Ngay cổng Ủy ban xã là một cánh đồng bát ngát cỏ hoang dễ đến 10 vụ mùa nay như minh chứng cho câu nói của anh.
Một con bù nhìn của vụ trước còn sót lại trên thửa ruộng hoang ở xã Phù Ninh. |
Đây là năm thứ tư liên tiếp Phù Ninh bỏ 100% vụ lúa mùa. Trước đây mỗi vụ xã thường cấy cỡ 110 ha nhưng rồi cứ xuống thang dần, 90, 80, 70, 50 ha…và năm 2015 đã đánh dấu cho sự chấm hết của thói quen này.
Vụ đó, thấy người dân và cán bộ đều uể oải với lúa mùa, lãnh đạo xã đã phải trích khẩn một khoản ngân sách khoảng 40 triệu ra sang Thái Nguyên mua 2,5 tấn giống Bao Thai về cấp không. Loa phát thanh ời ời thúc giục, dân người làm người bỏ nhưng Đảng viên, cán bộ trong Đảng ủy, Ủy ban cũng như các chi bộ bên dưới thôn xóm đều phải răm rắp chấp hành. Bản thân nhà anh Chủ tịch xã cũng cấy dù cho vợ con có đôi chút cằn nhằn.
Anh Nguyễn Tiến Hưng (ảnh), Chủ tịch xã Phù Ninh, không phải ngẫm ngợi lâu trước câu hỏi tại sao bỏ ruộng của tôi mà trả lời thẳng: “Để ruộng không là lựa chọn của người dân. Bỏ một đồng chi phí ra mà không thu nổi một đồng về thì có ép cũng chẳng thể được. Người dân đã đúng! Nếu cứ bắt cấy tiếp vụ mùa thì chẳng khác nào gieo nợ cho họ”. |
Nhưng bao công sức bỏ ra lại không được trời thương. Vụ mùa đó khi dân vừa cấy nước đã ngập băng đồng phải gieo lại mạ, khi lúa đang chuẩn bị trổ bão tố lại kéo về. Cuối vụ, nhiều nhà không được nổi một cọng rơm còn phổ biến năng suất chỉ rơi vào cỡ 70-80 kg/sào. 2 sào cấy cố của nhà Chủ tịch xã thu được 1,5 tạ thóc, tính ra lỗ mất gần 200.000đ còn toàn dân vụ đó lỗ khoảng 200-300 triệu. Vậy là bỏ, bỏ trắng hết!
Mấy năm đầu bởi Phù Ninh bỏ hết vụ mùa, Huyện ủy, Ủy ban huyện giục giã rất căng, xếp loại Đảng bộ không bao giờ lọt vào vòng khen thưởng. Nhưng giờ mọi thứ đã dần nguôi vì đã quen. Anh Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch xã Phù Ninh, phân tích: Xưa không có công ăn việc làm nên phải bám vào đồng ruộng, phải tận dụng trâu bò lấy sức kéo, lấy phân.
Ngày nay có quá nhiều công việc để cho nông dân lựa chọn. Làm ruộng giờ hầu hết các công đoạn đều đi thuê, chi phí sản xuất cao, giá thóc gạo lại rẻ nên họ bỏ luôn vụ mùa.
Vụ xuân cỡ 10 năm nay tuy vẫn cấy nhưng gần như không còn ai đeo bình đi phun thuốc trừ sâu nữa bởi sợ độc hại, ngay cả rau màu cũng thế…Lao động đi hết, đến mùa gặt toàn thuê dân ở nơi khác, có lúc gấp quá còn phải nhờ cả đơn vị bộ đội gần đó giúp một tay.
Bỏ vụ mùa 100% nhưng vụ xuân Phù Ninh lại cấy hơn 100% diện tích bởi một số mượn thêm được những thửa ruộng giáp ranh của người dân xã An Đạo kề bên, ngại cấy vì quá xa làng.
Như nhà anh Chủ tịch xã cấy 4 sào lúa xuân thu được 1 tấn thóc cộng với để lại gốc rạ cho lúa chét tái sinh 30 ngày sau thu tiếp được 2 tạ nữa. 4 khẩu trong gia đình anh cùng với đàn gà nuôi ăn mãi cũng chưa hết được. Đó là chuyện lương thực của một nhà, còn của ngàn gia đình trong xã thì sao, tôi hỏi.
Anh Hưng đưa cho tôi bài giải đã có sẵn ở trong đầu mình: Bỏ vụ mùa nên tổng lượng thóc và ngô của Phù Ninh giờ chỉ còn khoảng 1.400 tấn/năm hụt so với trước đây chừng 200 tấn. Tuy thế, vẫn còn thừa để nuôi 4.600 khẩu nông nghiệp của xã với định mức trung bình 2,6 tạ/người/năm.
