| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: 'Luật rừng’ trên biển

Thứ Năm 09/04/2020 , 19:31 (GMT+7)

Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng vừa có chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ việc ngư dân tố cáo bị ‘làm luật’ khi khai thác hải sản trên biển Đồ Sơn.

Các hộ ngư dân phản ánh sự việc với PV NNVN. Ảnh: Đinh Mười.

Các hộ ngư dân phản ánh sự việc với PV NNVN. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng vừa có chỉ đạo giao cho Công an Hải Phòng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở NN-PTNT, UBND quận Đồ Sơn, UBND quận Dương Kinh và các đơn vị liên quan xác minh làm rõ việc ngư dân kêu cứu bị thu tô, 'làm luật' khi đánh bắt hải sản trên biển và báo cáo UBND TP trước ngày 15/4.

Trước đó, 15 ngư dân ở quận Dương Kinh và quận Đồ Sơn đã có đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng TP Hải Phòng về việc bị xâm hại, đe dọa tính mạng và cưỡng đoạt tài sản khi đánh bắt hải sản trên biển.

Không nộp % mà đánh bắt sẽ chặt chân

Cụ thể, đơn kêu cứu trình bày, vào cuối tháng 1/2020 (âm lịch) vừa qua 15 hộ dân (có 10 hộ ở quận Dương Kinh và 5 hộ ở Đồ Sơn) sau khi phát hiện tại khu vực cửa biển Hải Phòng thuộc tọa độ 43’300 độ Bắc – 54’600 độ Đông có con gion, giắt, nhám (họ nhuyễn thể) có thể khai thác được nên đã cùng nhau tổ chức 15 con thuyền (loại 3 tấn) ra khai thác.

Hải sản đánh bắt được bán cho 1 người ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn là bà Cao Thị Kiện - một chủ thu mua hải sản cũng là một trong những người cùng phát hiện ra ngư trường này.

Tuy nhiên, sau khi đánh bắt về, thông qua bà Kiện, 1 nhóm 4 người gồm anh B., người ở phường Tân Thành, anh Kh., anh H., trú phường Ngọc Xuyên, anh Nguyễn Đăng K.,, trú xóm Đình Nghè, phường Vạn Hương đã yêu cầu 15 hộ ngư dân phải chia % số sản phẩm đánh bắt được.

Hàng ngày ngư dân đánh bắt hải sản có người giám sát và ghi chép số lượng sản phẩm của từng thuyền. Tỷ lệ chia lúc đầu là 6/4, sau này giảm xuống còn 7,5/2,5 và sẽ thu 2 lần/tháng theo phương thức họ sẽ thanh toán, thu toàn bộ số tiền sản phẩm của các thuyền từ bà Kiện. Sự việc kéo dài đến 7/3 (15/2 âm lịch thì 15 hộ ngư dân này tạm dừng việc đánh bắt do quá căng thẳng và thua lỗ. 

Đơn kêu cứu của 15 hộ ngư dân. Ảnh: Đinh Mười.

Đơn kêu cứu của 15 hộ ngư dân. Ảnh: Đinh Mười.

Đơn kêu cứu cho rằng, việc khai thác thủy sản của ngư dân là ở ngư trường hợp pháp, song nhóm người này không hề có quyền lợi hay đóng góp gì lại ngang nhiên áp đặt bắt phải chia % sản phẩm đánh bắt của ngư dân khiến cuộc sống của họ khó khăn khốn đốn là hành vi cưỡng đoạt tài sản trắng trợn của người lao động.

Đồng thời, trong đơn, các hộ ngư dân khẳng định, nhóm này từng cầm dao kiếm đến nhà chủ thuyền đe dọa nếu không nộp % mà còn đi đánh bắt ngoài đó sẽ chặt chân. 

Về vấn đề này, bà Cao Thị Kiện cho biết: có việc trích lại % từ  nhóm ngư dân nói trên cho anh B, anh H, và 2 anh K. Tôi đã thu hộ tổng cộng là 67 triệu, nhưng tôi chỉ người thanh toán hộ thôi không biết giấy tờ gì cả. Giữa 2 bên đã có thỏa thuận với nhau, có thể do giá con nhám giảm nên mới có việc này.

“Trong 4 người này, có bác H cùng làm chung vây ở Cống Họng, thả giắt, chú B thì chưa quen lắm, chỉ gọi điện 1 lần hôm mùng 2 và 1 lần ăn cơm ở nhà bác H.  Còn thằng K đi thuyền với thằng C hay đến đây vì liên quan đến buôn bán các sản phẩm đánh bắt. Tôi chỉ là người thanh toán hộ thôi, tôi trả tiền cho ai tôi không có viết giấy, chỉ dựa vào lòng tin với nhau, còn việc họ đem con nhám ra thả chỗ đấy thì phải chính quyền xác nhận” - bà Kiện khẳng định.

"Luật rừng" trên biển?!

Phản ánh với NNVN, anh Phạm Văn Tản, 49 tuổi ở phường Hải Thành, quận Dương Kinh – 1 trong 15 hộ có đơn kêu cứu cho biết, chúng tôi có 3 anh em đi đánh bắt con nhám, hôm đầu tiên là chia 4/6, chúng tôi lỗ rất nhiều. Sau khi đàm phán nhiều lần giảm từ 40-30 rồi 25%. Sau 8 ngày khai thác thì được trên 40 triệu, thì mất 12 triệu cho nhóm những người kia.

