| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng-Góc nhìn khác: [Bài 3] Những dự án nghìn tỷ ở thành phố trăm cầu

Thứ Tư 11/03/2020 , 10:24 (GMT+7)

Những dự án nghìn tỷ, đã và đang làm thay đổi diện mạo đất Cảng, bên cạnh đó vẫn còn những con đường đã xuống cấp trầm trọng, nắng thì bụi còn mưa thì bẩn...

Cầu Hoàng Văn Thụ, dự án nghìn tỷ được đầu tư từ nguồn ngân sách tại Hải Phòng.

Cầu Hoàng Văn Thụ, dự án nghìn tỷ được đầu tư từ nguồn ngân sách tại Hải Phòng.

Có nguồn thu ngân sách lớn và được ưu đãi từ cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng đã có thể tự quyết được những dự án nghìn tỷ. Hàng loạt dự án lớn đã và đang làm thay đổi diện mạo thành phố Cảng. Tuy nhiên vấn đề đầu tư cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Những dự án nghìn tỷ

Cách đây vài năm, Hải Phòng còn trong nhóm lẹt đẹt về thu ngân sách nội địa với con số khoảng trên dưới 12.000 tỷ/năm, thế nhưng từ sau Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XV đến nay, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc, số thu đã tăng vọt qua từng năm và liên tục lập kỳ tích, tăng từ 17.000 tỷ đồng năm 2016 lên 27.000 tỷ đồng năm 2019.

Từ số thu này, Hải Phòng đã có thể tự lực cánh sinh, đảm nhiệm những công trình, dự án trị giá hàng nghìn tỷ đồng mà không phải phụ thuộc và nguồn vốn trung ương như trước đây.

Điển hình có thể điểm qua như: xây cầu Hoàng Văn Thụ 2.200 tỷ đồng, làm đường từ cầu Lạng Am tới cầu Nhân Mục hơn 1.400 tỷ đồng; đường trục Hồ Sen – Cầu Rào hơn 1.400 tỷ đồng, chỉnh trang bờ hồ Tam Bạc hơn 1.000 tỷ đồng, trải áp phan toàn bộ tuyến phố nội đô và các đường trị giá 500 tỷ đồng; đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng NTM cùng rất nhiều công trình lớn nhỏ khác… góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn, đô thị Hải Phòng.

Trong 4 năm, từ 2015-2019, TP Hải Phòng đã xây mới 55 cây cầu, tạo ra sự kết nối giữa ngoại thành và nội thành, giữa Hải Phòng với các tỉnh, mở ra triển vọng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Với lí do, cầu cũ đã xuống cấp và nhằm nâng cao năng lực phục vụ, bảo đảm an toàn giao thông, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, làm thay đổi toàn diện diện mạo, cảnh quan khu vực; nâng cao hiệu quả khai thác đường Phạm Văn Đồng, đường Lạch Tray và cầu Hoàng Văn Thụ, HĐND TP vừa quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Rào 1 với tổng mức đầu tư khoảng 2.276 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách TP, dự kiến khởi công trong năm 2020.

Theo đề xuất của Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, năm 2020 cần bố trí khoảng 1.550 tỷ đồng (bao gồm 50% chi phí xây dựng, tư vấn, 100% chi phí giải phóng mặt bằng). Năm 2021 cần bố trí khoảng 370 tỷ đồng, năm 2022 bố trí 355 tỷ đồng… Như vậy, dự kiến cầu Rào 1 sẽ được xây dựng, hoàn thành trong thời gian 2020 - 2022.

Cầu Hoàng Văn Thụ, dự án nghìn tỷ được đầu tư từ nguồn ngân sách tại Hải Phòng.

Cầu Hoàng Văn Thụ, dự án nghìn tỷ được đầu tư từ nguồn ngân sách tại Hải Phòng.

Mới đây, Hải Phòng tiếp tục thống nhất danh mục 5 dự án, công trình khởi công dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, gồm Dự án Tuyến đường vào Khu di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên; Dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực sân vận động Máy Tơ, quận Ngô Quyền; Dự án Đầu tư xây dựng cầu Dinh; Dự án đầu tư cầu Quang Thanh; Dự án Tổ hợp khách sạn, Trung tâm Thương mại và Văn phòng cho thuê, tại số 4 Trần Phú.

Những dự án nghìn tỷ, đã và đang làm thay đổi diện mạo thành phố Cảng, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những con đường đã xuống cấp trầm trọng, nắng thì bụi còn mưa thì bẩn...

Nhiều con đường xuống cấp "dài cổ"… chờ ngân sách

Về tổng thể, với sự đầu tư mạnh mẽ như vậy, người dân Hải Phòng có thể nghĩ đến một thành phố đi đầu trong cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, động lực phát triển của cả vùng Bắc bộ và cả nước. Có thể nghĩ về 1 thành phố văn minh, đáng sống trong tương lai…

Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, hình ảnh những con đường xuống cấp, bụi bặm, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp… vẫn còn nhiều.

