đó là những thân phận ngư dân đầy rẫy gian khó, hiểm nguy. Có biết bao nhiêu người vợ, người mẹ ven biển đã trở thành những hòn vọng phu suốt đời?

Gần hai mươi năm nay, kể từ khi chồng và con mất tích trên biển, bà Dương Thị Thí ở vậy làm “hòn vọng phu” thờ chồng, nuôi con, nhất định không đi bước nữa. Ở làng biển Hà Tây của xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, còn không ít phụ nữ có thân phận như bà Thí.

Chồng ra khơi, "sóng" trong lòng vợ

Làng biển Hà Tây đẹp hẳn lên từ khi con đường 64 đi qua làng được thảm nhựa láng bóng chạy dài đến cầu Cửa Việt. Sĩ, người bạn của tôi buông một câu: Cái đẹp ấy vẫn không che được sự bất an luôn thường trực trên khuôn mặt của bao phụ nữ trong làng có chồng đi biển.  

Đàn ông ra biển để lại biết bao nỗi lo

Làng biển bao đời nay vẫn vậy, nhà cửa của bà con ngư dân liêu xiêu như hình bóng của những phụ nữ suốt đời hứng chịu nguy hiểm mà biển khởi luôn rình rập đổ xuống đầu họ. Sĩ dẫn câu chuyện buồn của làng 20 năm trước để nói về goá bụa Dương Thị Thí.

Bà Dương Thị Thí năm nay 70 tuổi. Vẫn như những ngày đã qua, bà lại thắp hương vái tứ phương, xin được tìm thấy thi thể của chồng và con trai sau gần 20 năm mất tích trên biển. Bà Thí không còn nước mắt khi kể lại chuyện buồn của đời mình.

Lấy chồng đi biển nên công việc của bà là ở nhà nuôi con, rồi mỗi chiều xuống, bà ra bãi biển nhận ít cá, tôm từ thuyền của chồng vừa khai thác trở về, mang đi đổi gạo cơm, phần thì bán kiếm ít tiền mua sách vở, áo quần cho các con ăn học. Bà nói, phụ nữ lấy chồng đi biển luôn mang theo một nỗi buồn về phận người, phận đời. Mỗi đêm về, bà không sao ngủ được khi những cơn gió bấc (gió đông bắc) mỗi lúc trở mình thêm mạnh hơn. Khi ấy chồng và con mình đang đánh cá trên biển, liệu có an toàn về đến nhà không? Người chồng nặng nhọc với công việc trên biển bao nhiêu thì ở nhà lòng dạ của người vợ lại dằng xé, lo toan bấy nhiêu và nhiều lúc như đang đứt ra từng đoạn cùng với sóng gió biển khơi. Những khi ấy bà Thí thức dậy thắp hương cầu trời khấn Phật cho gió yên biển lặng, cho ngày hôm sau bà được nhìn thấy trong đoàn thuyền đánh cá trở về, có chồng và con mình.

Nhưng rồi một ngày đầu tháng 11/1993, bà Thí không tin nổi vào mắt mình và không hiểu nổi đôi tai mình đang nhận thông tin gì từ biển gửi về. Ngày đó biển đang yên bỗng bị động dữ dội. Những người phụ nữ của làng Hà Tây có chồng con đi đánh cá đứng ngồi không yên, cứ nhìn mặt ra biển ngóng từng con thuyền trở về.

Hôm ấy Hà Tây có hơn mười thuyền ra khơi đánh cá. Trời về chiều, một chiếc, hai chiếc thuyền trở về, nhưng bà Thí vẫn không thấy chồng và con mình. Chạy ào ra hỏi thì bạn cho biết các thuyền đang trên đường vào bờ. Đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy thuyền vào, bà Thí có linh cảm chồng và con mình đang gặp chuyện không may.  

Hai mươi năm nay bà Thí ở vậy thờ chồng, nuôi con

Chiếc thuyền cuối cùng trong đoàn thuyền đánh cá của làng Hà Tây hôm ấy cũng đã về tới bờ. Mà chỉ duy nhất thuyền của chồng và con của bà Thí mãi mãi không bao giờ trở về nữa. Những ngư dân chứng kiến sự việc đau buồn ấy kể lại, khi thuyền của chồng bà Thí vào gần đến cửa biển thì bất ngờ sóng lớn nhấn chìm. Được anh em cùng hội cùng thuyền tung dây cứu hộ, chồng và con bà đã cố bơi để thoát ra khỏi cơn sóng dữ, nhưng do đuối sức nên không thể chống chọi được, trước khi chìm xuống biển, chồng bà còn kịp vẫy tay chào các cư dân ở lại.

Gần hai mươi năm sau sự việc đau lòng ấy, bà Thí vẫn chưa tìm được hài cốt của chồng và con. Năm nào bà cùng mấy người con còn lại đi dọc bờ biển của các huyện trong vùng mong tìm được thông tin về nơi yên nghỉ của chồng con. Bà Thí chấp nhận ở vậy nuôi con chứ nhất định bà không chịu đi  bước nữa.

