| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp giúp hàng vạn dân Bình Thuận 'hết khát'

Thứ Ba 14/04/2020 , 09:06 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài từ tháng 11/2019 đến nay đã khiến các hồ chứa thủy lợi ở tỉnh Bình Thuận cạn kiệt, trơ đáy. Hàng chục ngàn hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt.

Hồ chứa nước Ba Bàu, huyện Hàm Thuận Nam, cạn kiệt.

Hồ chứa nước Ba Bàu, huyện Hàm Thuận Nam, cạn kiệt.

Trước tình hình trên, BCH Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận đã có tờ trình lên UBND tỉnh, để ra quyết định ban hành tình huống khẩn cấp do hạn hán, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn.

Hơn 25.000 hộ thiếu nước sinh hoạt

Theo BCH Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận, mùa mưa năm 2019 ở Bình Thuận kết thúc sớm trong tháng 11/2019, và từ đó đến nay trên địa bàn hầu như không có mưa, nắng nóng kéo dài.

Thêm vào đó, theo nhận định của Đài khí tượng Thủy văn Bình Thuận, những tháng nửa đầu năm 2020, hiện tượng ENSO ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020.

Như vậy mùa khô ở Bình Thuận sẽ kéo dài đến giữa tháng 5/2020, lượng nước trên các sông suối của tỉnh trong tháng 4 và tháng 5/2020 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-70%. Do đó, tình trạng khô hạn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt sẽ diễn ra gay gắt.

Đồng thời nắng nóng xuất hiện trong tháng 4, 5 với nhiệt độ tối cao, tuyệt đối dao động từ 35-36 độ C. Tình hình xâm nhập mặn ở vùng ven biển và cửa sông có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Vụ ĐX 2019-2020 vừa qua, toàn tỉnh cắt giảm gần 15.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện tại các sông, suối cạn khô, các giếng khoan nhiều nơi cũng cạn nước. Trong đó, đáng chú ý một số giếng khu vực Hàm Tân, Tánh Linh và Đức Linh chỉ khai thác đến hết tháng 2/2020 là cạn hết nước.

Bên cạnh đó, các hồ chứa nước thủy lợi như Ba Bàu, Tân Lập, Tà Mon, Đá Bạc, Trà Tân, Núi Đất…cũng cạn khô, chỉ còn ít nước. Tính đến ngày 11/4/2020, lượng nước hữu ích còn lại ở tất cả các hồ chứa thủy lợi là 32,8 triệu m3, đạt 12,6% dung tích hữu ích thiết kế, thấp hơn so với trung bình những năm trước.

Đặc biệt hồ thủy điện Đại Ninh phát điện kết hợp điều tiết nước cho khu vực phía bắc tỉnh Bình Thuận chỉ còn 33,3 triệu m3, đạt 13,23% dung tích thiết kế. Hiện nay hạn hán gây tình trạng thiếu nước sinh hoạt gay gắt, trầm trọng tại tất cả các huyện, TX, TP của Ninh Thuận.

Tính đến 31/3, số hộ dân thiếu nước hoạt là khoảng 25.126 hộ, với 92.824 khẩu. Trong đó, huyện Bắc Bình gần 10.000 hộ, 44.174 khẩu; Hàm Tân 8.453 hộ, 21.802 khẩu; Đức Linh 7.050 hộ, 16.990 khẩu; Hàm Thuận Nam 2.658 hộ, 10.632 khẩu; Hàm Thuận Bắc 2.483 hộ, 10.398 khẩu; Phú Quý 1.000 hộ, 4.200 khẩu; Tánh Linh 40 hộ, 200 khẩu.

Riêng huyện Tuy Phong và TX La Gi đang tổng hợp báo cáo về tình hình thiếu nước sinh hoạt.

Hồ cấp nước sinh hoạt suối Hoai, huyện Hàm Tân cạn kiệt, trơ ống nước.

Hồ cấp nước sinh hoạt suối Hoai, huyện Hàm Tân cạn kiệt, trơ ống nước.

Ông Nguyễn Hữu Phước, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết, từ ngày 27/2 đến 31/3, Sở NN-PTNT chủ trì, cùng Văn phòng BCH Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn, Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cùng các địa phương kiểm tra thực tế nhận thấy, tình hình khô hạn, thiếu nước sinh hoạt rất nghiêm trọng. Nếu trong tháng 4 và 5/2020 vẫn không có mưa thì mức độ sẽ căng thẳng hơn.

Bởi các nhà máy nước do Trung tâm và Vệ sinh môi trường nông thôn phụ trách, sử dụng nước trên suối, hồ chứa nhỏ và đặc biệt là giếng khoan đã cạn kiệt, có nơi nhiễm mặn, công suất chạy máy không cung cấp đủ cho người dân, trường học, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

Do đó, hiện một số địa phương như xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình; xã Tân Đức (Hàm Tân); xã Thuận Hòa, xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết)... người dân phải tự đi chở nước hoặc mua nước với giá cao từ 80-120 ngàn đồng/m3 về dùng cho sinh hoạt ăn, uống và gia súc.

Giải pháp nào hết khát?

Trước tình hình trên, theo ông Phước, giải pháp trước mắt các địa phương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng là kiểm tra, rà soát các khu vực thiếu nước sinh hoạt, nhất là các khu vực người dân sử dụng nước ngầm, nước giếng bị khô cạn cũng như dùng nước từ các nhà máy.

Từ đó có giải pháp hỗ trợ người dân, ưu tiên lập danh sách các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn đang thiếu nước sinh hoạt phải đi mua nước. Riêng các hộ thiếu nước cục bộ thì vận động chia sẻ, lấy nước từ hộ xung quanh khắc phục khó khăn tạm thời.

Khai thông dòng chảy tại hồ chứa nước Ba Bàu, để tận dùng nguồn nước còn ít ỏi.

Khai thông dòng chảy tại hồ chứa nước Ba Bàu, để tận dùng nguồn nước còn ít ỏi.

Sở NN- PTNT cùng các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, địa phương cân đối, quản lý chặt chẽ lượng nước hiện có ở các hồ chứa thủy lợi, lên phương án bơm khai thác dung tích dưới mực nước chết, ưu tiên trước hết cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi. Sau đó cấp nước cho các diện tích cây trồng lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vượt qua mùa hạn.

Các địa phương phối hợp với Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh, điều tiết nguồn nước hợp lý, tiếp nước về hồ chứa, các khu vực có nhà máy nước.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, các đơn vị cấp nước tiến hành mở mới các đường ống nước chuyển nước cho những khu vực thiếu nước, để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhu cầu thiết yếu của người dân.

Về giải pháp căn cơ, lâu dài, Văn phòng BCH Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận đã có tờ trình lên UBND tỉnh, để ban hành tình huống khẩn cấp do hạn hán, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn. Khi đó, tỉnh sẽ cho triển khai ngay các công trình tạm để tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất như đào ao, xây bể, nạo vét kênh mương, xây dựng trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm