Tại Hội nghị phổ biến các tiêu chuẩn quy định và thực thi cam kết về SPS trong EVFTA, TS. Lê Thanh Hoà, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Bộ NN-PTNT đã sớm ban hành kế hoạch thực hiện các cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực hồi tháng 8/2020.
"Các nhóm hoạt động chính được quan tâm là công tác tuyên truyền phổ biến, cập nhật thông tin về SPS trong EVFTA. Đồng thời, công tác rà soát cơ chế chính sách và tăng cường quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của EU cũng cần được coi trọng", ông Hòa nói.
Là một thị trường được đánh giá là khó tính, EU đặc biệt lưu ý đến những quy định về nguy cơ nhiễm vi sinh vật, hóa chất đối với rau, quả xuất khẩu vào EU; rủi ro mất an toàn thực phẩm thủy sản liên quan đến dư lượng các hóa chất kháng sinh cấm, thuốc diệt ký sinh trùng, dư lượng độc tố thủy sản, kim loại nặng, phụ gia chế biến thủy sản, nhiễm vi sinh vật…
Đối với các nhà sản xuất, chế biến xuất khẩu, EU yêu cầu doanh nghiệp cần đạt một số hệ thống chứng nhận an toàn thực phẩm như ISO 22000 hay HACCP; tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm (TCCS), kiểm tra giám sát chất lượng, quy chế truy xuất nguồn gốc từ nguyên liệu – thành phẩm – phân phối, triệu hồi sản phẩm…
Trên cơ sở đó, Giám đốc Lê Thanh Hòa khuyến nghị doanh nghiệp trong nước cần đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người sản xuất và chế biến. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư xây dựng vùng trồng hay hợp tác với người sản xuất thiết lập các quy trình sản xuất đảm bảo đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm; có kế hoạch giám sát các mối nguy trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là mối nguy về vi sinh vật và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
"Các chương trình giám sát không chỉ riêng đối với việc sản xuất, chế biến sản phẩm mà còn là cả các vấn đề lao động, môi trường. Trong tương lai, các thị trường khác nhiều khả năng sẽ đưa ra những yêu cầu tương tự như EU. Do đó, việc sớm đáp ứng các quy định này sẽ giúp hàng hóa của doanh nghiệp có thể xuất khẩu đến bất cứ thị trường nào trên thế giới”, ông Hòa nhấn mạnh.
Qua 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt khoảng 83 tỷ USD, mức tăng trưởng xấp xỉ 15%. Riêng năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam - EU đạt hơn 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 40 tỷ USD, tăng 14,2% và tiếp tục xuất siêu sang EU khoảng 23,2 tỷ USD. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 3,2 tỷ USD, tăng 11,1% so cùng kỳ 2020.
Song song với đó, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tới các xu hướng tiêu dùng mới liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường… để có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, đáp ứng các xu hướng này.
EVFTA giúp đưa hầu hết các loại thuế về mức 0%, nhưng đồng thời rào cản kỹ thuật sẽ được phía EU ngày một nâng cao. Để đáp ứng được trước tình hình mới, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị doanh nghiệp củng cố, xây dựng nhiều kênh trao đổi thông tin quy định về an toàn thực phẩm của thị trường giữa cơ quan quản lý và nhà sản xuất, xuất khẩu.
Đây chính là cơ sở để công tác xử lý kiểm dịch cho từng loại sản phẩm rau quả xuất khẩu đáp ứng đúng, đủ quy định của các thị trường.