| Hotline: 0983.970.780

Hai sắc thái của ruộng hoang: [Bài II] Khi đồng ruộng không khác viện dưỡng lão

Thứ Tư 24/07/2019 , 13:05 (GMT+7)

Những khuôn mặt già nua, những đôi mắt đục mờ chẳng còn lóe lên tia hi vọng, cảm giác cả cánh đồng bao la ở phường Hội Hợp của thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là một viện dưỡng lão khổng lồ, chán chường và buông xuôi.

Bà Liên ở phường Hội Hợp đang buộc lại hàng rào ni lông chống chuột quanh ruộng nhà mình.

Trên bờ, cây xấu hổ ken dày cao ngang bụng người, dưới ruộng cỏ dại mọc đua chen cùng với lúa, lố nhố những vết răng chuột gặm ngang thân, xén ngọt như có máy cắt. Bà Phùng Thị Liên 63 tuổi ở xóm An Phú đang đi kiểm tra hàng rào ni lông quây quanh ruộng nhà mình xem có thủng chỗ nào không mà đã bị phá đến non nửa.

Nhà bà có 7 sào ruộng, vụ này cấy 3 sào còn bỏ trắng 4 sào. “Giờ cái gì giá cũng cao, cày bừa lên 180.000 đồng/sào, cấy lên 300.000 đồng/sào… Chuột phá quá nên tôi phải đi nhặt hết thân lúa bị cắn vứt đi rồi quãi thêm tí phân vào xem có được cây nào thì ăn cây đấy vậy!”. Bà than thở.  

Sản xuất nông nghiệp hiện nay đã nhàn hơn ngày trước nhiều. Cày, cấy, gặt những công đoạn nặng nhọc nhất của nhà nông phần lớn dân làng đều thuê cả, đến mùa xe lôi kéo lúa về tận cổng nhà, chỉ mỗi việc phơi xong rồi đút vào hòm. Thế mà nhiều nhà vẫn bỏ ruộng hoang do công sức và thu nhập không gặp nhau.

Bà Liên ở phường Hội Hợp đang vơ đám lúa bị chuột cắn ngang thân.

Hơn thế việc nhà nông toàn những thứ lặt vặt nhưng bìu díu nhau nên dù ra đồng 1 tiếng cũng là mất nguyên nửa buổi chẳng thể làm nổi việc gì khác ra tiền. Hiện giá đền bù mỗi sào ruộng ở Hội Hợp chỉ 83,7 triệu nhưng vẫn nhiều người mong ngóng công nghiệp, đô thị vào lấy vì gửi tiền đó vào trong ngân hàng còn lãi hơn trực tiếp trồng lúa.

Ông Nguyễn Gia Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Hội Hợp trăn trở: “Dân bỏ ruộng một vụ là dấu hiệu sẽ bỏ ruộng lâu dài. Cánh đang làm ngày càng già, càng yếu rồi sẽ mất dần đi còn cánh trẻ lại không còn ham muốn. Đến như hai con của tôi cũng chẳng đứa nào thèm làm ruộng cả…”.

Ông Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Hội Hợp bên một thửa ruộng tuy gieo trồng mà cỏ còn mọc tốt hơn cả lúa.

Hội Hợp chính là phần tách ra của xã Hợp Thịnh nổi tiếng năm nào về chuyện làm vụ đông, HTX từng được phong tặng Anh hùng lao động. Ánh hào quang thủa xưa nay đã lịm tắt.

Ông Nguyễn Tuấn Hải - Bí thư kiêm Chủ tịch Hội Hợp cắt nghĩa: “Người nông dân bỏ ruộng lỗi một phần của chính quyền bởi tuyên truyền chưa tốt, chưa làm thay đổi nhận thức được của nhân dân cộng với chưa thực hiện được dồn điền đổi thửa  khiến ruộng đồng quá manh mún. Nhưng cái chính là do hiệu quả của việc trồng lúa hiện nay đang quá thấp, tính chi li ra cấy lúa giỏi mỗi vụ 1 sào thu được 2,5 tạ thóc, trừ chi phí hết hơn 1 tạ, lợi nhuận trên mỗi ngày chỉ còn được khoảng 2.000 đồng”.
 

Nông dân ở đây đang được hưởng khá nhiều ưu đãi như miễn thủy lợi phí, mua phân bón chậm trả, cải tạo giao thông, thủy lợi nội đồng, có bảo vệ ngày đêm ngăn trâu bò phá hoại nên sản xuất không phải suy nghĩ… thế mà vẫn bỏ ruộng.

Vụ mùa năm 2018 phường Hội Hợp bỏ 170ha, vụ mùa năm nay bỏ khoảng 100ha trên tổng diện tích 200ha khiến cho đích thân Bí thư Thành ủy yêu cầu phải khắc phục: “Theo quy định của nhà nước bỏ ruộng 1 năm thì mới bị thu hồi đất nhưng người dân ở đây chỉ bỏ có một vụ nên chúng tôi không biết phải xử lý thế nào”, ông Hải băn khoăn.

