| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm ‘đầu cơ nghiệp’

Hành trình cải thiện tầm vóc trâu Việt

Thứ Tư 22/11/2023 , 11:55 (GMT+7)

Từ bao đời nay, con trâu là đầu cơ nghiệp, gắn bó với đồng ruộng, cung cấp sức kéo, cung cấp phân bón, cung cấp thịt cho người dân…

Trâu Murrah có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trâu Murrah có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhận thức rõ vai trò của con trâu trong sản xuất nông nghiệp cũng như đóng góp trong kinh tế hộ gia đình nông thôn, ngay từ những ngày đầu mới thành lập vào năm 1960, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi (xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), tiền thân là Trại nhân giống ngựa Bá Vân, đã tiến hành hàng loạt những nghiên cứu về sức sản xuất của con trâu nội, trâu sữa Murrah, trâu lai…

Những năm gần đây, khi nhu cầu về sức kéo không còn quá cấp thiết, định hướng nuôi trâu lấy thịt đang là yêu cầu của thực tiễn. Một số nghiên cứu của Trung tâm cũng đã đi sâu theo hướng nâng cao khối lượng, năng suất và chất lượng thịt, khả năng sinh sản của trâu.

Theo ông Tạ Văn Cần, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi, hơn 60 năm về trước, con trâu Murrah của Ấn Độ đầu tiên đã được nhập vào Việt Nam, giúp Việt Nam bắt đầu tiến hành cải tạo và nâng cao chất lượng của đàn trâu Việt Nam.

Đến năm 1978, Ấn Độ tặng Việt Nam 502 con trâu Murrah và được nuôi dưỡng chăm sóc ở khu vực phía Nam. Từ năm 1995, 30 con được chuyển ra nuôi giữ và chăm sóc ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi nhằm mục đích lưu giữ gen và nuôi lấy sữa.

Trung tâm đã lai tạo trâu Murah Ấn Độ với trâu Việt Nam và tạo ra con trâu lai F1. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trung tâm đã lai tạo trâu Murah Ấn Độ với trâu Việt Nam và tạo ra con trâu lai F1. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trâu Murrah hay còn gọi là trâu Ấn Độ là một giống trâu có nguồn gốc từ Ấn Độ. Đặc điểm dễ nhận thấy của trâu Murrah là có tầm vóc to lớn và có sừng xoắn khác với trâu thường có sừng vòng cung. Tuy to lớn nhưng trâu Murrah không thích hợp cho cầy kéo và chịu nóng kém hơn trâu đầm lầy.

Một đặc điểm nổi bật nữa của giống trâu Murrah là khả năng cho sữa tốt. Một con trâu Murrah ở Ấn Độ có thể cho đến 3.000 lít sữa/năm. Trâu Murrah với những đặc điểm nổi trội là một giống trâu cao sản và là một trong những giống vật nuôi đáng tự hào của đất nước Ấn Độ.

“Mục tiêu ban đầu của Trung tâm là có thể nuôi dưỡng trâu để cung cấp sữa, thay thế cho sữa bò vì sữa trâu có nhiều chất dinh dưỡng hơn sữa bò, tỉ lệ cho sữa của trâu cũng cao hơn bò. Tuy nhiên, do tập quán, thói quen của người dân trong thời gian dài nên nhu cầu về thịt trâu lại cao hơn nhu cầu về sữa trâu. Có thời điểm giá của 1 lít sữa trâu còn không bằng giá 1 chai nước lọc. Chính vì vậy đàn trâu không thể phát triển theo hướng nuôi lấy sữa như vậy được”, ông Tạ Văn Cần chia sẻ.

Sau đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi đã chuyển hướng phát triển và cho lai tạo trâu Murah Ấn Độ với trâu Việt Nam và tạo ra con trâu lai F1 với đặc điểm tầm vóc, cân nặng, hình thể to cao hơn trâu Việt Nam khoảng 20%. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc trâu lai khỏe hơn, cho nhiều thịt hơn trâu Việt Nam thuần.

Cùng với trâu Murrah Ấn Độ, trâu đầm lầy Việt Nam cũng là một trong những giống trâu quý đang được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi nuôi giữ, phát triển. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng đàn trâu đầm lầy lớn với tầm vóc lớn khoảng 600 - 700kg có nguồn gốc từ Thanh Chương (Nghệ An).

Trước đó, năm 2017, Bộ NN-PTNT nhập đàn trâu đầm lầy Thái Lan với 35 cá thể về Việt Nam và giao Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi chăm sóc, từ đó cho giao lưu, lai tạo với giống trâu đầm lầy của Việt Nam để làm tươi máu, cải thiện, nâng cao tầm vóc, đồng thời tránh tình trạng đồng huyết, cận huyết tại trâu đầm lầy Việt Nam.

“Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm nhiều hơn trong việc phát triển, cải tạo, nhân giống đàn trâu. Có thời điểm, giá trị của 1 con trâu đực có thể lên đến 60 - 70 triệu đồng, thậm chí có con lên đến gần 100 triệu đồng”, ông Tạ Văn Cần cho hay.

Xem thêm
Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.