| Hotline: 0983.970.780

Hành trình 'cam Sài Gòn' bén duyên đất Nam Đông

Thứ Sáu 11/11/2022 , 09:18 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Bây giờ, 'cam Sài Gòn' đã trở thành giống cây trồng chủ lực ở huyện miền núi Nam Đông. Nhưng ít ai biết, để có thành quả hôm nay là cả một chặng đường dài...

Cách đây hơn 40 năm, vùng núi rừng Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) là điểm dừng chân của những hộ dân thuộc diện khó khăn sinh sống ở vùng ven đầm phá Cầu Hai (huyện Phú Lộc) và TP Huế di dân đến lập vùng kinh tế mới.

Tại huyện miền núi Nam Đông, vào thời điểm đó, những người đi xây dựng kinh tế mới không chỉ vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình mà còn cùng với địa phương góp phần thay đổi diện mạo vùng đất này, trong số đó có gia đình ông Phan Văn Lâm trú ở xã Hương Xuân, huyện Nam Đông.

PN2G

Năm nay, người trồng “cam Sài Gòn” ở huyện Nam Đông có một vụ mùa bội thu. Ảnh: Võ Dũng.

Đứng bên vườn “cam Sài Gòn” tiền tỷ rộng 4ha đang vào mùa thu hoạch, ông Lâm tự hào khoe đó là thành quả tích lũy suốt hơn 30 năm quyết tâm làm kinh tế mới của gia đình. Nhiều năm tích góp, đến nay, ông Lâm đã giải quyết được hầu hết các vấn đề kinh tế của gia đình, con cái được học hành, có công việc ổn định và đều có nhà, đất sản xuất. Điều mà theo nhiều người nếu không quyết tâm bám trụ làm kinh tế thì không thể có được.

Ông Lâm chia sẻ, lúc mới cùng gia đình lên định cư làm kinh tế mới ở Nam Đông muỗi nhiều vô kể. Nước cũng không có uống, gia đình ông phải đi tìm suối rất xa để lấy nước về sử dụng và phải dùng tiết kiệm. Đời sống khó khăn và sốt rét rừng khiến nhiều người chịu không nổi phải bỏ về quê. Tuy nhiên, cả nhà ông Lâm động viên nhau, cố gắng vượt khó, bám trụ lại để xây dựng đời sống mới.

Ông Lâm kể, nhiều người đã thắc mắc với ông tại sao cam trồng trên vùng đất Nam Đông lại có tên riêng “cam Sài Gòn” mà không phải tên khác. Đó là vào năm 1980, khi mới lên vùng đất Nam Đông lập nghiệp, bà con lúc đầu chỉ biết trồng mít, dứa, cây cau… Những năm sau, nhà nào có người vào Nam làm ăn cứ đến mỗi dịp lễ Tết về thăm quê đều đem một vài cây cam về tặng.

PN2

Vào vụ thu hoạch, người đi hái cam thuê cho các chủ vườn ở huyện Nam Đông có thu nhập từ 250.000 đến 300.000 nghìn đồng/ngày công. Ảnh: Võ Dũng.

Nhận thấy cây cam dễ trồng, thích hợp thổ dưỡng, lại cho quả ngọt và có mùi thơm rất đặc biệt nên người dân ở địa phương thay nhau trồng trên rẫy, vườn, rồi chiết cành, nhân giống, sau đó cam được trồng khắp tất cả các xã trong huyện miền núi Nam Đông. Cũng từ đó, bà con gọi giống cam đó là “cam Sài Gòn” cho đến tận hôm nay.

“Lúc đầu nhiều người chưa quen, bây giờ nhà vườn nào trồng cam ở huyện Nam Đông điều gọi giống cam địa phương là “cam Sài Gòn” để phân biệt với các loại cam khác có nguồn gốc từ xã Đoài (cam Vinh) hay cam Cao Phong”, ông Phan Văn Lâm giải thích cặn kẽ.

Còn với ông Phan Thế Xê, 61 tuổi, trú thôn 9 xã Hương Hòa (huyện Nam Đông), chính nhờ giữ giống “cam Sài Gòn” mà đến nay ông được các chủ vườn đặt cho biệt danh “tỷ phú cam”. Hơn 30 năm, ký ức của những ngày đầu theo gia đình lên vùng đất mới lập nghiệp vẫn còn vẹn nguyên.

5 năm đầu khi bắt tay vào khai hoang là quãng thời gian khó khăn bộn bề đối với gia đình ông Xê. Giải quyết xong vấn đề sốt rét thì việc trồng cây lương thực ngắn ngày không còn cho năng suất. Cái đói, nghèo luôn hiện hữu, bệnh tật rình rập, nhiều lúc ông muốn buông xuôi để trở về quê cũ. Tuy nhiên, sự động viên, chia sẻ của những người cùng chí hướng và với quyết tâm chiến thắng đói nghèo, đến nay, gia đình ông Xê đã có hơn 7ha cam, trong đó chủ yếu vẫn là giống “cam Sài Gòn” đặc trưng.

PN3

"Cam Sài Gòn" đã giúp nhiều người dân Thừa Thiên - Huế đổi đời trên quê hương mới. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Phan Thế Xê nhớ lại: Hồi đó bà con trồng theo phong trào. Ông cũng vậy, cho nên năm 2005, ông bắt đầu trồng giống cam địa phương mà người dân ở đây vẫn quen gọi là cam Sài Gòn. Vụ đầu, ông trồng 300 gốc, vụ bói thu được 25 triệu đồng. Thời điểm đó, với vợ chồng ông 25 triệu đồng là rất lớn, có ngủ mơ cũng không thấy được.

Thắng lợi, ông mạnh dạn đầu tư thêm. Đến mùa “cam Sài Gòn” đơm hoa, cả gia đình mừng, hoa cam trắng cây, tưởng sẽ được mùa lớn, nhưng chẳng may năm đó thời tiết không thuận, trời mưa to, cam hỏng hết, nhà ông chặt bỏ cây, ôm một món nợ. Nhiều anh em kỹ sư thấy ông buồn, mới dành thời gian để chia sẻ. Nghe chuyện của ông, anh em đã tìm hiểu, chỉ nguyên nhân của sự thất bại. Không ngại khó, ông chuyển sang trồng cam trái vụ. Dành hết vốn liếng, cộng thêm số tiền vay mượn từ người thân, vợ chồng ông mua 4ha đất đồi để trồng thử. Chưa yên tâm, ông mua hẳn một dàn máy vi tính, nối mạng, mày mò học thêm kỹ thuật chăm sóc... Sau 3 năm “ăn cam, ngủ cam”, ông đã bán được lứa cam bói đầu tiên. Năm tiếp theo, thương lái đã bắt đầu tìm đến vườn.

Số tiền bán cam được ông quay vòng, tái đầu tư nên đến nay, gia đình ông đã có hơn 1.000 gốc cam. Vụ cam đầu tiên năm 2015, ông thu hoạch được 48 tấn, trung bình 1,2 tạ/cây, giá bán từ 18 đến 25 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt khoảng một tỷ đồng.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.