| Hotline: 0983.970.780

Mô hình lúa Nhật cứu bàn thua trông thấy cho dân Đỗ Động

Thứ Năm 09/11/2023 , 10:25 (GMT+7)

Vụ lúa mùa 2023 nhiều nông dân ở xã Đỗ Động bị thiệt hại nặng về năng suất nhưng riêng những mô hình lúa Nhật chất lượng cao vẫn cho năng suất khá.

Sự khác biệt trên cùng một cánh đồng

Tôi đi trên cùng một cánh đồng ở xã Đỗ Động huyện Thanh Oai, TP Hà Nội mà cảm thấy sự khác biệt quá lớn giữa một bên là những thửa ruộng sâu, rầy xơ xác, cảm giác như chỉ một mồi lửa là cháy, còn một bên là những thửa ruộng lúa Japonica J02 do Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội chỉ đạo bà con thực hiện vẫn vàng ươm, trĩu hạt. HTX Nông nghiệp Đỗ Động có tổng diện tích 426 ha đất lúa, vụ mùa năm 2023 HTX đã kết hợp với Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội triển khai mô hình 40 ha lúa Nhật J02, còn diện tích ngoài mô hình thì dân cấy Bắc thơm số 7 và nếp 87, nếp 97.

Tình hình dịch bệnh năm nay chung trong toàn huyện chứ không riêng Đỗ Động, rầy mật độ rất cao từ 3.000-5.000 con/m2, thậm chí có những điểm lên đến hàng vạn con/m2, chủ yếu trên các giống Bắc thơm số 7, nếp 87, nếp 97. Dịch bệnh cộng với thời tiết bất thuận khiến năng suất lúa giảm rõ rệt. Năm ngoái năng suất bình quân Bắc thơm số 7 đạt 200kg/sào nhưng năm nay chỉ 90 kg/sào, J02 năm ngoái đạt 230kg/sào thì năm nay giảm còn khoảng 200 kg. Mất mùa nên chưa bao giờ giá lúa khô cao như thế, Bắc thơm số 7 khoảng 12-15.000đ/kg, còn J02 cũng cao tương tự. Tuy nhiên, nông dân Đỗ Động thích giữ lại J02 để ăn hơn là để bán vì chất lượng tốt hơn hẳn, tỷ lệ xay xát đạt 68 - 70%, còn Bắc thơm số 7 chỉ đạt khoảng 60 - 63%...

Anh Nguyễn Đăng Miền, trưởng ban kiểm soát của HTX phấn khởi kể, sau khi dồn ô đổi thửa, nhà mình có 1,2 mẫu rơi đúng vào quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao nên cấy tất một giống J02, qua 3 năm đã thực hiện được 6 vụ mà chưa bao giờ mất mùa.

Ở quê anh, giống Bắc thơm số 7 vẫn chiếm áp đảo nhờ chất lượng cơm ăn khá ngon, tuy nhiên cấy rất phập phù, vụ được vụ không bởi hay đổ, hay mắc bệnh bạc lá mà bệnh này lại không có thuốc đặc trị. Bởi thế HTX mới đưa J02 vào mô hình để dần thay thế vì cứng cây, năng suất, chất lượng gạo ngon, chỉ có điều thời gian sinh trưởng dài ngày hơn Bắc thơm số 7 khoảng 15-20 ngày nên bắt buộc phải quy hoạch thành một vùng mới canh tác được.

Lúa Nhật trong mô hình đạt năng suất. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Lúa Nhật trong mô hình đạt năng suất. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Tham gia vào mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% giống, 50% phân bón và 50% chi phí phòng trừ dịch hại (thuốc BVTV, công phun thuốc). Cả vùng đều áp dụng theo chuẩn VietGAP. Giờ chủ yếu là người già làm ruộng nên làm cái gì thật dễ, thật nhàn, thật an toàn nông dân mới chịu. Vụ này, anh ước năng suất lúa J02 của nhà mình đạt 220-230 kg tươi/sào, sau khi trừ chi phí, được lãi khoảng 700.000đ/sào. Còn những ai cấy Bắc thơm số 7 thì ít nhất là mất công, còn không đều thua lỗ.