Clip liên quan đến nhóm người bị tố là 'thu tô' trên biển do các hộ ngư dân cung cấp.

Đến hôm 7/3 (tức 15/2), lỗ quá nên tôi nghỉ. Tôi gắn bó với biển đã 30 năm rồi. Nhà có 5 người phụ thuộc vào chiếc thuyền, giờ nghỉ tôi phải đi phụ hồ để trang trải qua ngày. Hiện chúng tôi không còn chỗ nào để đánh bắt được, mong được giải phóng ngư trường để bà con làm ăn, mưu sinh.

Cùng cảnh ngộ, anh Trần Văn Minh buồn bã chia sẻ: chúng tôi không còn chỗ nào để làm, tôi đi 3 ngày, mỗi ngày được khoảng 2,4 tấn thì mất 3,7 triệu cắt lại cho nhóm người này. Đây là khu vực nước sâu hơn 10m, chúng tôi khẳng định không ai thả con nhám, don, dắt hay nuôi ngao ở đây cả.

Nhưng nếu chúng tôi không trích % thì không thể đánh bắt được, trong nhóm chúng tôi có anh Trần Văn Tiệp, năm 2018 khi đánh bắt hải sản ở Gò Đông, Tràng Cát từng bị 1 nhóm khác đánh thập tử nhất sinh rồi ném xuống biển cách đây mấy năm nhưng may có người phát hiện kịp thời và cứu sống.

Ngoài anh Minh, anh Tản, một số ngư dân khác ở Dương Kinh cũng thông tin cho PV như chị Nguyễn Thị Yêu, anh Phạm Văn Quân, anh Trần Văn Tiệp… cũng phản ánh vấn đề tương tự.

Những bãi triều ven biển chưa có quy hoạch cụ thể luôn là 'điểm nóng' về an ninh trật tự tại Hải Phòng nhiều năm nay. Ảnh: Đinh Mười.

Những bãi triều ven biển chưa có quy hoạch cụ thể luôn là 'điểm nóng' về an ninh trật tự tại Hải Phòng nhiều năm nay. Ảnh: Đinh Mười.

Về vấn đề này, thông tin với cơ quan báo chí, ông H., 1 trong 4 người bị tố cáo cũng thừa nhận rằng ông và 1 số người có đứng ra thu lại phần trăm trong tổng số sản phẩm khai thác của ngư dân đánh bắt tại vùng biển cách khu du lịch Đồ Sơn khoảng 4 hải lý.

Tuy nhiên theo ông H., việc thu lại % của ngư dân được thỏa thuận trên cơ sở khu vực này ông H. đã đầu tư thả giống. Theo phương pháp thu hoạch truyền thống lâu năm ở đây của các chủ nuôi là thuê bà con ngư dân đánh bắt đánh bắt, sau đó ăn chia theo tỷ lệ.

Còn bà Kiện thì cho biết " tôi đã làm nghề thu mua hải sản 24 năm nay và đã đã thu hộ cho hàng tỷ cái vây chứ có phải cái vây này đâu. Tôi trả tiền cũng không bao giờ giấy tờ gì cả, chỉ dựa vào lòng tin với nhau. Có những vậy người ta đem cả về, có những vây họ bảo thôi chị thanh toán cho thuyền đi, còn vây của em thì em lấy thì tôi đưa tiền cho các chủ tàu".

Được biết, nhiều năm gần đây, tại những gồ cát hàng nghìn ha, trải dài từ khu vực quận Đồ Sơn đến huyện Tiên Lãng, là khu vực 'ăn nên làm ra' cho nhiều hộ ngư dân với nghề nuôi các loại nhuyễn thể.

Ông Vũ Bá Công - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết Sở đã nhận được văn bản chỉ đạo của UBND thành phố và đang phối hợp với bên Công an (đơn vị chủ trì) để làm rõ vụ việc.

Tuy nhiên do vẫn chưa có quy hoạch vùng nuôi cụ thể, ngư dân nuôi trồng tự phát nên những mâu thuẫn và xung đột thường xảy ra gây mất an ninh trật tự.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn giữa các ngư dân truyền thống khai thác ngư lợi tự nhiên với người dân tự ý cắm cọc dựng chòi canh, quây vây chiếm diện tích bãi bồi không cho các ngư dân vào đánh bắt thủy sản tự nhiên.

Đồng thời là mâu thuẫn do tranh chấp diện tích giữa các hộ nuôi tự phát hoặc là mâu thuẫn giữa người nuôi ngao và những người khai thác cát.

Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, khu vực 15 hộ ngư dân đánh bắt thuộc vùng biển tự nhiên, không giao cho bất cứ hộ dân nào quản lí cả, thành phố chưa có quy hoạch cụ thể về khu vực này.

Việc người dân tự khoanh vùng nuôi ngoài biển những năm gần đây diễn ra tự phát và gây mất an ninh trật tự là có. Còn việc, ngư dân có thả con nhám,ngao... ra rồi sau đó khai thác ăn chia thì phải cơ quan công an điều ra làm rõ.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.