| Hotline: 0983.970.780

Hai mươi năm trồng rừng bằng... miệng

Thứ Tư 02/03/2011 , 09:42 (GMT+7)

Hơn hai mươi năm lặn lội trồng rừng bằng... miệng, gia tài của ông Lãng nay đến 42 ha rừng đủ các loại.

Nghị lực vươn lên số phận hẩm hiu, tàn tật để trở thành một nông dân giàu có như hôm nay đối với Hoàng Lãng ở xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, là một thách thức lớn, nhưng ông đã đạt được. Cuộc đời của ông như một thông điệp cho tất cả mọi người bị tàn tật rằng: dù khó khăn vất vả đến chừng nào, nhưng nếu có ý chí, hoài bão lớn lao thì nhất định sẽ trở thành một người có ích.

Hai nửa cánh tay còn lại

Sáng ấy, ông Hoàng Lãng quá đỗi bất ngờ khi nhìn thấy chúng tôi trèo đèo, vượt rừng tìm lên đỉnh núi Nà Tiên thăm ông, người mấy chục năm nay được bạn bè gọi là “dị nhân”. Nhìn vẻ bên ngoài của ông đúng là khiến nhiều người có cảm giác sờ sợ thật. Người thì thấp lùn, hai cánh tay cụt đến khuỷu, lúc nào cũng khua khua lên quá mặt để lộ hai phần thịt nhỏ như hai hòn bi treo lủng lẳng. Mất đôi tay nhưng bù lại ông được trời cho sức khoẻ phi thường so với cái tuổi mới 52 của mình.

Bất ngờ vì có khách đến, ông chạy ra vườn dùng hai cùi tay giữ phần ngọn non của cây chè rồi nhẹ nhàng ngắt vào đun nước. Giọng của ông chùng xuống khi kể lại câu chuyện đau thương của mình hơn ba mươi năm trước. Hôm ấy, ông cùng gia đình ra đồng thu dọn cỏ khô trên nương rẫy. Hai tay ông vừa ôm đống cỏ khô trước bụng thì bất ngờ một quả đạn do chiến tranh sót lại trong đống cỏ ấy, phát nổ. Trong tích tắc ông nhìn xuống, thấy đôi tay của mình đã lìa ra khỏi cánh, đầm đìa máu. Cha ông ôm con chạy nhanh đến bệnh viện Quảng Trị với những mong sẽ nối lại được đôi tay cho con. Song mọi nỗ lực cũng không thể giúp được ước mơ cháy bỏng của cha con lão nông.

Từ một cậu học sinh nhanh nhẹn, sau tai nạn thương tâm ấy, Hoàng Lãng phải từ biệt ước mơ đến trường của mình, năm đó Lãng tròn 15 tuổi. Song trong những ngày đau thương ấy, cha của ông đã thấy được nghị lực phi thường từ người con hẩm hiu của mình. Lãng bắt đầu tập tành lao động trở lại bằng những việc nhỏ như cầm con dao đến cái rựa, dần dần cầm nổi cái cuốc ra đồng làm việc trên mỗi cánh tay mà chỉ còn lại phần khuỷu tay trở vào. Một hôm Hoàng Lãng nói với cha mình: “Cha nay tuổi đã cao, sức yếu. Con thì bị tàn tật. Song con không muốn sống dựa dẫm vào ai hết. Con sẽ đứng dậy lao động bằng hai nửa cánh tay còn lại của mình”.

Những ngày ấy, trong xóm nghèo Mai Đàn, xã Hải Lâm, quê của Lãng, có một người con gái đã đem lòng yêu thương anh. Chị là Nguyễn Thị Dưỡng, hơn anh 3 tuổi. Tình yêu của anh chị ban đầu vấp phải những hoài nghi của gia đình song hai người đã vượt qua được tất cả. Một đám cưới nhỏ đã diễn ra trong xóm nghèo Mai Đàn. Nhiều người không được mời cũng mang quà đến chung vui với vợ chồng Hoàng Lãng. Đơn giản, họ cầu mong cho hạnh phúc của anh chị sớm được nhân lên nhiều lần để bù đắp cho những gì mà ông trời đã đánh cắp của anh.

Trồng rừng bằng cằm và miệng

Cưới nhau được một thời gian, Hoàng Lãng xin vào làm bảo vệ rẫy sắn cho HTX Mai Đàn. Song đồng tiền kiếm được từ công việc bảo vệ quá ít ỏi. Làm thêm nhiều việc quăng quật suốt ngày hai vợ chồng chẳng kiếm đủ miếng ăn nuôi con. Túng thiếu, Hoàng Lãng lại chọn con đường làm “lâm tặc” với những mong sẽ chèo kéo nổi cuộc sống gia đình. Chẳng ai cảnh giác với tên “lâm tặc Hoàng Lãng” nên "công việc phá rừng" mỗi ngày của ông rất thuận lợi. Rồi một hôm, đứa con trai đi học về, nói với ông: “Cha ơi, con học thấy trong sách dạy phải bảo vệ lấy rừng xanh. Tại sao mỗi ngày cha lại đốn cây, phá rừng như vậy. Cô giáo con có đồng ý với việc làm của cha không?”.

 

Hoàng Lãng trầm ngâm: “Lúc ấy nghe con nói vô tư mà mình chảy nước mắt. Nó còn nhỏ mà nói đúng quá. Mãi phá rừng thế này thì rừng xanh đâu còn, rồi lũ lụt, hạn hán sẽ tàn phá dữ dội hơn nữa”. Nhiều hôm ông trằn trọc, băn khoăn, không tiếp tục phá rừng thì lấy tiền đâu nuôi vợ con. Hay là mình đi trồng rừng, chờ ngày cây xanh lên thành gỗ khai thác bán cũng không muộn?