Công nghiệp như thỏi nam châm khổng lồ hút rỗng nhân lực của các làng xã. “Đói” lao động nên giờ các công ty về Hội Hợp tuyển vét  bằng cách hạ tiêu chuẩn đến mức thấp nhất, trên 40 tuổi cũng lấy, học chỉ xong cấp II, thậm chí cấp I cũng lấy. Trước nguy cơ ruộng hoang lan tràn, chính quyền kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân vào thuê đất nhưng chỉ được hơn 7ha.

Cỏ dại mọc đầy ven đường nội đồng ở phường Hội Hợp.

Đằng thẳng ra mà nói, năm 2016 cũng có một công ty muốn làm ăn lớn là DKC ở huyện Yên Lạc về Hội Hợp thuê 80ha trồng bí. Ngặt nỗi chi phí sản xuất lớn mà sản phẩm bán ra rẻ mạt 2.000 đồng cũng chẳng có ai thèm mua nên được một vụ là phải bỏ để mặc dân thích hái bao nhiêu thì hái. Hội nghị mở rộng của Đảng ủy phường ông Bí thư phải vò đầu bứt tai trước nhiều câu hỏi rằng bí đỏ đang để chật hết gầm giường nhà dân lẫn nhà cán bộ mà không biết giải quyết thế nào?

Hiện nông nghiệp chỉ chiếm 2% trong cơ cấu kinh tế của Hội Hợp. Ông Hải ước tính khoảng 90% người làm nông bây giờ để lấy cái ăn, chỉ 10% là xác định có thể làm giàu. Bởi thế thuyết phục nông dân bám ruộng mà nói đến góc độ kinh tế là thua mà phải “đánh” vào tình cảm.

Cứ gần đến ngày mùa, đảng ủy phường lại nhắc các chi bộ triển khai công việc nông gia đến những đảng viên bên dưới. 5 ban ngành đoàn thể cũng xúm lại họp bàn để mà cùng giúp sức cho ủy ban. Ngoài đồng biết nhà ai có lúa chín rũ chưa gặt là các tổ liên gia của ngõ lại đến nhắc nhở từng hộ: “Trai tráng khỏe khoắn thế này ngày mùa về anh giúp vợ con một tí đi chứ! Miếng chín rồi đừng để nó rụng rơi”. 

Phường dành sẵn 1/3 diện tích đường, dành luôn cả sân vận động để cho dân kịp phơi thóc. Nhưng không khí chộn rộn của những ngày mùa xưa cũ khi ai ai cũng háo hức đợi chờ đến ngày được ăn no, được bán thóc đi mua sắm  quần áo mới chẳng bao giờ có thể trở lại nữa. Có chăng chỉ là sự trễ nải, ơ thờ.   

Trên kêu gọi xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhưng Hội Hợp lại có hàng ngàn mảnh ruộng rải rác khắp các xứ đồng, có mảnh nhỏ đến nỗi máy cày xong vẫn còn chành ra 4 góc không thể xoay được buộc người phải cầm cuốc ra làm nốt. Để gỡ bí cho việc dồn điền đổi thửa xã đã vời cả giáo sư ở một viện chính sách về phân tích cho bà con mặt lợi, mặt hơn.

Tuy nhiên theo ông Hải thì: “Người Việt mình vốn sợ sự chuyển đổi, sợ cái mới. Định làm cái gì cũng sợ thiệt, định nuôi con gì, trồng cây gì cũng sợ gặp rủi ro nên chỉ thiên về kiểu cũ, bởi thế đến giờ 60% diện tích của Hội Hợp vẫn còn cấy Khang Dân (giống lúa nhập khẩu có tuổi đời cỡ trên dưới 30 năm) năng suất không cao, cơm ăn không ngon nhưng được cái là dễ làm”.
 

Còn nóng hơn cả tiết hè oi ả của năm nay là tình hình ở huyện trọng điểm lúa Vĩnh Tường nơi vụ này đang bỏ trên dưới 700ha. Đây cũng là địa phương đầu tiên thí điểm dồn điền đổi thửa của tỉnh Vĩnh Phúc nhưng gặp vô vàn vướng mắc, đặc biệt là tại Phú Đa. Giao ruộng muộn cộng với tâm lý bất mãn nên dân xã này chỉ cấy có 44/210ha...

Tổng hợp tiến độ gieo trồng vụ mùa năm 2019 của Vĩnh Phúc tính đến ngày 7/7 chỉ thực hiện được 24.138/25.700ha kế hoạch, nhiều huyện thị đạt kém là Vĩnh Tường 83,7%, Yên Lạc 89,4%, Vĩnh Yên 90%...