Những hòn vọng phu

Không xa ngôi nhà của người phụ nữ goá bụa Dương Thị Thí là nhà của chị Lê Thị Bòn và nhà chị Nguyễn Thị Trường. Ông Dương Văn Long, trưởng làng Hà Tây day dứt, giông tố biển khơi hôm đầu năm đã cướp đi của làng thêm hai ngư dân nữa. Vậy là thêm hai phụ nữ nữa trở thành “hòn vọng phu” của biển Triệu An. Câu “sinh nghề, tử nghiệp” của cha ông bao đời nay cứ bám riết ngư dân để rồi họ ra đi mãi mãi không trở về. 

Chị Bòn cùng con chuẩn bị lưới cụ thay chồng ra khơi

Như bao chuyến ra khơi khác, hôm đó 8 người gồm ông Phạm Văn Đới, Trần Văn Quang, Lê Quang Vinh, Lê Văn Thành, Dương Văn Viết, Lê Văn Trung, Lương Văn Hòa và Nguyễn Văn Phất ra khơi trên chiếc tàu QT 23084 có công suất 73 CV. Họ ra biển lần đầu năm hy vọng đánh được mẻ cá lớn để về trang trải cuộc sống trong gia đình. Nhưng nào ngờ đó là chuyến ra khơi định mệnh đối với họ, tám người đi nhưng chỉ có sáu người trở về, anh Dương Văn Viết và Lê Quang Vinh, đã qua đời sau tan nạn chìm thuyền.

Ông Phạm Văn Đới, một trong những người trong chuyến ra khơi định mệnh đó, kể lại: "Chiều 11/2, tàu chúng tôi ra khơi đánh cá, hôm đó cá vào lưới rất nhiều nên đến khoảng nửa đêm thì anh em chúng tôi cho thuyền vào bờ nghỉ ngơi. Khi vào đến Cửa Việt gặp sóng to, gió lớn nên không vào bờ được, chúng tôi đành phải cho thuyền lênh đênh ngoài biển đến tận sáng thì bất ngờ gặp cơn sóng to khác đến nhấn chìm thuyền và mọi người. Tôi may mắn vớ được phao và được thuyền của ngư dân cứu đưa vào bờ".

Đã gần một tháng trôi qua nhưng chị Lê Thị Bòn vợ anh Vinh đã không ăn không ngủ, đau đớn vì người chồng trẻ đột ngột ra đi để lại cho chị 4 đứa con nhỏ. Gương mặt hốc hác, trong tiếng nấc chị nghẹn ngào: “Chồng tui đi biển gần 20 năm rồi, nhưng cũng không tích cóp được là bao. Hôm trước khi anh lên thuyền có dặn lại đi chuyến này về sẽ dành tiền trả bớt nợ cho đỡ cực. Vậy mà anh đã vĩnh viễn ra đi. Không biết rồi 4 đứa con đang còn nhỏ sẽ lớn lên thế nào?”

"Bây giờ quá ngặt nghèo thì phải làm thôi, chứ không đi làm lấy gì để nuôi con”, chị Bòn quả quyết. Còn thằng con trai út 4 tuổi của chị thì bi bô: "Ba hứa sau chuyến này về sẽ mua ô tô đồ chơi cho con, nhưng nay ba mất rồi, mẹ mua cho con cũng được". Nghe con nói lòng chị Bòn đã sẵn đau rồi lại càng quặn thắt đau hơn.

Nhà anh Vinh thuộc diện nghèo, đứa con đầu của anh chị học lớp 8, đứa thứ tư mới lên 4 tuổi. Hôm tôi đến nhà, chị Bòn và người con trai lớn gạt nỗi đau, mang số lưới cụ chồng để lại ra chằm, vá. Chị nói sẽ thay chồng tiếp tục đi biển đánh cá để kiếm tiền nuôi con. Là con gái lớn lên từ làng biển nhưng chị Bòn chưa một lần bước chân lên thuyền ra khơi.

Làng biển Hà Tây mấy ngày nay vẫn chưa nguôi cơn đau buồn sau sự ra đi bất ngờ của hai ngư dân. Sau ngày định mệnh ấy, làng có thêm nhiều đứa trẻ côi cút, quấn khăn trắng trên đầu đến trường. Đi về cuối làng, ông trưởng làng dẫn tôi vào nhà chị Nguyễn Thị Trường cũng có chồng ra đi cùng chuyến tàu định mệnh đó. Anh Dương Văn Viết không trở về để lại cho chị Trường 9 người con. Suốt đời khổ nhọc mưu sinh với biển khơi, nhưng chị Trường chưa thấy khi nào cuộc đời mình bi đát như bây giờ. Chị nói không bao giờ mình nghĩ đến chuyện đi bước nữa, chỉ lo tìm cách kiếm tiền nuôi con là vả mồ hôi.

Chị nói anh đi không về nữa tôi thấy tội quá. Suốt đời đi biển đánh cá kiếm tiền chăm lo gia đình, anh chưa được một ngày nhàn thân...mà đột ngột ra đi. Chị nói lấy chồng đi biển là khổ vậy đó, dẫu biết rằng nguy hiểm, cực nhọc nhưng không để chồng bám biển để có miếng cơm, manh áo và trang trải cuộc sống cho gia đình thì biết sống bằng cách gì. Bây giờ các con chị lại thay bố ra khơi. Chị lại không ngủ được, cầu mong các con cùng bà con ngư dân được an toàn trên biển quê hương.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm