Động thái mới của phía Trung Quốc cũng châm ngòi cho một cuộc chiến mới trên mạng Twitter giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo giới chức ngành hàng hải Peru, trước đó hồi đầu tuần này đội tàu đánh cá Trung Quốc đã đánh bắt mực khổng lồ tại khu vực quần đảo Galapagos ở ngoài khơi Ecuador và đã bị lực lượng hải quân Peru phát hiện chỉ còn cách bờ biển nước này khoảng 370 km (230 dặm).
“Các máy bay của lực lượng hải quân của chúng tôi là ra tín hiệu cảnh báo không cho đoàn tàu đánh cá xâm phạm lãnh hải ngay từ khi chúng còn cách 200 dặm”, Bộ trưởng Quốc phòng Peru Jorge Chávez chi sẻ với báo giới.
Tư lệnh các hoạt động tuần duyên, Chuẩn Đô đốc Jorge Portocarrero cho biết, máy bay và một tàu tuần tra của nước này đã liên tục làm nhiệm vụ kể từ hôm Chủ nhật tuần trước nhằm theo dõi hành tung của đoàn tàu trên.
“Chúng không đi cùng nhau mà theo từng toán rải rác cũng không đi đến một nơi nào cụ thể”, ông Jorge Portocarrero nói và cho biết thêm có từ 250 đến 270 chiếc tàu, tuy nhiên "chúng tôi không có bằng chứng về việc họ đã xâm nhập vào lãnh hải của chúng tôi".
Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Lima cho biết, các tàu đánh cá Trung Quốc từng có tiền sử hoạt động bí ẩn nhằm tránh bị theo dõi và dường như chúng "đang đi xả rác nhựa"- chất ô nhiễm đại dương.
“Hoạt động đánh bắt quá mức có thể gây ra thiệt hại to lớn cả về kinh tế lẫn sinh thái và Peru không thể phải hứng chịu những thiệt hại như vậy”, Đại sứ quán Mỹ cho biết trên trang Twitter tuần này.
Các hiệp hội đánh cá địa phương cho biết, việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản bừa bãi, nhất là loài mực khổng lồ đã làm tổn hại đến ngành công nghiệp thủy sản trong nước, khi mực chiếm tới 43% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Peru.
Ngay sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc đã đáp trả trên Twitter rằng, họ rất coi trọng việc bảo vệ môi trường và đại dương. “Chúng tôi hy vọng rằng công chúng Peru không bị lừa dối bởi những thông tin sai lệch”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Peru đã tìm cách xoa dịu căng thẳng, đồng thời cho biết đã bày tỏ sự không hài lòng với quan điểm của giới chức Mỹ về tính "không chính xác" trên các dòng tweet của đại sứ quán Mỹ.
Peru hiện là nhà sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới và phần lớn nguyên liệu kim loại này được Trung Quốc thu mua. Thứ trưởng Ngoại giao Manuel Gerardo Talavera Espinar cho biết, ông đã nói chuyện với các quan chức Mỹ rằng Peru “là bạn và đối tác” của cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi hai bên cần giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại, hiểu biết và hợp tác.
“Các bí mật về trữ lượng thủy sản của Peru đã được lật mở hàng năm sau các chuyến tàu chủ yếu từ Trung Quốc... cho dù chúng chỉ được neo đậu ở cách ngoài khơi Peru khoảng 200 dặm để bòn rút nguồn tài nguyên này. Bằng cách khai thác nguồn tài nguyên không được kiểm soát trong những vùng nước đó, nó có thể tác động tiêu cực đến hệ sinh thái của Peru”, ông Cayetana Aljovín, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Peru cho biết hôm thứ Sáu.
Trước đó, hồi tháng 8, chính phủ Peru đã thông qua luật bắt buộc các tàu thuyền đánh bắt địa phương và nước ngoài hoạt động ở ngoài khơi bờ biển của họ phải sử dụng thiết bị GPS và SISESAT, một hệ thống theo dõi giám sát qua vệ tinh đối với tàu thuyền.
Ông Portoccarero cho biết, biệt đội tàu đánh bắt mực của Trung Quốc đã từng hiện diện ở Thái Bình Dương trong suốt nhiều năm, từ phía bắc Chile, bờ biển của Peru và áp sát quần đảo Galapagos, tùy thuộc vào luồng, mô hình di cư của mực.
Ông nói thêm rằng, vào năm 2004, ba tàu cá có gắn cờ Trung Quốc đã bị bắt vì vi phạm lãnh thổ Peru. “Chúng tôi sở hữu một vùng biển rộng lớn với phía trước giáp Argentina, khu vực phía bắc giáp Brazil và một số vùng bao quanh Australia, New Zealand, Đông Phi và Ấn Độ Dương. Đó thực sự là một vấn đề toàn cầu”, ông Portoccarero nói.