Nhờ có bà con bỏ ruộng mà anh Khôi mượn được 9 ha để thả cá vụ. |
Chất lượng cuộc sống tăng lên, 200 tấn thóc thiếu so với trước đây khi còn cấy vụ mùa suy cho cùng cũng chỉ bằng giá trị của một căn nhà trung bình trong làng, cỡ 1,2 tỉ. Ở quê tôi giờ toàn người già với trẻ con, chỉ ngày chủ nhật mới thấy bóng thanh niên.
Bởi thế mọi lịch họp hành, mọi đám cưới cũng phải bố trí vào ngày đó. Còn đột xuất như đám ma thì trưởng khu phải đánh kẻng lên để tập hợp mấy ông trung niên đến mà khiêng giúp…
Từ hồi toàn dân không chịu cấy vụ mùa nữa, đại lý vật tư nông nghiệp cấp làng của ông Nguyễn Xuân Thị ở khu 12 ngoài bán phân còn trưng lên tấm biển thu mua đồng nát để kiếm thêm đồng ra, đồng vào.
Trước đây mỗi khi vào vụ, ông bán phân theo bao, tháng cũng được khoảng 1-2 tấn các loại, giờ dân chỉ mua lẻ theo cân về bón rau, tháng bán được có 2-3 tạ.
Hỏi chuyện ruộng đồng, ông vui vẻ mà rằng: “Bài toán lợi ích cả thôi. Vụ xuân cấy đủ ăn cả năm rồi, vụ mùa cố cấy làm gì khi sâu bệnh nhiều, có năm không được gặt mà phải đi ngắt từng bông, chẳng hiệu quả bằng để lúa tái sinh? Như nhà tôi 3 người cấy một vụ đã thừa ăn rồi…”.
Đại lý vật tư nông nghiệp của ông Nguyễn Xuân Thị ở khu 12 giờ thu mua cả đồng nát. |
Toàn dân bỏ vụ mùa tạo điều kiện thuận lợi cho một số nhà mượn lại ruộng để thả cá vụ. Phù Ninh có khoảng 10 mô hình như thế với tổng diện tích khoảng 40 ha, số khác thì chuyển đổi sang trồng màu nên thực tế đồng hoang không làm gì chỉ rơi vào chừng 40 ha.
Anh Khuất Ngọc Khôi - Chủ nhân của hồ cá rộng tới 9 ha ở cánh đồng Chiềng - là một ví dụ tiêu biểu về sự thích ứng với ruộng hoang. Trước đây, ở vụ mùa 1/3 cánh đồng này vẫn còn cấy, nhưng giờ đến vụ, đợi chừng 100 hộ gặt rồi thu lúa chét xong là anh mượn lại ruộng, chặn để trữ nước và thả những con cá giống có trọng lượng 1-2 kg xuống.
Nước được dâng từ từ để ruộng thấp ngập trước, khi cá ăn hết lúa tái sinh, sâu bọ rồi mới dâng nước lên, ngập ruộng cao. Cuối năm anh chỉ việc tháo cạn nước là thu hoạch. Trung bình kiếm được khoảng 150 triệu, sau khi trừ hết chi phí giống 60 triệu còn lãi khoảng 80-90 triệu. Khỏe re!
Người dân khi cho mượn ruộng kiểu này cũng thích bởi nếu bỏ hoang thì đến vụ xuân phải rẫy cỏ, làm đất rất vất vả còn thu hoạch cá xong chỉ việc cào là có thể cấy ngay, hơn thế đất lại tốt hơn vì có nhiều mùn bã. Bờ bao thì trước khi cho mượn dân đã đóng mấy cái cọc tre để làm mốc, sau khi nhận lại chỗ nào bị sạt lở be lại một chút là xong.
Lũ trâu vầy bùn trên cánh đồng bỏ hoang ở xã Phù Ninh. |
Ngoài Phù Ninh, bỏ vụ mùa còn xảy ra nhiều ở các xã Phú Lộc, Phú Nham…trong đó có những nơi 100% diện tích. Bởi thế, trước mỗi mùa vụ, Huyện ủy đều phải ra nghị quyết chỉ đạo chống bỏ nhưng cũng khó vì xu thế giống như một bánh xe lịch sử đang quay nhanh. Hơn thế, theo quy định về điều kiện để hỗ trợ vật tư, giống phải là phải liền vùng, liền khoảnh có diện tích từ 10 ha mà ruộng hoang thì bà con toàn bỏ kiểu xôi đỗ, chẳng ai thèm nhận cấy.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Phù Ninh, anh Hán Trung Kết cho hay, kế hoạch vụ này huyện cấy 1.175 ha nhưng mới thực hiện được khoảng 800 ha, bỏ chừng 30%.
