| Hotline: 0983.970.780

Hàng nghìn nông dân vùng sâu Tây Nguyên phấn khích giống lúa mới của ThaiBinh Seed

Thứ Năm 30/03/2023 , 17:38 (GMT+7)

GIA LAI Hàng nghìn nông dân các xã vùng sâu của huyện Ia Pa (Gia Lai) khi thăm quan đều trầm trồ, phấn khích khi chứng kiến những ruộng lúa giống mới vàng ươm, tốt bời bời...

Giống lúa mới thay đổi tập quán của bà con vùng sâu

Ngày 30/3, UBND huyện Ia Pa đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án hỗ trợ giống lúa mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất lúa nhằm nâng cao năng suất lúa tại các xã Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Broăi, Ia Tul (huyện Ia Pa).

Vụ đông xuân 2022 - 2023, UBND huyện Ia Pa đã hỗ trợ giống lúa mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lúa tại cánh đồng xã Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Broăi, Ia Tul. Tại đây, đã có 1.116 hộ sản xuất lúa nước tham gia thực hiện dự án trồng giống lúa TBR-1, LH12 trên diện tích 450ha.

2

Cánh đồng lúa vàng vươm với giống TBR-1. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo đó, ngân sách huyện hỗ trợ 100% tiền mua giống lúa (riêng xã Chư Mố, Ia Tul hỗ trợ 70%), tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, hội thảo tổng kết mô hình theo quy định, người dân thực hiện góp vốn đối ứng, phân bón, công lao động…

Tại hội thảo, nhiều người dân tỏ ra phấn khích với cánh đồng lúa vàng ươm, hạt trĩu nặng bao trùm trên một khoảng không gian rộng lớn. Ông Ksor Nai (thôn Ama Hlăk, xã Chư Mố) cho biết, sau khi được hỗ trợ giống lúa mới, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn bà con ngâm ủ, làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại ngay trên đồng ruộng. Bà con cũng đã triển khai các khâu ngâm ủ, gieo mạ, chăm sóc, bón phân, xử lý sâu bệnh, thu hoạch... theo đúng quy trình hướng dẫn của Phòng NN-PTNT huyện.

Với cách làm bài bản đó, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt hơn so với phương thức canh tác theo tập quán cũ. Cụ thể, ruộng mô hình giống lúa TBR-1 chống chịu thời tiết tốt hơn những ruộng bên cạnh không tham gia.

Đặc biệt, giống lúa mới do dự án hỗ trợ cho năng suất đạt 7 - 8 tấn/ha, lợi nhuận thu về khoảng 20 triệu đồng/ha. Trong khi các ruộng lúa khác chỉ đạt hơn 6 tấn/ha, lợi nhuận chỉ đạt hơn 10 triệu đồng.

3

Người dân phấn khích khi được chiêm ngưỡng giống lúa TBR-1. Ảnh: Tuấn Anh.

“So với tập quán canh tác thông thường, khi thực hiện theo quy trình tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất không khó lắm, nhưng đã tiết kiệm được giống, phân bón, thuốc BVTV, tăng được năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế”, ông Ksor Nai nói và cho biết, rất mong lãnh đạo UBND huyện Ia Pa tiếp tục duy trì, mở rộng dự án hỗ trợ giống lúa mới để nhiều hộ ở những vùng lân cận cùng thực hiện hiệu quả.

Ông Trần Đình Đức, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Pa cho biết, việc xây dựng dự án hỗ trợ giống lúa mới đã thay đổi được tập quán cũ bà con vẫn thường giao sạ rất dày với lượng giống lên tới 170 - 230kg/ha, nay chỉ còn 100 - 130kg/ha. Qua đó, bà con tiết kiệm được 70 - 100kg/ha lúa giống.

Bên cạnh đó, nhờ tuân thủ đúng quy trình sản xuất và phòng trừ sâu bệnh hại nên bà con cũng đã giảm lượng phân bón hóa học, giảm số lần phân thuốc BVTV, qua đó giảm được đáng kể chi phí trong phòng trừ sâu bệnh...

Mặt khác, việc ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên đồng ruộng đã hạn chế được tối đa các sâu bệnh gây hại. Một số sâu bệnh gây hại như đạo ôn, bệnh bạc trắng lá, khô đầu lá, lem lép hạt, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ… xuất hiện nhưng với mật độ, diện tích không đáng kể.

Ông Đức cũng cho biết, các hộ nông dân tham gia dự án đã đầu tư chăm sóc tốt, thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt các khâu trong quy trình kỹ thuật đề ra. Do đó, dự án có kết quả khá tốt, năng suất đạt bình quân 8 tấn/ha.

z4222820047959_d170c1d9b074c24a5b27d0489967c417

Người dân được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật. Ảnh: Tuấn Anh.

“Thông qua tập huấn lý thuyết và hướng dẫn trực tiếp trên đồng ruộng, bà con nông dân đã nhận thức đúng khi thực hiện dự án, gieo sạ giống lúa thuần, chất lượng cao. Ngoài ra, biết xác định cơ cấu giống theo mùa vụ, chân đất; lượng giống gieo sạ phù hợp, chú ý bón phân lót hữu cơ, phân lân và bón cân đối các loại phân, quản lý tốt sâu bệnh hại”, ông Trần Đình Đức chia sẻ.

Cần "mưa dầm thấm lâu"

Bên cạnh những kết quả đạt được khi trồng giống lúa mới và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, Phòng NN-PTNT huyện Ia Pa cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để dự án thành công. Cụ thể, diện tích hộ dân thực hiện dự án manh mún, nhỏ lẻ, có những hộ diện tích dưới 500m2. Cùng với đó, số lượng hộ tham gia tại 4 xã là rất lớn với 1.116 hộ, trong đó có 99,6% người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thăm đồng để kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa của một số hộ dân chưa được thường xuyên; việc đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển của cây lúa và ghi chép lại để theo dõi đang gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, một số hộ tham gia thực hiện dự án chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật như vẫn gieo sạ dày, chưa thực hiện tốt việc chăm sóc lúa. Một số hộ dân khi thực hiện dự án chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật như bón quá nhiều đạm, một số diện tích lúa ở xã Ia Tul giai đoạn đòng - trỗ gặp thời tiết se lạnh, gió to nên ảnh hưởng đến năng suất.

Ông Nay Phôn, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Mố cho biết, trước đây, bà con ở địa phương thường có thói quen gieo sạ với mật độ rất dày, dẫn đến lúa phát triển kém. Bên cạnh đó, người dân còn lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân không đúng quy trình kỹ thuật, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường mà năng suất lúa lại thấp. Tuy nhiên, từ khi có các dự án hỗ trợ về giống, kỹ thuật sản xuất đã phần nào giúp giảm đáng kể lượng giống gieo sạ.

4

Giống lúa mới đang thực sự phát huy hiệu quả nơi vùng sâu huyện Ia Pa. Ảnh: Tuấn Anh.

Từ ngày triển khai dự án, người dân phần nào cũng đã ý thức áp dụng kỹ thuật theo hướng dẫn của các cán bộ, gieo sạ với lượng giống hợp lý nên lúa không bị sâu bệnh hại, đỡ tốn tiền phân bón, giống, thuốc BVTV, qua đó giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân.

“Mong thời gian tới, bà con sẽ tiếp tục phát huy đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, đồng thời tuyên truyền cho các hộ dân lân cận để thay đổi phương thức sản xuất, giúp nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận”, ông Nay Phôn chia sẻ.

Trước những thành quả đã đạt được, ông Trần Đình Đức, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Pa cho biết sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ giống lúa mới trên địa bàn các xã trong huyện nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Mặt khác, ông Đức đề nghị UBND các xã triển khai dự án cần tăng cường công tác phối hợp và tuyên truyền ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giống mới trên quy mô rộng, thay vì manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.

Ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung-Tây Nguyên (Tập đoàn ThaiBinh Seed) cho biết: "Qua nhiều năm tìm hiểu ở khu vực Tây Nguyên, chúng tôi nhận thấy bà con thường sử dụng lượng giống gieo sạ rất lớn, tới trên 200kg/ha, đây là điều rất lãng phí. Thấy được vấn đề đó, được sự hỗ trợ của UBND huyện Ia Pa, chúng tôi đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất với lượng giống gieo sạ chỉ khoảng 100kg/ha và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Chúng tôi mong rằng, bà con sẽ tiếp cận, thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng phương thức sản xuất khoa học và giống lúa mới".

Theo ông Phú, giống lúa TBR-1 cũng đã có mặt ở huyện Ia Pa khoảng 4 năm và thích nghi rất tốt, cho năng suất cao. Trong những năm tới, Công ty sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành nông nghiệp của địa phương, chuyển giao thêm một số giống lúa mới, trong đó có giống TBR-97. Đây cũng là giống lúa mà UBND huyện Ia Pa đã thành công với thương hiệu gạo đạt chứng nhận OCOOP 3 sao.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.