| Hotline: 0983.970.780

Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc mong đưa 'dì hai' vào cơ cấu

Chủ Nhật 28/05/2023 , 17:37 (GMT+7)

VĨNH PHÚC 'Dì hai' là cách gọi dân dã về giống lúa Nhật J02 của Công ty Cổ phần Giống - Vật tư Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam đã xuất hiện nhiều năm nay.

Nếm cơm của “dì hai” ngay tại bờ ruộng

Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một buổi hội nghị đầu bờ "vui tới bến" đến như thế. Dưới ruộng, chị Lê Thị Hương - Giám đốc HTX nông nghiệp Nhân Lý (xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cầm micro cất cao giọng ngợi ca quê mình. Lời hát của chị ngọt ngào như hương của biển lúa vàng đang vào độ chín tới. Trên bờ kênh, các bà, các mẹ chân đi ủng lội đồng nhưng nhún nhảy, xòe tay, lắc hông hết mình theo những điệu nhạc dân vũ rộn ràng.

HTX có đội văn nghệ đông tới mấy trăm người, lúc vui có thể biểu diễn đủ cả thơ, ca, hò vè, múa hát suốt buổi. Niềm vui là thứ keo kỳ diệu giữ chân những người nông dân đứng tuổi ở lại với ruộng đồng khi con cháu họ sớm tối biền biệt trong các khu công nghiệp. Không tự hào sao được khi làm nông thôi mà họ được tiếp, đón Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về thăm cánh đồng làng.

Nông dân nhảy múa ngay trên bờ ruộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nông dân nhảy múa ngay trên bờ ruộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi nồi cơm của “dì hai” (giống lúa J02) được bới ra, ai cũng xúm lại để hít hà mùi thơm dịu nhẹ và nhón ăn thử nó với muối vừng một cách đầy trân trọng. Vừa ăn họ vừa cười nói, bình luận.

Bà Phạm Thị Kim Thoa xuýt xoa: “Cơm đậm và ngon quá!”. Đây là vụ đầu tiên bà cấy 2 sào J02. “Lúa này dày đố (tức khoảng cách giữa các hạt xếp sít nhau) hạt to và nặng cân nên tôi ước đạt khoảng 2,5 tạ/sào (360m2). Từ đầu vụ đến cuối vụ có đôi khóm bị khô vằn, tôi chỉ xử lý một lần thuốc là xong, còn hai giống khác nhà cấy bị khô vằn nhiều hơn nên phải xử lý đến hai lần”, bà Thoa nói.

Chồng bà Thoa gần 70 tuổi, còn bản thân bà năm nay đã gần 60 tuổi. Cũng như nhiều gia đình khác trong làng, các con đi làm công ty hết nên họ phải ở nhà bế cháu, sáng đưa chúng đi học, chiều lại đón chúng về nhưng vẫn cấy ngót 1 mẫu lúa nhờ có dịch vụ mạ khay, máy cấy của HTX. Đến vụ họ đăng ký với HTX, khi máy cấy xong rồi thì ra đồng nghiệm thu, trả công 300.000đ/sào rồi rắc thêm ít phân. Hết vụ lại thuê máy gặt đến rồi bán thóc tươi ngay tại ruộng, mọi thứ khá nhàn so với kiểu canh tác truyền thống khi xưa.

HTX nông nghiệp Nhân Lý có 2.460 thành viên với 8 máy cấy và 150ha đất, sản xuất 2 vụ lúa và 1 vụ màu. 100% diện tích ở đây áp dụng VietGAP, trong đó 30 - 35ha áp dụng cả theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng các loại hóa chất. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã công nhận thương hiệu “Gạo ngon Phú Xuân”, còn tỉnh Vĩnh Phúc đã công nhận gạo của HTX đạt OCOP 3 sao, sản phẩm được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước.

Bà Phạm Thị Kim Thoa bên ruộng lúa J02 của gia đình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Phạm Thị Kim Thoa bên ruộng lúa J02 của gia đình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Lê Thị Hương - Giám đốc HTX niềm nở chia sẻ về “dì hai”: “Chúng tôi thử nghiệm cấy giống lúa J02 hàng chục năm trước nhưng bắt đầu trồng đại trà từ năm 2017. Vụ này chúng tôi cấy 30ha và thu mua lại thóc tươi hết cho nông dân. Giống lúa Nhật ở đây có J02 và DS1. Đối với vụ xuân J02 chịu rét rất tốt, khi cuối vụ gặp nắng nóng vẫn chống chịu khá và cấy được cả trong vụ mùa, còn DS1 chỉ cấy ở vụ mùa mà thôi.

Về năng suất thì J02 hơn hẳn, bình quân đạt 2,5 tạ/sào, ruộng tốt có thể đạt 2,8 - 3 tạ/sào, tương đương 7 - 7,5 tấn/ha, trong khi DS1 đạt khoảng 6,5 tấn/ha. Thóc tươi J02 bán ngay tại ruộng 6.500đ/kg, tính ra trung bình mỗi sào lúa các thành viên của HTX được lãi từ 1 triệu đồng trở lên. J02 mới gặt nấu cơm ăn rất thơm, ngon, đậm đà nhưng sau 2 - 3 tháng ăn khá, còn để từ 6 tháng trở lên ăn hơi đớn và cứng (có thể do việc phơi ở nhiệt độ quá cao và bảo quản chưa đúng cách - PV)”.

