| Hotline: 0983.970.780

Hằng về làm “Mắm thuyền nan”

Thứ Tư 29/01/2014 , 22:03 (GMT+7)

Suất học bổng “Năng lực lãnh đạo” của Chính phủ Úc đã giúp “thuyền nan nhỏ bé” Đào Thị Hằng, SN 1985, tốt nghiệp cao học chuyên ngành phát triển bền vững ở Úc. Đầu năm 2013 cô quyết định trở về nước đắm mình vào nghề làm nước mắm và ruốc...

Suất học bổng “Năng lực lãnh đạo” của Chính phủ Úc đã giúp “thuyền nan nhỏ bé” Đào Thị Hằng, SN 1985, tốt nghiệp cao học chuyên ngành phát triển bền vững ở Úc. Đầu năm 2013 cô quyết định trở về nước đắm mình vào nghề làm nước mắm và ruốc để nâng chất từ một sản phẩm truyền thống quê nhà thành thương hiệu “Mắm thuyền nan” tạo động lực cho người dân thay đổi cuộc sống.


Đào Thị Hằng trong ngày tốt nghiệp cao học ở Úc

1. "Thuyền nan em bé nhỏ/ Không xa được bến bờ". Hình ảnh chiếc thuyền nan ấy như cứ vận vào suy nghĩ những ngày tuổi thơ của Đào Thị Hằng, cô bé con của một người chài lưới trên sông Thạch Hãn, ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đó là những ngày Hằng thấy bố mẹ đánh bắt cá, chế biến nước mắm, quăng quật suốt năm vẫn không lo nổi chuyện cơm gạo, học hành cho con cái.

Chiếc thuyền nan cũng như chai nước mắm của bà con ở đây chỉ quanh quẩn trong vùng mà thôi, khiến Hằng vô cùng dằn vặt. Vượt lên ngàn cái khổ của một người con ngư dân, Hằng thi đỗ thủ khoa Đại học Nông lâm Huế và 4 năm sau tốt nghiệp với tấm bằng đỏ. Cái duyên nghiệp con nhà nông ngư lại đưa Hằng đến với dự án phát triển cộng đồng.

Có một chi tiết nhỏ đã tạo ra bước ngoặt lớn trong suy nghĩ của cô kỹ sư trẻ như là tín hiệu định hướng phát triển cho cả sau này. Ngày ấy, Hằng trong vai trò phiên dịch cho Đại học Kyoto của Nhật Bản tìm hiểu kinh nghiệm thích ứng của người dân đối phó với biến đổi khí hậu. Với vai trò cầu nối, trong một lần qua Nhật Bản làm việc, Hằng cảm nhận rằng người Nhật Bản giàu có, hiện đại nhưng rất chú trọng gìn giữ bản sắc văn hoá, họ phát triển song luôn tìm cách sống bảo vệ thiên nhiên.

Khi đó Hằng ao ước nếu được ra nước ngoài học tập mình sẽ trở về Việt Nam làm một điều gì đó vừa để giúp nông dân nghèo vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá Việt Nam. Và Hằng đã vượt qua hơn 1.000 hồ sơ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để trở thành người đứng đầu, nhận được suất học bổng cao học về “Năng lực lãnh đạo” của Chính phủ Úc.

Trong những ngày đọc tài liệu học hành nghiên cứu ở đất Úc, Hằng phát hiện Việt Nam là khởi thuỷ của nghề sản xuất nước mắm. Thế kỷ 18-19, những người làm nước mắm Việt Nam đã xuất mặt hàng này sang Thái Lan, Malaysia, Châu Âu. Thoáng chút chạnh lòng của Hằng khi nghĩ về quê nhà, nghề làm nước mắm òi ọp, không phát triển nổi, buôn bán lẻ tẻ, người trẻ không ai muốn theo nghề này nữa.

Tốt nghiệp cao học ở Úc, lúc ấy với Hằng ở lại tiếp tục làm luận án tiến sĩ chẳng có gì khó, nhưng Hằng quyết định về nước để làm nước mắm. Nói quyết định trở về thì rất nhanh, nhưng từng đêm dài suy nghĩ cho sự trở về của Hằng không là đơn giản, mà sâu thẳm như cái chất đặc biệt của “Mắm thuyền nan” vậy.

2. Vẫn nụ cười luôn tự tin ấy, Hằng nói thời gian ở Úc giúp cô có nhiều trải nghiệm. Nơi đó đã cho Hằng cách nghĩ, cách làm việc độc lập, khoa học và hướng đến cộng đồng, đặc biệt là những lao động ở nông thôn tuy siêng năng làm ăn nhưng vẫn nghèo. Hằng đã suy nghĩ rất nhiều đến những người làm nước mắm ở quê nhà.

Hằng trở về, cùng với bà con thực hiện dự án tăng trưởng xanh “Mắm thuyền nan”, cung cấp mắm, nước mắm, ngon, an toàn cho cộng đồng. Với Hằng, cốt lõi sự tồn tại một cái nghề, một sản phẩm là người ta phải sống được với nó bền vững. Mục đích công việc của Hằng không chỉ cho bản thân mà hướng đến phục vụ cộng đồng.


Và trở về dấn thân với “Mắm thuyền nan”ở quê nhà

Hằng nói thế hệ ông cha ta đã để lại nền tảng cho sự tăng trưởng xanh bền vững. Đó là các kinh nghiệm được tích luỹ trong quá trình làm nước mắm. Giữ gìn và phát triển kinh nghiệm này chính là cái gốc của tăng trưởng bền vững.

