| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: Chính quyền xã Hồng Thái có làm ngơ cho sai phạm?

Thứ Hai 12/04/2021 , 19:35 (GMT+7)

Dù biết người dân làm đường lên kênh thủy lợi từ lúc đang manh nha nhưng không hiểu sao, UBND xã Hồng Thái (Hải Phòng) vẫn để sai phạm tiếp diễn đến hoàn thiện.

Công trình thời điểm mới phát hiện. Ảnh: NNVN.

Công trình thời điểm mới phát hiện. Ảnh: NNVN.

Mới đây, NNVN nhận được phản ánh về việc người dân tự ý làm đường đi trên phạm vi bảo vệ kênh cấp 1 trạm bơm Hồng Tuấn, tại khu vực thôn Đào Yêu, xã Hồng Thái, huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Thông tin phản ánh cho biết, tại địa chỉ trên, một số người dân tự ý san gạt đổ bê tông làm đường đi trên phạm vi bảo vệ kênh nói trên, Việc thi công làm đường bê tông trên mặt kênh ảnh hưởng đến sự an toàn công trình, gây khó khăn cho việc bảo trì và ảnh hưởng đến việc phục vụ tưới tiêu.

Ghi nhận thực tế tại đây ngay thời điểm nhận được phản ánh, ngoài việc vi phạm nói trên, gần phạm vi công trình, các hộ dân trên đã đúc các tấm bê tông đúc sẵn với kích thước 1,7x1,2x0,13m dự kiến sẽ lắp đặt trên mặt kênh để mở rộng đường thêm.

Theo Công ty TTHHMTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải (Công ty An Hải, đơn vị được giao quản lý công trình thủy lợi), tuyến kênh Hồng Tuấn nhánh về Đào Yêu có nhiệm vụ cung cấp nước tưới và tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cánh đồng của thôn Đào Yêu.

Ngày 19/3/2021, Công ty An Hải nhận được Đơn đề nghị của 11 hộ dân xóm 4 thôn Đào Yêu, xã Hồng Thái “về việc xin được đổ bê tông làm đường đi vào khu dân cư và ra đồng cạnh mương cứng hở (kênh Hồng Tuấn - nhánh về Đào Yêu) giáp khu dân cư xóm 4 Đào Yêu” nhưng đơn vị đã không đồng ý do việc làm này vi phạm Luật Thủy lợi.

Biên bản về việc đình chỉ thi công công trình đã được lập từ 27/3 nhưng sau đó việc vi phạm vẫn được diễn ra. Ảnh: Đinh Mười.

Biên bản về việc đình chỉ thi công công trình đã được lập từ 27/3 nhưng sau đó việc vi phạm vẫn được diễn ra. Ảnh: Đinh Mười.

Nhưng đáng ngạc nhiên là tiếp đó, ngày 27/3/2021, kiểm tra hiện trạng, Công ty An Hải phát hiện các hộ dân đã tự ý san gạt đổ bê tông làm đường đi trên phạm vi bảo vệ kênh xây cấp 1 trạm bơm Hồng Tuấn, Công ty này phối hợp với UBND xã Hồng Thái lập biên bản đình chỉ nhưng các hộ dân vẫn cố tình đổ bê tông làm đường vi phạm trên phạm vi bảo vệ kênh Hồng Tuấn.

Để đảm bảo sự làm việc an toàn của tuyến kênh, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất cho địa phương, Công ty An Hải báo cáo Sở NN- PTNT Hải Phòng, UBND huyện An Dương và đề nghị UBND xã Hồng Thái có biện pháp cương quyết, xử lý kịp thời hành vi vi phạm trên.

"Việc làm trên của các hộ dân là vị phạm Luật thủy lợi và Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 20/9/2018 của UBND TP Hải Phòng về quy định phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi trên địa bàn. Mặt khác sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình và sẽ gây khó khăn trong công tác bảo duy tu, bảo dưỡng", bà Nguyễn Thị Bích Diệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty An Hải khẳng định.

Con đường được làm trên kênh thủy lợi này được cho là có nhiều mục đích, trong đó có việc phân lô bán đất phía trong. Ảnh: Đinh Mười.

Con đường được làm trên kênh thủy lợi này được cho là có nhiều mục đích, trong đó có việc phân lô bán đất phía trong. Ảnh: Đinh Mười.

Liên quan đến việc này, ông Vũ Ngọc Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cũng xác nhận thông tin phản ánh trên là đúng, chính quyền địa phương đã cùng đơn vị quản lý công trình thủy lợi đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu người dân dừng ngay việc xếp gạch sát bờ kênh và xây đổ bê tông làm đường trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. “Người dân có vi phạm nhưng vi phạm chút thôi, các tấm bê tông được đổ sẵn không phải để ốp lên mặt kênh đâu”, ông Quang nói.

Tuy nhiên, đến 12/4, tại vị trí nói trên, công trình vi phạm không những chưa được xử lý mà thậm chí người dân đã đặt tấm bê ông phủ kín cả mặt kênh. 

Như vậy, ngay khi mới manh nha việc người dân tự ý làm đường lấn chiếm vào hành lang công trình thủy lợi và có ý đặt tấm đan lên công trình thủy lợi để làm đường, cơ quan quản lý công trình đã thông tin với chính quyền địa phương, yêu cầu ngăn chặn kịp thời nhưng không hiểu sao sau đó sự việc vẫn diễn ra cho đến lúc hoàn thiện.

Hệ lụy của việc quản lý lỏng lẻo này đã khiến sự việc thêm phức tạp, khắc phục hậu quả khó khăn, khi lực lượng chức năng phối hợp tháo dỡ những tấm đan để làm đường đi trên công trình thủy lợi đã bị hàng chục người dân đã đứng ra phản đối làm cho tình hình thêm căng thẳng.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.