| Hotline: 0983.970.780

Hàng hóa có thương hiệu sẽ phát triển bền vững ở EU

Thứ Sáu 25/11/2022 , 19:44 (GMT+7)

Dù gia tăng hợp tác và giá trị xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước thiếu chủ động trong xây dựng thương hiệu khi đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị ở thị trường EU.

Toàn cảnh Tọa đàm Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA.

Toàn cảnh Tọa đàm Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA.

Sau hơn 2 năm EVFTA có hiệu lực, Bộ Công thương đánh giá, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng “đường cao tốc” này để gia tăng hợp tác và giá trị xuất khẩu thị trường EU. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu sang EU mang thương hiệu Việt Nam còn khá khiêm tốn, mà mang thương hiệu nước ngoài.

Tại tọa đàm do Tạp chí Công thương tổ chức ngày 25/11, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại nhận xét, nếu sản phẩm có thương hiệu tại thị trường EU, doanh nghiệp không những phát triển bền vững ở châu Âu mà còn có cơ hội lan tỏa thương hiệu, sản phẩm sang nhiều thị trường khác.

"Bên cạnh các phiên tư vấn thị trường, Cục Xúc tiến thương mại còn ưu tiên các hoạt động nâng tầm nhận thức cho doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại thị trường EU", bà Thủy nói.

Trong khoảng hai năm bị Covid-19 ảnh hưởng, Cục Xúc tiến thương mại còn đẩy mạnh kết nối giao thương trực tuyến với các thị trường EVFTA. Bà Thủy tin rằng, thông qua xây dựng lòng tin với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng EU, nâng tầm được thương hiệu, doanh nghiệp đủ khả năng đạt năng lực cạnh tranh lâu bền tại lục địa già.

Cùng với Singapore, Việt Nam là hai nước Đông Nam Á ký được FTA với châu Âu. "Đấy là một lợi thế mà doanh nghiệp, sản phẩm cũng như thương hiệu Việt Nam cần tận dụng triệt để", Phó Giám đốc Thủy nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại phát biểu.

Làm rõ hơn thông tin về các thị trường cụ thể, ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp tiết lộ, ngoài lợi ích về thuế quan, EVFTA đã tạo ra một tiếng vang tại nước Pháp. Các nhà nhập khẩu, đối tác quốc tế ở đây đều có xu hướng quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.

"Riêng chỉ bằng cam kết của Chính phủ khi tham gia vào EVFTA đã là một sự kiến rất lớn, thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân", ông Sơn bày tỏ. 

EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, thời điểm Covid-19 đang bùng phát ở châu Âu, trong đó có Pháp. Dù vậy, ngay trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã phục hồi gần như 100% so với trước khi đại dịch xảy ra (năm 2019). Đến 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,29 tỷ euro sang Pháp, tăng 16% so với 2021 và tăng 20% so với 2020. Dự kiến trong năm 2022 ,Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt mốc xuất khẩu sang Pháp trên 6 tỷ euro và lọt tốp 20 nhà cung cấp hàng hóa cho Pháp.

Việt Nam có hai nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Pháp, đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ euro, đó là giày dép và thiết bị viễn thông, sau đó là dệt may, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, đồ nội thất, thủy sản và các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa.

Riêng về nông sản, Việt Nam mới chiếm thị phần khiêm tốn trong năm 2021. Chỉ 1/10 trong số 500 mặt hàng xuất khẩu vào Pháp là nông sản, với giá trị 276 triệu euro (chiếm khoảng 5% tổng giá trị xuất khẩu). Những mặt hàng nông sản thế mạnh gồm hạt điều, cà phê, tôm, các loại trái cây, cá phi lê và gạo.

"Những mặt hàng tưởng chừng như thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thực phẩm vẫn chưa có nhiều tại Pháp. Rõ ràng, chúng ta còn nhiều tiềm năng, dư địa để khai thác", ông Sơn nhận định.

Các khách mời trao đổi nhiều nội dung về chuyện phát triển thương hiệu ở thị trường EU.

Các khách mời trao đổi nhiều nội dung về chuyện phát triển thương hiệu ở thị trường EU.

Đạt được những bước tăng trưởng về số lượng, nhưng doanh nghiệp Việt Nam hiện thiếu chủ động  xây dựng thương hiệu, theo ông Vũ Anh Sơn. Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp chỉ ra vấn đề nằm ở năng lực thực thi. Ông nhận xét, chỉ một số ít doanh nghiệp có đầy đủ thông tin thị trường, phát triển chuỗi cung ứng, liên kết đối tác mới có thể tiếp cận vào các hệ thống siêu thị.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định số lượng các thương hiệu Việt Nam tại EU không tương xứng tiềm năng. Cụ thể, Việt Nam đã bảo hộ được 120 chỉ dẫn địa lý sản phẩm nhưng mới có 39 chỉ dẫn địa lý được được bảo hộ tại EU.

Để khai thác EVFTA một cách hiệu quả, bà Thủy khuyến cáo doanh nghiệp nghiên cứu thật kỹ về thị trường EU, bao gồm nhu cầu, thị hiếu, quy định về tiêu chuẩn chất lượng, tem mác. "Sản phẩm bán tại EU phải hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng tại đây nhưng cũng phải giữ được phong vị Việt Nam, lấy đó làm lợi thế cạnh tranh", bà đưa ra lời khuyên.

Trước mắt, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu nhắc doanh nghiệp có thể phát triển giao thương thông qua tìm những người uy tín ở thị trường EU để giúp lan tỏa thông tin, hoặc sử dụng mạng xã hội để quảng bá.

Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam nêu thực tế, là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang châu Âu và đóng thành gói 10kg, 20kg, thậm chí là 50kg. Tuy nhiên, với người Đức hay người châu Âu, gạo không phải thực phẩm ăn thường xuyên. Do đó, họ sẽ dễ mua những gói nhỏ, khoảng 2kg hoặc 5kg hơn.

Một yếu tố nữa, là Đức rất quan tâm đến các vấn đề liên quan tới môi trường, an sinh xã hội của hàng hóa xuất khẩu. Do vậy, bà Trang cho rằng Chính phủ cần có nhiều hơn những chương trình đào tạo về nguồn nhân lực, đào tạo nghề để hỗ trợ doanh nghiệp có những người đủ tốt, đủ giỏi để sản xuất đáp ứng được đầy đủ những tiêu chuẩn mà EU mong muốn.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.