Phải di dời khi du lịch chớm khởi sắc
Hàng loạt chủ nhà hàng nổi tại Cát Bà đã gửi đơn phản ánh với Báo Nông nghiệp Việt Nam kêu cứu việc ‘bất ngờ’ bị UBND huyện Cát Hải yêu cầu di dời khỏi vị trí neo đậu, kinh doanh ổn định từ cả chục năm nay sang vị trí mới vào đúng cao điểm du lịch 30/4 và 1/5.
Thông báo do ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải ký ngày 5/4/2022, được gửi đến các hộ dân cùng giấy mời về cuộc làm việc với 14 chủ bè dịch vụ tại trung tâm thị trấn Cát Bà.
Đây là thời điểm du lịch tại Cát Bà đang chớm khởi sắc sau 2 năm tê liệt vì dịch Covid-19 khiến các chủ nhà hàng hoang mang, lo lắng.
Các chủ nhà hàng khẳng định, thông báo là bất ngờ, khó hiểu, còn việc di dời khiến doanh nghiệp lao đao và đứng trước nguy cơ dừng hoạt động do di điểm neo đậu mới được bố trí nằm tại khu vực đối diện bến Cái Bèo có nhiều bất cập, không đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả kinh doanh.
Ông Bùi Đăng Dư, chủ nhà hàng nổi Lan Hạ, buồn bã: “Chúng tôi vừa trải qua hơn 2 năm khốn khó vì đại dịch Covid-19, gia đình tôi phải vay ngân hàng để trang trải qua ngày, khi hoạt động du lịch vừa mới chớm khởi sắc, vẫn còn chưa kịp hồi phục thì đã bị yêu cầu di dời sang nơi mới, gây khó khăn rất lớn cho việc kinh doanh”.
Còn ông Nguyễn Quốc Dũng, chủ nhà hàng nổi Cát Tiên thì ngậm ngùi: “Thời điểm này đang là lúc Cát Bà đông khách nhất nên chính quyền cần phải xem xét lại thời điểm di dời phù hợp và tìm địa điểm an toàn, thuận tiện cho việc đi lại của du khách”.
Đồng tình với ý kiến của ông Dư, ông Dũng, chủ các nhà hàng nối khác như: Nhật Anh, Tuyền Béo, Biển Xanh, Trang Nhung, Quang Anh,… cũng cho rằng quyết định di dời các nhà hàng nổi đúng dịp cao điểm du lịch là khó hiểu, chưa thấu tình, đạt lý.
Vị trí neo đậu mới không đảm bảo, không an toàn, là khu vực nằm sát cửa biển, gió Nam thường xuyên thổi vào khiến các nhà hàng nổi khó có thể chống chịu.
Hơn nữa, vị trí neo đậu mới thì du khách muốn qua nhà hàng để ăn uống sẽ phải đi tàu với chi phí phát sinh cho việc di chuyển “khứ hồi” là khoảng 40.000 đồng/người, giá này sẽ gây phiền hà cho khách hàng.
“Nhà hàng nổi của tôi được thiết kế để neo đậu tại khu vực vịnh kín gió chứ ra vị trí mới chắc chắn sẽ không thể chống đỡ được sóng gió ở đây. Còn trong trường hợp huyện muốn xóa bỏ hẳn các nhà hàng nổi thì cần có hỗ trợ thỏa đáng cho người dân chúng tôi”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại địa điểm khu vực neo đậu mới ở bến Cái Bèo đã có 6 nhà hàng nổi thực hiện di dời theo thông báo của UBND huyện Cát Hải, các nhà hàng đều đìu hiu.
Với những nhà hàng đã lắp đặt, sửa soạn xong xuôi nhưng không thấy khách khứa, còn những nhà hàng còn ngổn ngang thì không thấy có dấu hiệu tất bật hoàn thiện để phục vụ khách dịp cao điểm du lịch sắp diễn ra.
Bà Ngô Thị Thu Hiền, chủ nhà hàng nổi Tuyến Béo khẳng định, gia đình bà đã chuyển sang khu vực neo mới được 1 tuần nhưng đã xuất hiện rất nhiều bất cập, khách đi từ bờ ra nhà hàng xa, chi phí lớn.
Khi ra khu vực neo đậu mới, các nhà hàng nổi không được sử dụng điện nhà nước mà phải mua điện kinh doanh của doanh nghiệp với giá cao gấp đôi so với giá nhà nước.
Khu vực này gần cơ sở chế biến sứa, ô nhiễm, nhiều rĩn, thủy sản tươi sống để phục vụ khách bị chết nhiều. Mặt khác, đây là luồng lạch giao thông đường thủy nên khi nước cạn dây neo của nhà hàng sẽ bị tàu va đứt, không an toàn.
“Tôi hoạt động được 13 năm rồi, giờ ra đây không còn khách, tôi không muốn kinh doanh nữa nhưng cũng không thể bỏ cả đống của được, giờ không biết làm thế nào”, bà Hiền buồn bã.
Chính quyền né tránh?
