| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng – Góc nhìn khác: [Bài 2] Ô nhiễm rình rập người dân

Thứ Ba 10/03/2020 , 14:10 (GMT+7)

Hải Phòng đã về đích nông thôn mới trước 1 năm so với kế hoạch với mức đầu tư đứng đầu cả nước.

Tình trạng xả thải ra hệ thống thủy lợi An Hải ngày càng tăng.

Tình trạng xả thải ra hệ thống thủy lợi An Hải ngày càng tăng.

Nhưng cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển, nguồn nước sạch đang bị đe dọa, tình trạng ô nhiễm ngày càng cao, rác thải nông thôn 1 số làng quê đang là vấn nạn nhức nhối.

Hàng trăm điểm xả thải gây ô nhiễm nguồn nước

Thành phố Hải Phòng có 6 hệ thống cung cấp nguồn nước ngọt là sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng.

Cơ bản chất lượng nước tại các nguồn nước ngọt hiện nay vẫn đang đảm bảo theo quy chuẩn Việt Nam về nước mặt. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt đang có xu hướng tăng lên, chỉ tiêu như Mangan, Nitrit, các chất hữu cơ, Amoni, dầu mỡ và coliform năm 2018, 2019 đều tăng cao, vượt quy chuẩn cho phép về chất lượng nước mặt.

Các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn đều có chung nhận định là nguồn gây nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các nguồn nước ngọt là từ các điểm xả thải của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và từ các khu dân cư, bệnh viện.

Qua khảo sát của ngành chức năng, trên địa bàn thành phố hiện có 467 doanh nghiệp xả nước thải vào nguồn nước ngọt của thành phố (hệ thống công trình thủy lợi) nhưng đến nay mới có 98 doanh nghiệp được cấp giấy phép. Ngoài ra còn có 44 doanh nghiệp nằm trong hai cụm công nghiệp (CCN) chưa được cấp giấy phép xả nước thải.

Các cụm công nghiệp còn lại như Đông Hải, Lãm Hà, Tú Sơn, Vạn Sơn, Bắc Sơn, Quán Toan, An Đồng, Lại Xuân…đều chưa được xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.

Nguồn ô nhiễm tiềm ẩn nữa là từ các làng nghề. Theo thống kê trên địa bàn thành phố có 39 làng nghề với nhiều loại hình nghề khác nhau, hầu hết các làng nghề sản xuất với quy mô hộ gia đình, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, phân tán trên địa bàn rộng, điều kiện hạ tầng còn thiếu thốn, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, trình độ lao động hạn chế.

Trong số này, mối lo ô nhiễm nguồn nước thô trên sông Rế đang là vấn đề được người dân rất quan tâm khi hiện trạng mức độ ô nhiễm nguồn nước thôn sông Rế gia tăng nhanh theo từng năm, theo mùa vụ, nhất là mức độ ô nhiễm về tạp chất hữu cơ, gây ra khó khăn, tốn kém trong công tác sản xuất nước sạch.

Theo Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, nguồn nước này có xu hướng gia tăng tình trạng ô nhiễm. Các chỉ tiêu về Amoni, Nitrit, hữu cơ nhiều thời điểm vượt ngưỡng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt và tăng cao so với các năm trước.

Kết quả phân tích mẫu nước sông Rế lấy ngày 16/10/2019 cũng cho thấy các chỉ tiêu Amoni và Nitrit đều vượt rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép và tăng cao từ phía cống An Trì về trạm bơm Quán Vĩnh.

Thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải cho thấy, trên tuyến kênh Bắc Nam Hùng hiện có 17 điểm có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sông Rế.

Trong đó đáng chú ý, tại địa bàn xã Nam Sơn có tới 11 điểm như: Nghĩa trang thôn Mỹ Tranh và 10 doanh nghiệp như Công ty cổ phần Phân bón miền Bắc, Công ty Thép Hùng Cường, Công ty Nội thất 190, Công ty TNHH Tân Thuận Phong, Quang Hưng, Minh Thanh, Thái Sơn… những đơn vị này có nguồn nước thải công nghiệp hằng ngày xả thải trực tiếp ra kênh Bắc Nam Hùng đổ vào sông Rế.

Ngoài ra còn một số khu vực khác là mối nguy cơ cao gây ô nhiễm nước trên sông Rế như: các KCN Tràng Duệ, An Dương, huyện An Dương; doanh nghiệp dọc quốc lộ 5 cạnh kênh Kim Xá – xã Lê Thiện, An Dương; các trại chăn nuôi trên địa bàn các xã Hồng Phong, Lê Thiện; khu vực bãi rác, trại chăn nuôi, nước thải dân cư tại huyện Kinh Thành (Hải Dương)…

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi & Phòng chống thiên tai, hiện tại tình hình xả thải ra các công trình thủy lợi đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng cùng với tiến trình đô thị hóa. Thành phố Hải Phòng chưa có hệ thống thủy lợi tưới và tiêu tách biệt, nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước là vấn đề cần cả xã hội vào cuộc.

Với 1 địa phương ở "cuối nguồn" như Hải Phòng, khi nguồn nước phục vụ sản xuất và nước thô sản xuất nước sinh hoạt phụ thuộc 100% các hệ thống thủy lợi trên thì việc ô nhiễm ngày càng gia tăng, tình trạng xả thải ngày càng nhiều sẽ là 1 viễn cảnh xấu về việc thiếu nước sinh hoạt trong 1 tương lai gần không thể không nghĩ đến.

