| Hotline: 0983.970.780

Hành mất giá theo mưa

Thứ Năm 13/01/2011 , 10:01 (GMT+7)

Hành – cây kinh tế chủ lực của đảo Bé (Lý Sơn-Quảng Ngãi). Thế nhưng, trận mưa kéo dài suốt nửa tháng khiến người nông dân đảo Bé méo mặt nhìn hành tan theo mưa.

Hành – cây kinh tế chủ lực của đảo Bé (Lý Sơn-Quảng Ngãi). Thế nhưng, trận mưa kéo dài suốt nửa tháng trong đợt áp thấp nhiệt đới cách đây ít lâu, người nông dân đảo Bé đã méo mặt nhìn hành tan theo mưa.

Đảo Bé sau những ngày bị cô lập bởi áp thấp nhiệt đới, tàu thuyền tấp nập chở hàng qua đảo nhằm bù lại sự thiếu thốn đủ thứ của người dân trên đảo. Hàng chở qua, toàn là bán chịu, dân đảo Bé mất mùa hành, tiền đâu mà mua với sắm – tại cầu cảng, thông tin đầu tiên về đảo Bé được một đại lý mua bán tạp hóa cho biết. Dọc theo những con đường trên đảo Bé, không khí vụ mùa trên hòn đảo nắng thiếu nước, mưa thiếu gạo đang tấp nập.

Củ hành được bày la liệt trên lối đi. Người già và trẻ em đang cặm cụi, bòn mót những củ hành nhỏ xíu như người suy dinh dưỡng để kịp đưa xuống thuyền vận tải chở sang đảo lớn. Trên khuôn mặt của những người nông dân trên đảo phảng phất nét buồn. Bởi mất hành, nền kinh tế yếu ớt trên hòn đảo này lập tức như bị một cú sốc nặng. Một cán bộ địa phương cho biết: Mùa hành trên đảo Bé cũng giống như thị trường chứng khoán. Nếu trúng hành, mỗi gia đình sau khi trừ chi phí còn kiếm được 25 triệu đồng. Số tiền này đủ cho bà con trang trang trải cả năm. Còn nếu mất mùa hành, nền kinh tế trên đảo Bé như thị trường chứng khoán tụt dốc: Trẻ em không có quần áo mới trong ngày Tết, các gia đình phải thắt lưng buộc bụng và ăn uống kham khổ...

Dọc con đường ra ghành sau đảo Bé, những đống củ hành bị thối, ngả màu mốc đen sì nằm rải rác trên lối đi, tiền không vào túi nông dân mà tan dần thành nước. Bà Nguyễn Thị Đây, sục đôi bàn tay rám nắng vào đống hành thối, kiên nhẫn bóp nhẹ từng củ hành với hy vọng sẽ nhặt được những củ còn sử dụng được để mang ra bán kiếm tiền. "Đầu tư phân, giống hết 7 triệu, thu về được có 5 triệu” - giọng bà Đây buồn rầu. Tỏi và hành là hai loại cây gần giống nhau, nhưng cũng là hai phiên bản đối lập. Nếu trồng tỏi, khi vào giai đoạn nước rút sắp thu hoạch, người nông dân phải tưới cật lực mới cung cấp đủ lượng nước cho củ phát triển tốt. Còn đối với cây hành thì ngược lại - vào giai đoạn chót, nếu trời đổ mưa liên tục thì hành tiếp tục đâm chồi nảy lộc, củ hành sẽ teo tóp lại để chuyển chất dinh dưỡng sang nuôi củ. Nếu củ đã già thì sẽ bị úng thối.

Trong ngôi nhà tranh sáng tranh tối, ông Nguyễn Hay, một nông dân sản xuất giỏi của đảo Bé lắc đầu, chép miệng: “Tiếc đứt ruột đứt gan. Chỉ còn 10 ngày nữa thôi là hốt đậm vụ hành, vậy mà trời tự nhiên đổ mưa. Tui với bà con ở đây coi như khóc ròng”. Theo ông Hay, trong những ngày áp thấp nhiệt đới, bà con nông dân đứng ngồi không yên. Bởi mưa không chỉ một hai ngày mà kéo dài suốt hơn nửa tháng. Chưa bao giờ người dân đảo Bé lại chứng kiến cơn mưa dai dẳng và khủng khiếp như đợt áp thấp nhiệt đới cách đây ít lâu, mưa như trút từ ngày này sang ngày khác, trời đất tối tăm mù mịt, sóng biển vây kín hòn đảo nhỏ bé, cô lập hoàn toàn với đất liền. Đối với người nông dân trên đảo Bé, do không chủ động về nguồn nước tưới, chính vì vậy mùa vụ hoàn toàn phó mặc cho trời - trời cho thì hưởng, trời không thuận thì trắng tay. Cũng từ kiểu canh tác may rủi, người nông dân đảo Bé luôn phập phồng cầu mong trời cho mưa nắng phải thì.

Hiện nay, hành trên thị trường được bán với giá 25.000 đ/kg. Thế nhưng, người nông dân đảo Bé phải bán đổ bán tháo loại hành nhỏ với giá từ 5 – 10 ngàn đồng/kg. Đến thăm một đại lý mua bán trên đảo Bé, bà chủ cửa hàng cho xem quyển sổ ghi chép. Mỗi gia đình là một cột nợ thật dài. Hóa ra, một củ hành phải ghánh theo đủ thứ: Tương, dầu, mì tôm, đường, sữa…Mất mùa hành, các gia đình phải đổ xô đi mua thiếu, mua chịu. “Đây là nợ gạo, nhiều gia đình mua gạo chịu về ăn, tới mùa hành thì mới trả” - chủ đại lý chỉ vào hàng loạt cột nợ...

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.