Chị Thu Huyền, cán bộ Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cho biết, khi triển khai mô hình đưa J02 vào vụ xuân ở các địa phương thì dễ được chấp nhận, còn vụ mùa nhiều nơi sợ lúa Nhật vốn ưa mát, không hợp với nắng nóng nên ngại. Dẫu vậy, đơn vị vẫn triển khai thực hiện trên vụ mùa từ năm 2019 tới nay, năng suất tất nhiên không so được với vụ xuân nhưng so với những giống lúa chất lượng khác J02 vẫn hơn cả về năng suất, khả năng chống chịu lẫn thu nhập. Năm ngoái đơn vị đưa J02 vào vụ mùa ở xã Đỗ Động bà con cũng dè dặt lắm, vận động mãi mới chịu cấy 30 ha. Không ngờ là sau đó cánh đồng đẹp như một bức tranh, nông dân phấn khởi nên vụ mùa năm nay mới đưa được vào 40 ha, chứ từ xưa đến nay ở đây chỉ cấy toàn Bắc thơm số 7.

“Thông thường ngay từ tháng 6 năm trước, Trung tâm có văn bản gửi xuống các phòng kinh tế của các huyện để triển khai xuống các xã đăng ký mô hình. Trên cơ sở đó, Trung tâm phối hợp cùng Phòng Kinh tế các huyện tiến hành rà soát chọn điểm, họp dân phổ biến cơ chế, định mức hỗ trợ, quyền lợi là gì, trách nhiệm là gì, mọi thứ đều minh bạch. Năm 2023 tổng diện tích lúa chất lượng cao Trung tâm triển khai là 1.375 ha trên hai vụ xuân và mùa với 21 điểm ở các huyện gồm các giống J02, TBR 225, Đài thơm 8, HD11, nếp cái hoa vàng, Hồng hương ĐT128.  

Kiểm tra độ chắc của hạt lúa. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Kiểm tra độ chắc của hạt lúa. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Mong ước được liên kết với doanh nghiệp

Cuộc thăm đồng hôm ấy còn có ông Vũ Đình Mười, Tổng Giám đốc Công ty CP ORG group- một đơn vị cũng đang muốn bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao của thành phố Hà Nội. Anh chia sẻ: “Tôi lớn lên từ đất quê lúa Thái Bình, từ bé đã quen với cây lúa nên hiểu và chia sẻ với những khó khăn của nông dân. Tôi muốn cùng bàn để làm sao HTX, nông dân, Trung tâm và doanh nghiệp cùng thắng. Đây là năm thứ ba chúng tôi kết hợp với Trung tâm để thu mua sản phẩm cho nông dân. Trong thời gian tới có thể tập đoàn sẽ ứng vật tư rồi thu mua lại sản phẩm cho bà con nhưng khi làm việc phải với các đầu mối, ít nhất là từ quy mô HTX trở lên”.      

Còn bà Dương Thị Dung, Giám đốc HTX Đỗ Động cho hay đơn vị thực hiện các mô hình năm nào cũng được Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đánh giá cao từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Vụ mùa này năng suất giảm khoảng 30% so với vụ mùa năm trước, đó là do tình hình sâu bệnh chung của cả vùng chứ không riêng ở Đỗ Động.

Tranh thủ nắng để phơi thóc. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Tranh thủ nắng để phơi thóc. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

“Trên 20 năm mới lại có dịch rầy nặng như thế, các giống lúa đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là Bắc thơm số 7, bà con giờ sợ giống này lắm rồi. Tuy nhiên J02 vẫn đạt năng suất, dù giảm hơn một chút. Chúng tôi đặt niềm tin J02 sẽ vào 80% diện tích ở vụ xuân 2024.

Kể từ khi tham gia kế hoạch sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu, được Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội kết nối các doanh nghiệp và hướng dẫn, chỉ đạo việc tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu vụ sản xuất, 100% sản lượng thóc tươi dôi dư được thu mua tại bờ với giá cả hợp lý, nông dân rất vui mừng và yên tâm sản xuất. Sang năm HTX muốn kết nối với công ty từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nếu được đầu tư giống, phân bón nữa thì càng tốt”, bà Dung nhận định.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.