Diện tích 30% này cũng không hẳn bỏ hết mà một số được tận dụng để làm lúa tái sinh theo công thức: Gặt lúa bằng tay để tránh nát gốc rạ, quãi 5-7 kg NPK, 2-3 kg đạm rồi cắm cái biển cấm thả trâu bò, đợi 30 ngày sau thu hoạch lúa tái sinh (lúa chét). Với năng suất chừng 50 kg/sào nhân với giá 6.000đ/kg (do tỷ lệ hao hụt cao nên lúa tái sinh có giá bán rẻ hơn lúa cấy-PV) được 300.000đ, trừ chi phí phân mất 40.000đ, gặt mất 1 công 160.000đ, còn lãi được 100.000đ.
Trong khi đó nếu cấy lúa mùa, cày bừa mất 200.000đ, giống 30.000đ, cấy 300.000đ, phân 100.000đ, thuốc 100.000đ, công phun 4-5 lần 100.000đ, thu hoạch 300.000đ… Phần thu được 1,7-1,8 tạ/sào nhân với giá 7.000đ/kg được khoảng 1,25 triệu, sẽ là lỗ nếu phải đi thuê nhiều công đoạn.
3-4 năm về trước, khi tình trạng bỏ ruộng hoang bắt đầu loang ra, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ thành lập đoàn công tác đi các huyện để rà soát, có biện pháp kìm chế. Nhưng chỉ hãm được tốc độ của “đoàn tàu” bỏ ruộng một chút rồi lại lao dốc tiếp.
Lúc đầu diện tích bỏ vụ mùa vào khoảng 1.000 ha, chủ yếu thuộc các chân đất xấu, trũng cấy lúa bấp bênh, cao quá nước lúc có lúc không hoặc xen kẹt ven đồi, chuột bọ nhiều khi hay quấy phá.
Giờ thì ngay cả những chỗ dễ làm, đất tốt dân cũng bắt đầu bỏ. Theo kế hoạch vụ này tỉnh cấy 29.500 ha nhưng ước chỉ đạt khoảng 28.000 ha, để không chừng trên dưới 1.500 ha trong đó những huyện, thị bỏ nhiều gồm Thị xã Phú thọ, Thanh Thủy, Phù Ninh…, không ít diện tích đã bỏ liền hai, ba vụ.
Một cán bộ nông nghiệp của tỉnh này phân tích với tôi rằng: Chỉ đạo chống bỏ ruộng bằng mệnh lệnh hành chính là rất khó vì ruộng đã giao cho dân rồi, không còn như thời hợp tác xã.
Chuyện bỏ ruộng có hai mặt. Mặt tích cực là chứng tỏ dân đã có tư duy kinh tế, tính đến yếu tố hiệu quả của sản xuất chứ không còn cấy bằng mọi giá, nó thúc đẩy cho việc phải thay đổi cơ cấu cây trồng. Không chỉ có thế, bỏ ruộng theo vụ (chủ yếu là vụ mùa) còn cắt đứt quá trình sinh trưởng của sâu bệnh, lượng thóc thu từ lúa chét (lúa tái sinh) có khi còn lãi hơn là cấy tiếp vụ mùa. Còn mặt tiêu cực là dân bỏ nhưng không trả lại đất, không cho mượn, không cho thuê, không muốn bán nên những người có tâm huyết không có cơ hội mà tích tụ. Hệ thống thủy lợi bị bỏ lãng phí cả vụ mùa lẫn vụ đông.
Thêm vào đó ruộng hoang là nơi chứa chấp chuột để chúng tràn sang các thưa ruộng giáp ranh còn cấy để cắn phá. Tình trạng dân tự phát bỏ ruộng đã phá vỡ quy hoạch sản xuất lúa của cả tỉnh bởi theo dự kiến năm 2020 diện tích lúa hai vụ của Phú Thọ khoảng 65-66.000 ha nhưng hiện nay đã ở mức dưới ngưỡng và còn bỏ xa trong tương lai.
Ngày 18/6/2019 UBND tỉnh Phú Thọ ra văn bản số 2671 trong đó ghi rõ: “Trong nhiều năm qua, vụ mùa, vụ đông là các vụ sản xuất quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao… Tuy nhiên trong 2-3 năm trở lại đây tình trạng người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, diện tích cây vụ đông có xu hướng ngày càng giảm nguyên nhân do sản xuất vụ mùa nhiều sâu bệnh, hiệu quả không cao, sản xuất vụ đông nhỏ lẻ, tích tụ đất đai khó… Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông và cả năm 2019, bù đắp cho ngành chăn nuôi đang bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi… Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN và PTNT, thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo…”. |
---------
Đón đọc kỳ tới: Xã có 155 lá đơn xin trả lại ruộng.