Anh Nguyễn Văn Tứ - Phó chủ tịch xã Yên Lập kể, nước dẫn vào tận ruộng, nông dân được hỗ trợ 70% giá trị giống nhưng chỉ đăng ký 3,8 tấn, có hộ ném mạ rồi bỏ không cấy.

Trên hỗ trợ thuốc diệt chuột, xã mua lúa rồi giao cho trưởng thôn, phó thôn luộc lên, đeo găng tay vào mà trộn bả xong gọi dân đến lấy nhưng cũng có hộ không đến, cán bộ phải đi rải hộ.

Vụ mùa năm 2018 Yên Lập bỏ 20ha, vụ mùa năm nay bỏ chừng 60 - 70ha. Hội nghị nào từ xã đến thôn đều lồng ghép chuyện chống bỏ ruộng mà vẫn đành chịu vì vụ mùa hay bị ngập do nước sông Phan tràn vào, vì nhiều sâu bệnh, chuột bọ…

Tôi gặp bà Bùi Thị Ninh người thôn Phủ Yên 3 khi đang gò lưng đẩy xe chở mấy phân chuồng đi quãi cho lúa. Đồng trên bà bỏ trắng 3 sào, đồng dưới bà chỉ cấy 1 sào còn 2 sào gặt xong chờ để lúa rong (lúa chét tái sinh). Đồng làng giờ nhiều nhà bỏ hóa, cấy một mình chuột bọ dễ sinh sôi nên vụ này bà cũng chẳng có hi vọng.

Cạnh đó, bà Khổng Thị Hoạt 63 tuổi người cùng thôn đang rẫy lớp lúa lơ thơ còn sót lại để trồng 8 thước bí, mồ hôi ướt đẫm mặt dưới  chiều hè nắng quái. Bà có 5 người con, 4 gái đã yên phận nhà chồng giờ chỉ còn hi vọng mỗi thằng út là có thể tiếp nối nghiệp. Ngày bé nó cấy rất dẻo hệt như mẹ nhưng càng lớn càng căm ghét ruộng đồng, cứ nằng nặc đòi đi sang tận Bắc Ninh làm công nhân.

Già cả không thể kham nổi hơn 5 sào ruộng nên bà Hoạt mới cho người ta mượn 3 sào ruộng thả bèo làm thức ăn cho cá còn cấy 2,6 sào để lấy thóc ăn.

Gương mặt đẫm mồ hôi của bà Hoạt bên mảnh ruộng bỏ hoang.

Vụ xuân năm ngoái ngoài đổ đầy được cái hòm 5 tạ bà còn dư ra một bao thóc nhưng vụ mùa sau đó lại dính sâu bệnh thất thu đến nỗi phải đi ngắt từng gié, từng bông một, không buồn gặt. Bởi thế, vụ mùa này bà bỏ không cấy, cặm cụi vỡ ít đất chuyển sang trồng bí lấy ngọn mong có chút tiền tiêu. 10 ngọn bí có giá 2.000 đồng, một buổi còng lưng hái giỏi được 200 ngọn tương đương với 40.000 đồng mà cũng chỉ thu được 4 đợt là tàn cây.

Không có sổ tiết kiệm hay khoản tiền lận lưng đáng kể nào, tài sản lớn nhất của nhà bà là chiếc xe máy trị giá 18 triệu. Vì vậy, mọi chi tiêu đều phải tằn tiện. Sáng họ ăn cơm nguội, trưa chiều bữa đậu, bữa rau, thi thoảng mới được tí thịt nên trung bình mỗi ngày chỉ tiêu hết có 15.000 - 20.000 đồng. Đến bữa, hai vợ chồng già cùng người bà chị chồng ngót 80 tuổi bày ra ba cái bát, ba đôi đũa rồi ngồi lặng lẽ ăn.

Hai ba tháng thằng con bà mới từ Bắc Ninh về thăm một lần rồi lại quầy quả đi ngay. “Sức chúng tôi còn làm được mấy hơi nữa hả chú? Vài năm nữa có khi đi còn chẳng nổi thế mà gọi thằng út bảo về làm ruộng, lấy vợ thì nó giẫy nẩy lên. Năm nay nó đã 26 rồi chứ còn bé bỏng gì…”.

Bà Hoạt đang khai hoang ít đất để trồng bí.
Việc tích tụ ruộng đất ở Vĩnh Phúc đang gặp nhiều khó khăn bởi lý do chính là nhiều nông dân chán nhưng vẫn chưa hoàn toàn bỏ ruộng mà phổ biến chỉ bỏ vụ mùa, vụ đông hoặc bỏ hoang một phần, vẫn sản xuất vụ xuân để lấy thóc ăn cho cả năm nên chưa muốn cho thuê dài hạn hoặc chuyển nhượng. Tính đến nay diện tích tích tụ của toàn tỉnh ước chỉ đạt khoảng 4 - 5%. 

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.