Ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết, việc thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng là một trong những điều kiện trong bộ tiêu chí xây nông thôn mới, là việc làm hết sức cần thiết với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay.
Mỗi Tổ Khuyến nông cộng đồng được thành lập có ít nhất 5 thành viên, nòng cốt là cán bộ khuyến nông cơ sở và các cá nhân trên địa bàn, gồm đại diện các tổ chức chuyên môn, chính trị, xã hội, đoàn thể, kinh tế và nông dân sản xuất giỏi tại địa phương.
Nhiệm vụ của Tổ Khuyến nông cộng đồng là tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ về khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp do cấp có thẩm quyền giao cũng như các hoạt động tư vấn, dịch vụ và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, cộng đồng dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái.
“Mỗi xã lập 1 Tổ, trong 1 tháng chúng tôi đã lập được 135 Tổ và việc tập huấn cơ bản đã xong. Về thành phần tham gia, Phó Chủ tịch UBND các xã là tổ trưởng, khuyến nông viên là tổ phó, các chủ trang trại, gia trại, các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, có đam mê được khuyến khích tham gia cùng để thực hiện tốt các nhiệm vụ”, ông Đam chia sẻ.
Cũng theo ông Đam, đây là cộng đồng nên hoạt động tự nguyện, không có hỗ trợ từ ngân sách. Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng chỉ tham gia xây dựng khung mô hình và xây dựng quy chế hoạt động thống nhất chung cho cả TP Hải Phòng nên hiệu quả cụ thể cần thời gian để đánh giá.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong hoạt động của Tổ Khuyến nông cộng đồng, đòi hỏi thành viên Tổ phải có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung thực hiện được giao, mỗi thành viên ngoài tâm huyết với nghề nghiệp, tự thân học tập, nghiên cứu để nâng cao năng lực.
Hàng năm, Trung ương, TP Hải Phòng cần quan tâm hơn nữa trong việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên Tổ để tiếp cận nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới, tư duy sản xuất mới, đặc biệt là chuyển đổi số và đào tạo "nông dân số" trong thời gian tới.
Mặt khác, TP Hải Phòng cũng cần có cơ chế phù hợp với hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như dịch vụ của Tổ để khẳng định vị trí, vai trò của Tổ Khuyến nông cộng đồng đối với ngành nông nghiệp địa phương.
Theo ghi nhận, sau khi thành lập các Tổ Khuyến nông cộng đồng, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT 1 tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông, các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn.
Tham gia khóa tập huấn, ngoài việc nghe - hiểu các phương pháp hoạt động, các học viên còn được thảo luận nhóm và phản biện trực tiếp với giảng viên để cùng tháo gỡ những khó khăn gặp phải trong hoạt động nông nghiệp.
Các học viện cũng được trang bị những kiến thức về phương pháp và một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động khuyến nông cộng đồng và những vấn đề cơ bản về nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn nông nghiệp.
Bên cạnh đó, học viên cũng nắm được kiến thức về phát triển và đổi mới các hình thức tổ chức trong nông nghiệp, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Biết lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững cũng như xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm.
“Đây là lần tập huấn đầu tiên ngay sau khi thành lập các Tổ nhằm củng cố các nguyên tắc, phương pháp hoạt động và một số kỹ năng cần thiết để Tổ hoạt động hiệu quả theo đúng mục tiêu đã đề ra”, anh Nguyễn Văn Giang, cán bộ khuyến nông huyện Tiên Lãng chia sẻ.