Con đường xuống cấp tại xã Chính Mỹ, Thủy Nguyên.

Con đường xuống cấp tại xã Chính Mỹ, Thủy Nguyên.

Tại xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng có tuyến đường liên thôn dài hơn 1 nghìn mét đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều ô gà, ổ voi, bề mặt đường bong tróc, trở thành cái bẫy với người tham gia giao thông. Hàng năm UBND xã Tây Hưng có trích kinh phí vá ổ voi, ổ gà… Tuy nhiên do kinh phí có hạn, mật độ đi lại đông nên lại tiếp tục hỏng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Ông Phạm Văn Nam, thôn Xuân Hưng, xã Tây Hưng cho biết: “Từ trước đến nay Nhà nước đã làm 2 lần, hơn chục năm nay đã xuống cấp, học sinh đi lại khó khăn, đường này vận chuyển nông sản đi lại nhiều, đường chật hẹp, xuống cấp nên đã nhiều lần xảy ra tai nạn. Tôi mong sớm được sửa chữa”.

Theo lãnh đạo xã Tây Hưng, trên địa bàn xã có 3 tuyến đường trục chính, 1 tuyến đường của xã, 2 tuyến đường liên xã trên 5km xuống cấp, việc sửa chữa nâng cấp nằm ngoài khả năng của xã và rất mong được huyện và thành phố quan tâm cấp vốn.

 Con đường xuống cấp, đầy bụi tại xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng.

 Con đường xuống cấp, đầy bụi tại xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng.

Ngoài xã Tây Hưng, một số địa phương khác cũng chung tình trạng, đường sá làm đã lâu, đến nay đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tu sửa… Theo người dân thôn Dưỡng Chính, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, con đường trục chính liên quan đến cả xã đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên nhiều năm nay chưa được tu sửa nâng cấp, khiến học sinh và người đi đường nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Một vấn đề khác nữa khiến dư luận băn khoăn về các chính sách đầu tư của Hải Phòng là bên cạnh những dự án nghìn tỷ được triển khai nhanh chóng còn những dự án “rùa bò” khiến người dân khốn khổ, đi cũng dở mà ở cũng không xong.

Đơn cử như Dự án khu vui chơi giải trí – dịch vụ nghỉ dưỡng Hải Phòng tại quận Hải An, đã gần 10 năm triển khai nhưng hiện tại vẫn lơ lửng chưa xong.

Việc chậm triển khai dự án khiến hàng trăm hộ dân trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn, đường ngõ ngập lụt, môi trường ô nhiễm, nhà cửa tồi tàn mà không thể sửa chữa… Những vấn đề này đã được cử tri phường Đông Khê, phường Đông Hải 1 đã liên tục kiến nghị nhưng đến nay dự án không có gì tiến triển.

Theo ông Phương, người dân sống tại khu vực bị ảnh hưởng của dự án (phường Đông Hải 1, quận Hải An): Chỉ cần động mưa một tí thôi là ngập hết, kéo theo đó là ô nhiễm môi trường. Mỗi khi trời mưa gia đình ông lại lo ngay ngáy vì nước tràn vào nhà. Không biết dự án còn kéo dài bao lâu nhưng trước mắt chỉ thấy người dân quá khổ, muốn xây dựng nhưng không được. Tính chuyển đi cũng không xong vì chẳng ai mua, chỉ vì cái tiếng đất nằm trong vùng quy hoạch.

Trước đó, để triển khai dự án này, ngày 22/7/2011 UBND TP Hải Phòng đã ban hành Thông báo số 220/TB-UBND thu hồi 95.965m2 đất tại phường Đông Hải 1 (quận Hải An) và phường Đông Khê (quận Ngô Quyền), giao cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Hồng Phúc làm chủ đầu tư.

Tổng vốn đầu tư dự án là gần 100 tỷ đồng, trong đó vốn tự có là hơn 54 tỷ đồng; vốn vay thương mại 20 tỷ đồng; liên doanh, hợp tác 20 tỷ đồng.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng được triển khai từ năm 2011 nhưng đến nay dự án mới thu hồi được khoảng đạt 45% tổng diện tích và đã chậm tiến độ hơn 40 tháng.

Việc thu hồi đất dự án kéo dài, dai dẳng, không dứt điểm không chỉ gây phiền hà, bất cập cho người dân sống tại đây mà còn dẫn đến các hệ lụy khác như lấn chiếm đất đai rồi nảy sinh tranh chấp.

Từ thực tế những gì đang tồn tại và những gì đang diễn ra, có thể khẳng định những dự án 1 nghìn tỷ là cần thiết, nó sẽ làm thay đổi diện mạo của thành phố Cảng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng cần xem xét xử lí các vấn đề đang tồn đọng, những vấn đề nhức nhối đang tồn tại ở các làng quê với nguồn ngân sách chắc chắn nhỏ hơn rất nhiều so với dự án, công trình hàng nghìn tỷ nhưng giá trị đem lại cho người dân là thiết thực và cực kỳ cần thiết.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.