Việc phát triển nghề làm mắm sẽ tạo thêm thu nhập và việc làm mới cho hàng ngàn lao động nông thôn, nhất là với phụ nữ. Hằng muốn tạo ra sản phẩm mắm ruốc Quảng Trị đúng nghĩa của mắm, khác biệt với mắm ruốc các vùng khác rồi liên kết các mắt xích du lịch biển đảo Cồn Cỏ, về nguồn, phục vụ nhu cầu quà cáp cho du khách tạo ra chuỗi giá trị tăng trưởng xanh cho quê hương.

“Mắm thuyền nan” của Hằng gồm 8 dòng sản phẩm, chủ lực là nước mắm, ruốc, mắm dưa, cà ớt... Hằng tập hợp các phụ nữ có tay nghề ở quê nhà Triệu Phong, Hải Lăng cung cấp nguyên liệu cho dự án hoạt động. Hằng đóng vai trò nhà phân phối, tạo đầu ra cho sản phẩm.

 Là một dự án tăng trưởng xanh thiết thực nên “Mắm thuyền nan” là 1 trong 5 doanh nghiệp của Việt Nam được Viện Chính sách, Bộ Tài Nguyên - Môi trường chọn sang Thụy Điển giao lưu và học hỏi các doanh nghiệp bạn về phát triển xanh. Hằng hy vọng sẽ kết nối được với các doanh nghiệp ở Thụy Điển để phát triển dự án của mình.

Ở Hằng luôn có lòng kiên nhẫn và sự bất khuất vô bờ bến với những gì mình đã chọn. Những khó khăn ban đầu cũng đã đi qua, Hằng đã có được 30 cơ sở bán hàng “Mắm thuyền nan” khắp đất nước với doanh thu khiêm tốn ban đầu 100 triệu/tháng. Tại TP HCM, Hằng đã mở cơ sở bán hàng tại quận 3. Cố gắng trong năm 2014 này Hằng sẽ tạo dựng được 100 cơ sở bán hàng trên cả nước.

 Hằng muốn là một mắt xích trong chuỗi tạo ra giá trị thặng dư cho sản phẩm “Mắm thuyền nan” từ sản xuất - chế biến - phân phối - tiêu dùng. Phải suy nghĩ, phải tìm cách giúp dân mình làm ăn. Hằng muốn tạo cho bà con niềm tin, cảm hứng và động lực để họ thay đổi cuộc sống.

Hằng chia sẻ đang tính đến một hệ thống tín dụng nhỏ giúp bà con có thêm điều kiện tăng sinh kế với nghề làm mắm và nước mắm, trồng ớt, trồng dưa một cách bền vững vì làm nghề này bà con phải chôn vốn thời gian dài. Tiếp đó là tín dụng lớn giúp cho việc đánh bắt xa bờ, làm nước mắm, ruốc, nuôi cua ở biển đảo Cồn Cỏ.

3. Nói đến cái ngon, cái quyến rũ của mắm, ruốc Quảng Trị, nơi nung nấu và cho ra đời thương hiệu “Mắm thuyền nan” của Hằng, tôi nhớ đến một người Mỹ nghiện nước mắm Việt Nam. Đó là Bruce Weigl, cựu binh Mỹ từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1967 đến 1968, cũng là nhà thơ nổi tiếng. Bruce Weigl được đánh giá là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của nền văn học đương đại Mỹ.


Một trong tám sản phẩm của “Mắm thuyền nan”của Hằng

Tập thơ và hồi ký “Sau mưa thôi nã đạn” của Bruce Weigl đã được xuất bản bằng tiếng Việt. Trong tập này, Bruce Weigl kể lại chuyện mình mê nước mắm Việt vì nó quá ngon: “Tôi ăn với nước mắm bất cứ khi nào có thể ở chiến trường Việt Nam. Tôi luôn giữ hương vị của nó trong tâm trí tôi, và chỉ cần nghĩ về nước mắm là tôi đã ứa nước bọt. Nước mắm có một sức mạnh huyền bí để biến đổi hương vị của những loại thức ăn khác nhau, theo những cách khác nhau”.

Rõ ràng, con cá, cây rau của vùng biển Quảng Trị từ lâu đã làm nên thứ mắm, ruốc kỳ diệu, đó chính là văn hoá ẩm thực xuất phát từ các làng quê ven biển, thứ văn hoá mãi trường tồn trong mạch sống của dân tộc. Làm kinh tế để giữ gìn văn hoá là một cách nghĩ độc đáo, sáng tạo của Hằng.

Con thuyền nan không thể chỉ quanh quẩn ở biển miền Trung. Nếu một mai thấy Hằng tiếp thị “Mắm thuyền nan” ở Mỹ, Thụy Điển, Anh và Úc thì chúng ta cũng đừng quá bất ngờ.

Đào Thị Hằng vừa được Bộ Ngoại giao Úc chọn là 1 trong 40 gương mặt sinh viên Việt Nam tiêu biểu từng học ở Úc và đang có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam cũng như quan hệ ngoại giao của hai nước để làm bộ phim dài 40 phút nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Úc - Việt Nam. Mới đây, phụ trách Giáo dục của Nam Úc đã sang thăm quán “Mắm thuyền nan” của Hằng ở TP. Hồ Chí Minh.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất