| Hotline: 0983.970.780

Hạn chế diệt chuột bằng bẫy điện

Thứ Bảy 10/08/2019 , 09:09 (GMT+7)

Chi cục Trồng trọt và BVTV Thừa Thiên-Huế đang triển khai tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp diệt chuột hiệu quả, an toàn, tuyệt đối không sử dụng bẫy điện gây nguy hiểm tính mạng...

Ông Trần Văn Sang ở xã Quảng Phước, Quảng Điền than thở, mặc dù đã qua 2/3 mùa vụ nhưng tình trạng chuột phá hoại lúa vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều cánh đồng. Người dân triển khai nhiều biện pháp như săn bẫy, đào hang để bắt... nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Diệt chuột bằng nhiều loại bẫy.

Trước tình hình chuột sinh sản rất nhanh, có khả năng phá hoại trên diện rộng, trong khi chưa có biện pháp nào tiêu diệt triệt để, nhiều người đã sử dụng bộ kích điện diệt chuột gây nguy hiểm đến tính mạng, không chỉ chính bản thân mà còn cả nhiều người khi ra đồng ruộng. Nhiều năm trước cũng đã từng xảy ra tình trạng chết người do bẫy chuột bằng điện.

Mới đây là trường hợp ông Nguyễn Ph. ở thôn Thủ Lễ, xã Quảng Phước bị điện giật chết tại chỗ. Ông Ph. sử dụng dây thép cỡ nhỏ (cỡ bằng dây đàn) giăng quanh bờ ruộng bắt đầu từ chiều tối, rồi đấu nối với bộ kích điện tăng hiệu điện thế lên 500V. Sáng sớm hôm sau đến kiểm tra đồng ruộng, do quên tắt bộ kích điện nên nạn nhân bị điện giật chết.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phước, bà Nguyễn Thị Hiền thông tin, thường bắt đầu vào mùa vụ hằng năm, chính quyền địa phương đều tăng cường các biện pháp tuyên truyền các biện pháp diệt chuột, tuyệt đối không diệt bằng bẫy điện. Tuy nhiên một bộ phận nông dân không chấp hành, vẫn lén lút sử dụng bộ kích điện 500V để diệt chuột gây nguy hiểm đến tính mạng.

Từ khi xảy ra vụ chết người đến nay, chính quyền địa phương cử cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm; đồng thời hướng dẫn biện pháp săn bẫy, đào hang... bắt chuột.

Dùng nilon che chắn ruộng bảo vệ lúa.

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng TT-BVTV đánh giá, mặc dù đã có nhiều đợt tuyên truyền, vận động đến từng địa phương, hộ gia đình nhưng ý thức chấp hành của một bộ phận người dân vẫn còn rất thấp. Họ bất chấp nguy hiểm, đánh liều tính mạng khi sử dụng bộ kích điện công suất lớn để bẫy chuột.

Trong khi đó, một số hộ đã sử dụng phương pháp diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt rất hiệu quả. Trước đây, loại bẫy này chỉ ứng dụng tại các HTXNN: Đông Phước (xã Quảng Phước), HTX Phú Hòa (xã Quảng Phú) và HTX Đông Phú (xã Quảng An)… với 3.000 chiếc do Dự án Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền hỗ trợ. Đến nay bẫy bán nguyệt đã được người dân đầu tư mua sắm, nhân rộng với hàng chục ngàn cái.

Ông Nguyễn Thanh Sang ở xã Quảng Phú chia sẻ, để diệt chuột có hiệu quả, đòi hỏi người dân phải nắm bắt quy luật sinh tồn và phát triển của chuột, phải đặt bẫy diệt chuột trước và sau khi mới gieo sạ lúa, hoặc thời kỳ trước, trong và sau khi lúa làm đòng. Khi ruộng lúa bị chuột phá hoại, nên đặt bẫy giữa đồng ruộng, be bờ đất ở điểm lúa bị chuột cắn, đưa mồi nhử chuột vào bẫy để tiêu diệt.

Giai đoạn từ đầu vụ đến giữa vụ sản xuất lúa, áp dụng các biện pháp phòng trừ chuột trước thời kỳ làm đòng. Thời kỳ này biện pháp đào hang, bắt chuột có hiệu quả cao vì chuột cái đẻ, nuôi con. Tại những nơi bị chuột gây hại nặng có thể kết hợp sử dụng các biện pháp phòng trừ như hàng rào cản, bẫy sập, bẫy hom, đánh bả bằng thuốc sinh học và hóa học...

Ông Hồ Đắc Thọ khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi, nhất là các khu vực gò cao, đất hoang để hạn chế nơi ẩn náu và sinh sản của chuột. Sử dụng các loại bẫy kẹp vạn năng, bẫy sập, bẫy hom, bẫy dính để tiêu diệt chuột… Bẫy mồi nên đặt trước khi mặt trời lặn và thu bẫy vào buổi sáng sớm hôm sau.

Những ruộng gần khu dân cư, gần đường, gần khu nghĩa trang... thường xuyên bị chuột gây hại nặng nên quây rào nilon xung quanh kết hợp để rọ bắt chuột. Sử dụng các loại bẫy cặp, bẫy lồng, bẫy dính, bẫy ống... và chọn các loại mồi thích hợp như khoai lang, sắn tươi, ngô, cá... để nhử chuột.

Có thể sử dụng chế phẩm sinh học (Biorat, bả diệt chuột sinh học của Viện BVTV) được bán tại nhiều quầy, đại lý thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh để diệt chuột. Thuốc có tác dụng gây bệnh và lây bệnh trong đàn chuột nên hiệu quả cao và an toàn cho môi trường.

Riêng đối với phương pháp hóa học, cần lưu ý sử dụng các loại thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường. Chỉ sử dụng thuốc hóa học khi chuột phá hoại mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt, an toàn.

Khi diệt chuột bằng mồi, bả thì tỷ lệ trộn thuốc với mồi, lượng sử dụng trên đơn vị diện tích theo hướng dẫn của từng loại bả, thuốc và được chia thành những phần nhỏ; đặt liên tục trong 3-4 đêm, tập trung tại cửa hang, bờ đê, bờ mương lớn, nơi chuột thường qua lại, phá hoại...

  • Tags:
Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.