Rác thải nông thôn bủa vây thành phố

Tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, người dân đang mất ăn mất ngủ, thậm chỉ bỏ cả ruộng khu vực gần bãi rác Thanh Lãng. Theo phản ánh của người dân thôn 9, đây là khu vực đổ rác của cả xã và đã nhiều tháng nay, rác thải trên địa bàn không được thu gom, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường xung quanh.

Rác thải xuất hiện ngay tại ngã 3 đường tỉnh lộ 352 và rải rác khoảng 500m cho đến ngã tư đường bê tông nội đồng thì thành luôn bãi tập kết rác thải dân cư.

Gọi là bãi rác nhưng thực chất là rác thải người dân đổ dọc ven 1 con đường nội đồng nối khu dân cư thông ra tỉnh lộ. Rác nhiều đến nỗi phủ gần như kín cả 1 đoạn đường dài đến vài trăm mét. Khu bãi rác "án ngữ" là 1 con đường nhiều người qua lại, nhiều người dường như đã quen với xự xuất hiện của bãi rác nên khi chạy xe máy qua chỉ bịt mũi rồi buông lơi 1 câu như xả cơn bực dọc trong người: “Thối quá, thế này thì chết thôi”.

Ánh mắt bực dọc thấy rõ khi bãi rác gần ngay khu ruộng đang canh tác, anh Nguyễn Văn Nam trú tại thôn 9, xã Chính Mỹ cho biết: Tình trạng này có cách đây mấy năm nay rồi, trước đây có người dọn nhưng giờ không thấy có ai dọn. Hàng ngày rất hôi thối, phía đầu gió còn đỡ nhưng phía cuối hướng gió thì gần như không chịu nổi. Cả đống rác thải của cả xã nằm chình ình ven đường, không có người thu dọn, xử lí trong nhiều tháng nay gây bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bay thành đàn.

“Các chú xem cả con đường xuống khu đồng và dân cư phía dưới kia rác phủ kín cả, chỉ còn lại 1 lối đi. Phía dưới đó nhiều người đã bỏ ruộng rồi, không làm được. Chúng tôi mong muốn gom rác đi, cũng đề nghị lên xã mà chưa thấy phản hồi gì”, anh Nam cho biết.

Theo tìm hiểu, khu vực bãi rác Thanh Lãng (theo cách gọi của người địa phương), rác thải không có người thu gom, gây ô nhiễm không chỉ người dân xã Chính Mỹ mà hệ lụy ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng tới người dân xã Quảng Thanh. Hàng nghìn người dân bấy lâu nay hàng ngày đã phải sống chung với rác mà chính quyền chưa có phương án xử lí kịp thời.

Ông Trần Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Chính Mỹ, cho biết: “Trước đây có Công ty Môi trường Tân Phát thu gom rác nhưng do không tìm được chỗ đổ rác và không đảm bảo phí dịch vụ xử lí rác nên họ ngắt hợp đồng không thu gom rác nữa. Tình trạng này diễn ra từ đầu năm đến nay. Đây là vấn đề nhức nhối của cả huyện, sắp tới xã sẽ bỏ kinh phí để trước mắt là dọn dẹp rác, sau đó sẽ tính tiếp”.

Tuy nhiên, theo người dân địa phương, thực trạng này diễn ra đã lâu, người dân toàn xã đưa rác ra đây vứt bừa bãi, có hộ dân đã nộp tiền rác cả năm nhưng công nhân dịch vụ môi trường kêu ít không thu.

Rác thải nông thôn ở xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên.

Rác thải nông thôn ở xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên.

Trên địa bàn huyện Thủy Nguyên có 5 doanh nghiệp tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại 22 xã, thị trấn trên địa bàn. Song, do vướng mắc về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác, hiện hoạt động của các doanh nghiệp này đều khó khăn trong hoạt động, có doanh nghiệp đã phải thu hẹp lại quy mô.

Theo lãnh đạo 1 công ty thu gom rác thải trên địa bàn huyện Thủy Nguyên thì mức giá dịch vụ thu gom rác thải trên địa bàn khu vực nông thôn chưa sát với thực tế, chưa tách bạch mức giá giữa 3 khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác.

Cụ thể, nếu căn cứ theo Nghị quyết 09 của HĐND thành phố, khâu thu gom rác được thu từ nguồn xã hội hóa; khâu vận chuyển, xử lý rác thải được hỗ trợ từ ngân sách thành phố và các địa phương. Song qua nhiều năm hoạt động, dù nhiều lần kiến nghị, đơn vị không được bất kỳ nguồn ngân sách nào hỗ trợ cho hoạt động vận chuyển, xử lý rác thải.

Tất cả chi phí từ thu gom đến xử lý, công ty đều phải hạch toán qua nguồn thu phí của các hộ dân. Nguồn thu này không bảo đảm được chi phí hoạt động do vướng mắc từ giá dịch vụ thành phố quy định. Do đó, để bảo đảm hoạt động dịch vụ, các DN kiến nghị thành phố xem xét, điều chỉnh lại quy định giá dịch vụ vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn.

Thực tế vấn đề rác thải nông thông đang “bức tử” các làng quê không chỉ xảy ra ở Thủy Nguyên mà còn ở An Lão, Kiến An… có nơi liên quan đến thu gom, nơi thì liên quan đến đốt rác, xử lí rác không đảm bảo.

Điều này cho thấy khi mức giá dịch vụ thu gom rác thải trên địa bàn khu vực nông thôn chưa sát với thực tế, chưa tách bạch mức giá giữa 3 khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác thì rất khó xử lí triệt để được vấn đề rác thải nông thôn. Và sẽ rất khó để có thể xây dựng nông thôn Hải Phòng thành những miền quê đáng sống như mục tiêu đã đề ra.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.