Tiếp tục phản ánh với PV, các chủ nhà hàng nổi cho rằng ngoài việc thông báo bất ngờ, địa điểm kinh doanh mới không đảm bảo thì việc chính quyền huyện Cát Hải ứng xử với những kiến nghị của người dân là chậm, ‘né tránh’.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, chủ nhà hàng nổi Mai Hoa cho biết, ngày mùng 4/4, gia đình bà nhận được giấy mời với thông tìn là mùng 5/4 họp các khối bè và trong kèm theo giấy báo mời họp và thông báo di dời các nhà hàng nổi luôn, thời hạn muộn nhất là 1/5.
Quyết định này là gấp và nhanh quá, bản thân các hộ kinh doanh bè nổi đều bàng hoàng, chưa biết xử lý như thế nào do 2 năm qua dịch giã, mọi hoạt động gần như tê liệt.
Cũng theo bà Hoa, huyện Cát Hải đưa ra thông báo mà không tổ chức họp dân để các hộ kinh doanh được đưa ra những khúc mắc, ý kiến.
Do đó, sau khi thấy địa điểm mới kinh doanh không được, các hộ dân đã làm đơn kiến nghị huyện trả lời, giải quyết nguyện vọng chính đáng nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Trong khi đó, chủ bè Trang Nhung thì khẳng định “địa điểm mới là chỗ không an toàn, sóng gió, chúng tôi có 3 lá đơn đề nghị nhưng chưa có phản hồi. Trong khi vẫn chưa đến 1/5 nhưng ngày 26/4, đã người gọi điện thông báo “rào lan can xuống bè và sẽ không cho tàu đón khách ra nhà hàng”.
Về vấn đề này, thông tin từ UBND huyện Cát Hải lại cho biết, việc di chuyển 14 bè kinh doanh dịch vụ tại khu vực vịnh trung tâm Cát Bà là hoàn toàn có căn cứ theo các văn bản của Trung ương và TP Hải Phòng.
Các nhà hàng bè nổi được di dời từ vịnh trung tâm thị trấn Cát Bà đến vị trí neo đậu tại khu vực Bến Bèo, do vậy không thực hiện bồi thường và không đủ căn cứ để bồi thường theo quy định nhưng chính quyền địa phương có hỗ trợ 6 nội dung.
Việc bố trí các nhà hàng bè nổi tại vị trí khu vực Bến Bèo đảm bảo đủ khoảng cách an toàn với hành lang luồng đường thủy nội địa. Hơn nữa, chính quyền địa phương đề nghị các cơ quan chức năng dừng hoạt động của tuyến này vì hiện nay đã di chuyển tất cả số tàu, thuyền khai thác thủy sản thường di chuyển qua tuyến này về cảng dịch vụ hậu cần tại xã Trân Châu.
Các hộ di chuyển địa điểm kinh doanh sang vị trí mới, bước đầu ít nhiều cũng bị ảnh hưởng do du khách đã quen với các dịch vụ ở vịnh trung tâm Cát Bà. Song, thực tế hiện nay tại vịnh Cát Bà chỉ có 14 bè dịch vụ nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch, khi di chuyển sang vị trí mới các du khách có nhu cầu ăn uống trên các bè nổi sẽ có sự liên hệ và tìm đến cơ sở kinh doanh nhà hàng nổi để sử dụng dịch vụ.
Mặt khác, khu vực neo đậu mới gần với các tuyến tham quan du lịch trên vịnh, do đó sẽ thu hút du khách sau khi đi tham quan trên vịnh sẽ thuận tiện trong sử dụng dịch vụ trên các nhà hàng bè nổi.
UBND huyện Cát Hải khẳng định, các nhà hàng bè nổi sẽ không mất lợi thế kinh doanh, thậm chí sẽ có lượng khách hàng lớn hơn. Nếu các nhà hàng nổi có chiến lược kinh doanh đúng hướng cộng với vẻ đẹp của khu vực vịnh Lan Hạ, vịnh Bến Bèo thì vị trí mới sẽ là địa điểm kinh doanh thuận lợi và có sự phát triển.
Được biết, năm 2016, UBND huyện Cát Hải đã từng có thông báo về việc sắp xếp, bố trí vị trí neo đậu cho các hộ kinh doanh dịch vụ nhà hàng nổi, các nhà hàng đang ở khu vực cầu tàu Bến Bèo được yêu cầu chuyển về vịnh Cát Bà.
Ngày 30/8/2016, UBND huyện Cát Hải cũng đã phê duyệt vị trí neo đậu ở vịnh trung tâm thị trấn Cát Bà để làm điểm kinh doanh dịch vụ, đây cũng là các vị trí neo đậu hiện tại của các nhà hàng nổi nói trên.
Kể từ đó đến nay, các nhà hàng nổi đã tập trung đầu tư kinh doanh, thậm chí có nhà hàng đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng và hàng năm bỏ ra đến cả trăm triệu đồng để sửa chữa, gia cố lại cơ sở vật chất để phục vụ kinh doanh.
Do đó, thông báo đúng vào dịp cao điểm du lịch, sau 2 năm các nhà hàng ‘tê liệt’ vì dịch Covid-19 và những thắc mắc, tâm tư nguyện vọng chưa được giãi bày, phản hồi thỏa đáng đã khiến các hộ dân có phần bức xúc, lo lắng.