Suy nghĩ tích cực của ông lập tức được người vợ tán thành. Thế là Hoàng Lãng bắt đầu đi xin khai hoang đất để... trả lại màu xanh cho rừng. Thương người có hoàn cảnh khó khăn cũng như lý do ông Lãng xin trồng rừng rất thuyết phục, lãnh đạo huyện Hải Lăng, đồng ý cấp khu đồi trọc trên đỉnh Nà Tiên cho ông. Cấp vậy thôi chứ hồi ấy chẳng ai dám tin với sức khoẻ như ông Lãng sẽ dời non lấp núi ở Nà Tiên để trồng được rừng. Còn riêng ông thì luôn hừng hực quyết tâm phải làm tất cả để sớm mang lại màu xanh cho Nà Tiên.

Để lại vợ con ở nhà, một mình ông lên rừng làm lán trại ở lại thực hiện giấc mơ trồng rừng. Ông Lãng nhớ lại, lúc đó cũng lo nhiều, đất được cấp nhưng trồng rừng bằng cách nào đây khi sức lực có hạn, tiền của cũng không có để đầu tư. Rồi tự động viên an ủi mình, phen này Lãng cụt quyết mang cái ý chí ra chống chọi lại cảnh nghèo. Việc làm đầu tiên là ông vay mượn tiền để mua ươm cây giống.

Đôi tay không lành lặn nhưng bù lại ông rất siêng năng, cần cù, mỗi ngày với cây rựa được buộc chặt ở phần tay còn lại, ông Lãng lần lượt phát đốt, dọn dẹp từ quả đồi trọc này đến quả đồi khác chuẩn bị đất trồng rừng. Dọn đất rừng xong, cây rựa được tháo ra, một chiếc cuốc nhỏ lại được buộc vào hai khuỷu tay, ông Lãng cứ thế đào hố trồng cây. Ngâm mình giữa mưa nắng suốt mùa vậy mà chẳng mấy khi Hoàng Lãng ốm đau, sổ mũi.

“Ngày ấy đứng đào hố giữa trời nắng, nhìn những giọt mồ hôi mặn như muối lăn qua miệng rồi rơi xuống thấm vào đất tôi nghĩ thầm sẽ có ngày đất này không phụ công người. Khi mới thả cây xuống hố tôi như nín thở chờ cây non bén rễ. Thế rồi, buổi sáng thức dậy thấy một cây, hai cây và cả trăm ngàn cây trên những quả đồi trọc bắt đầu bén rễ, ra chồi non đêm về vui quá mà không ngủ được”, ông Lãng bồi hồi.
Những ngày gian khổ ấy, cơm gạo không có ăn, lâu lâu ông mới về thăm nhà được một lần. Vậy là ông tự cải thiện cuộc sống bằng rau rừng và bắt cá trên sông suối làm thêm thức ăn. Sống, làm việc đã khổ vậy, đến thời điểm mùa trồng rừng với ông càng gian khổ hơn. Không còn đủ đôi tay như người ta ông phải dùng miệng ngậm cây thả xuống hố, dùng cằm giữ cho cây thẳng đứng rồi dùng phần khuỷu tay nâng cuốc lấp đất cho cây. Nhìn ông Lãng chăm chỉ trồng rừng bằng cằm và miệng không ai mà không khỏi thán phục, kính nể. 

Nến cong cho lửa thẳng

Hơn hai mươi năm lặn lội trồng rừng, gia tài của ông Lãng nay đến 42 ha rừng đủ các loại. Đứng trên đỉnh núi Nà Tiên, phóng tầm mắt nhìn rừng xanh bạt ngàn xung quanh, ông Lãng khoe vừa bán gần 10 ha để lấy tiền trả nợ ngân hàng, lo cưới vợ cho thằng con trai đầu. Hơn 32 ha rừng còn lại coi như là vốn liếng của gia đình. “Mỗi ha rừng hiện có trị giá cả rừng và đất 50 triệu đồng, anh tính đi mà coi, Lãng này không còn nghèo nữa đâu”, ông tự hào.

Song tài sản quý nhất của vợ chồng ông Lãng là họ sinh được 3 người con đều là nam thanh nữ tú, một trai và hai gái, người nào cũng mạnh khoẻ và ít nhất cũng học đến cấp THPT. Người con gái út của ông năm nay học lên lớp 12, dự kiến kỳ này sẽ thi vào Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Ngoài ra, người con gái lớn khác cũng đã đi học nghề để làm công nhân ở vị trí nhẹ nhàng. Ông nói đời tôi khổ quá rồi nay gắng cho con cái chữ để mai sau nó ra đời bằng bạn bằng bè.

Tôi chợt nhẹ người khi nghe ông Lãng kể về những người con của mình. Còn bạn bè thì bảo gia đình ông là hình ảnh của ngọn nến cong cho ánh lửa thẳng. Một con người sớm gặp phải số phận bi đát song vẫn biết vươn lên bằng nghị lực phi thường của mình để xây dựng được một cơ sở kinh tế đáng nể phục và gầy dựng được một gia đình sống vững vàng giữa cuộc đời với bao kỳ vọng.

Lao động chân chính bằng mồ hôi công sức kiếm được tài sản 1,5 tỷ đồng đối với một người bình thường đã là quá lớn. Vậy mà một người như ông Hoàng Lãng đã làm được, ai cũng bái phục. Hôm gặp tôi ông nói giá như còn đất rừng sức khoẻ hiện tại của ông vẫn đủ để phủ xanh thêm ngần ấy diện tích nữa mới chịu...xuống núi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm