Những ngày qua, người dân ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) liên tục phản ánh đến các cơ quan báo chí về việc bị một người phụ nữ ở cùng địa phương lừa nộp hàng chục triệu đến 100 triệu đồng/mỗi trường hợp với lời hứa đưa đi xuất khẩu lao động ngắn hạn qua Hàn Quốc. Đến nay đã có hơn 100 người dân đưa tiền cho đối tượng này nhưng sau thời gian dài không có kết quả, họ mới tá hỏa biết mình bị “sập bẫy”.
Theo lời kể của các nạn nhân, vào tháng 3/2023, người phụ nữ tên Trần Thị G. (quê ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An) đang đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, đăng tin trên mạng xã hội về nhu cầu giới thiệu đồng hương xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Công việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời hạn 6 tháng, với mức lương 25 - 30 triệu đồng/tháng.
Tin vào lời giới thiệu này, nhiều người dân sau đó đã liên hệ với Trần Thị G. để đăng ký. Sau đó, người phụ nữ này yêu cầu người dân liên hệ với Trần Thị T. (em gái của G.) ở thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An để nộp tiền và chờ làm thủ tục đi Hàn Quốc. Theo đó, mỗi suất đăng ký đi cần nộp trước cho T. số tiền 35 triệu đồng và khi có giấy tờ, visa sẽ đóng thêm 15 triệu nữa để mua vé máy bay, làm giấy khám sức khỏe và được cam kết xuất ngoại trong 2 - 3 tháng sau đó.
Chị Nguyễn Thị Chức (SN 1983, trú thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An), một trong những nạn nhân cho biết, trước đây, 2 vợ chồng chị vay mượn ngân hàng để đóng 1 con tàu đi biển. Nhưng sau một thời gian làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ, vợ chồng chị chị bị tịch thu tài sản thế chấp là ngôi nhà. Hiện, cả gia đình chị Chức đang phải ở tạm nhờ nhà người thân, đi làm thuê để kiếm sống qua ngày.
Đến khi nghe tin cần tuyển người qua Hàn Quốc làm việc, chị Chức không chút chần chừ rồi liên hệ đăng ký cho 2 vợ chồng cùng đi. Nhà không còn tiền, chị Chức chạy vạy, mượn người thân được 70 triệu nộp cho Trần Thị T. Một thời gian sau, phía bà Th. có chuyển cho chị Chức một mẫu giấy ghi tiếng nước ngoài và thúc giục thêm 30 triệu nữa để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị qua Hàn Quốc.
“Vì tin tưởng nên 2 vợ chồng tôi gom góp cho đủ tiền và hy vọng sẽ được đi trong tháng 5 hoặc tháng 6/2023. Thậm chí, tôi còn mua rất nhiều thực phẩm khô để đưa qua cho đến bây giờ vẫn dùng chưa hết. Dự định khi sang đó làm trả hết nợ xong tích cóp về quê mua lại cái nhà nhỏ để ở.
Ai ngờ đâu lại bị lừa như vậy, gần 1 năm trôi qua mà chưa đòi lại được số tiền đã đóng. Nợ càng thêm nợ. Giờ mới tá hỏa khi biết không chỉ tôi mà còn rất nhiều người khác cũng chung tình cảnh này. Một số người thậm chí còn vay nóng, lãi suất cao để đóng tiền, nay còng lưng trả cả lãi cả gốc”, chị Chức bức xúc nói.
Tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Thị Sau (SN 1984) và anh Trần Bôn (SN 1976, trú thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An) cũng đã đóng tổng cộng 95 triệu đồng cho Trần Thị T. với hy vọng sang Hàn Quốc làm việc với mức lương cao. Theo chị Sau, thời điểm đó, mặc dù còn thiếu 5 triệu đồng nhưng Trần Thị T. bảo tạo điều kiện cho mượn để được đi. Thế nhưng, chờ mãi không được đi, vợ chồng chị đã nhiều lần đến nhà người phụ nữ nói trên đòi lại tiền. Tuy nhiên, đến giờ chị Sau mới nhận lại được 25 triệu đồng, còn 70 triệu đồng không lấy được.
Những nạn nhân cũng chia sẻ, họ được hứa hẹn nộp tiền để làm Visa E8-2 (visa thời vụ ngắn hạn diện nông nghiệp tại Hàn Quốc). Để làm visa này, yêu cầu người có quốc tịch Hàn Quốc đứng ra bảo lãnh. Tin tưởng vì là chỗ quen biết, lại biết bà Trần Thị G. thực sự đang ở Hàn Quốc nên nhiều người chạy vạy vay mượn, bán cả nữ trang để gom tiền cho đủ.
Chờ quá lâu, những người đã chuyển tiền đến liên hệ đòi lại nhưng không được. Hiện giờ, họ cũng không biết là bà T. đi đâu vì không thấy có mặt ở địa phương. Qua tìm hiểu, đến nay đã có hơn 100 người bị “sập bẫy” lao động ngắn hạn ở Hàn Quốc với số tiền khoảng 4,5 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở 3 thôn gồm Tân Thạnh, Tân An, Tân Mỹ. Sau khi xảy ra sự việc, nhiều người làm đơn tố cáo gửi chính quyền và công an tỉnh, nhưng chưa có kết quả.
Liên quan đến vụ việc, bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An xác nhận, có sự việc người dân làm đơn tố cáo bị lừa tiền để đi sang Hàn Quốc lao động ngắn hạn. Thời điểm chính quyền tiếp nhận thông tin vào khoảng tháng 8/2023, nhưng do số người bị hại và số tiền quá lớn nên vụ việc được chuyển lên cơ quan điều tra công an tỉnh để thụ lý, làm rõ.
“Chính quyền xã đã tuyên truyền cho người dân rất nhiều lần về vấn đề xuất khẩu lao động. Thậm chí khi bà con làm thủ tục, tôi đã gặp gỡ tuyên truyền, nếu xuất khẩu lao động qua các kênh không có sự giám sát của cơ quan nhà nước thì rất dễ bị lừa đảo. Tuy nhiên, không rõ từ đâu mà bà con tin tưởng nguồn tin xuất khẩu lao động đó và không nghe theo lời khuyên. Sau này sự việc vỡ lở, bà con chuyển tiền cho cá nhân và không lấy lại được nên mới làm đơn gửi xuống xã. Địa phương đã kiến nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết, lấy lại tiền cho bà con.”, bà Công nói.