Sản xuất ra bao nhiêu, doanh nghiệp đặt bấy nhiêu

Cũng theo chị Hương, nếu có sản lượng vài ngàn tấn thóc, các doanh nghiệp cũng thu mua hết nên HTX đang tính cách mở rộng diện tích giống J02 ra những xã khác. Tiếc rằng dù đã quá quen thuộc với bà con, diện tích cấy tương đối lớn nhưng J02 lại chưa có trong cơ cấu của tỉnh Vĩnh Phúc.

“Nhiều giống có trong cơ cấu nhưng diện tích cấy cũng như chất lượng không thể bằng J02. Nông dân chúng tôi thích bởi nó vừa hợp với đồng đất nên đạt năng suất, chất lượng, vừa có đối tác thu mua hết. Nếu gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi J02 vẫn chống chịu đựng được.

Thử nếm cơm J02 ngay tại đầu bờ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thử nếm cơm J02 ngay tại đầu bờ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Như vụ xuân năm nay thời tiết quá khác biệt với mọi năm, cả vụ đến tận hôm trước mới có được một trận mưa, không có rét đậm, rét hại nên thuận lợi cho sâu bệnh phát triển. Các giống lúa khác nhiễm bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn nhưng J02 thì ít bị. Chúng tôi đề nghị các lãnh đạo nên nghiên cứu đưa J02 vào cơ cấu của tỉnh Vĩnh Phúc, giúp nhiều nông dân được hưởng lợi hơn. Nếu có hỗ trợ thì tốt, còn không nông dân vẫn tự mua vì cấy rất yên tâm, không lo sợ bị ế.

Nói đến gạo Nhân Lý, nhiều tỉnh thành đã biết, kể cả Cần Thơ nổi tiếng là "gạo trắng nước trong". Trước đó, khi thấy chúng tôi đưa gạo đi dự hội chợ khu vực miền Tây năm 2022, nhiều người ở Cần Thơ cười bảo rằng “chở củi về rừng”. Nhưng không ngờ một số quán ăn, nhà hàng mua thử xong thích quá, từ đó đặt lâu dài gửi hàng theo xe khách vào. Tại hội chợ quốc tế Thái Bình Dương tổ chức ở TP.HCM, gạo Nhân Lý cũng được các khách hàng nước ngoài quan tâm.

Về thị trường nội tỉnh, hiện chúng tôi đang bán cho hàng xáo là chính, khách ăn đến đâu xát đến đấy. Siêu thị BigC cũng yêu cầu đưa gạo vào hệ thống nhưng vì trình độ của HTX còn chưa cập nhật được, toàn những người lớn tuổi nên không biết cách bán hàng online”, chị Lê Thị Hương, Giám đốc HTX nông nghiệp Nhân Lý chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống - Vật tư Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cho biết, J02 đã đưa vào thị trường Vĩnh Phúc đại trà 5 - 6 năm, sản lượng ngày càng phát triển. Đặc biệt trong 1 - 2 năm gần đây khi xuất khẩu gạo thuận tiện, có những tư thương đến ký hợp đồng liên kết từ vài trăm tấn đến cả ngàn tấn lúa. Ví dụ như HTX Đoàn Kết do bà Cao Thị Thủy làm Giám đốc ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội) đã lên Vĩnh Phúc đặt vấn đề tìm hàng trăm ha để cấy trong vụ mùa.

Chị Lê Thị Hương, Giám đốc HTX nông nghiệp Nhân Lý. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Lê Thị Hương, Giám đốc HTX nông nghiệp Nhân Lý. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước kia, các địa phương sau vụ lúa mùa là làm luôn vụ đông nên cần giống lúa ngắn ngày, mà J02 khá dài ngày nên chưa thích hợp. Nhưng những năm gần đây nhiều nơi chỉ cấy hai vụ lúa và bỏ vụ đông, bởi thế J02 đã có cơ hội mở rộng diện tích trong vụ mùa. Nếu cấy được cả hai vụ thì J02 sẽ ổn định được sản lượng, giúp cho chất lượng gạo luôn tươi, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn quốc tế.

“Đó là những tín hiệu tốt, nhất là khi các lãnh đạo ở thế hệ mới của tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện ra thế mạnh của J02 và đang muốn xây dựng thương hiệu gạo. Thực tế chưa được hỗ trợ nhưng J02 ở vụ xuân ở Vĩnh Phúc đã tiêu thụ khoảng 40 tấn thóc giống, tương đương cỡ 1.000ha. Ở vụ mùa, hiện Công ty cũng đang triển khai mô hình. Vĩnh Phúc là tỉnh có nguồn kinh phí mạnh, có chính sách hỗ trợ cho nông dân rất tốt. Khi giống lúa được nằm trong cơ cấu và định hướng của tỉnh sẽ mở rộng được diện tích nhanh hơn và nhiều nông dân sẽ được hỗ trợ hơn”, bà Nguyễn Thị Tâm khẳng định.

Bên cạnh J02, đây cũng là vụ đầu tiên HTX nông nghiệp Nhân Lý đưa giống lúa mới QR 15 vào sản xuất trên diện tích 3ha. Đến thời điểm này cho thấy giống lúa QR 15 phát triển đều, cứng cây, chống chịu sâu bệnh tốt nên chỉ phải xử lý một lần thuốc bảo vệ thực vật. Bộ lá của QR 15 gần gặt rồi vẫn đẹp. Kinh nghiệm cho thấy giống lúa nào có bộ lá đẹp thì năng suất chắc chắn sẽ cao.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.