| Hotline: 0983.970.780

Hanvet giới thiệu vacxin dịch tả lợn Châu Phi 'HANVET ASF VAC'

Thứ Hai 17/06/2024 , 17:34 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Công ty Cổ phần Dược và Vật tư Thú y Hanvet vừa tổ chức giới thiệu vacxin HANVET ASF VAC với những số liệu thử nghiệm khá ấn tượng.

Hội thảo giới thiệu vacxin HANVET ASF VAC. Ảnh: Đinh Mười.

Hội thảo giới thiệu vacxin HANVET ASF VAC. Ảnh: Đinh Mười.

Công ty Cổ phần Dược và Vật tư Thú y (Công ty Hanvet) cho biết, đã sản xuất được vacxin HANVET ASF VAC phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi sau hơn 5 năm nghiên cứu.

Ứng dụng vào thực tế bước đầu đã có những thành công ấn tượng, đặc biệt là sử dụng cho lợn nái, điều này đã mở ra triển vọng cho người chăn nuôi lợn khi dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang hoành hành.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Hanvet, HANVET ASF VAC là vacxin nhược độc đông khô, có tính an toàn cao và khả năng tạo miễn dịch tốt chống lại virus dịch tả lợn Châu Phi.

Vacxin được sản xuất trên công nghệ nuôi cấy trên tế bào, sử dụng tế bào dòng HPC (Hanvet Porcine Cell line) và sử dụng virus ASF-HV21 là chủng nhược độc có nguồn gốc Việt Nam, được cải biến khuyết 12 gene nên khó có thể tái độc lực.

Vacxin được nghiên cứu kỹ lưỡng, tối ưu hóa công thức phù hợp cho từng đối tượng lợn, từ đó tạo ra hai loại vacxin HANVET ASF VAC dùng cho lợn thịt và dùng cho lợn nái. Sau khi tiêm vacxin được 4 tuần, lợn có đáp ứng miễn dịch phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi, thời gian miễn dịch kéo dài hơn 4 tháng.

Vacxin đã được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên thực tế với kết quả khả quan, hiệu quả đạt từ 90% trở lên. Hiện tại, công ty đang tiếp tục theo dõi những đàn lợn tiêm vacxin thử nghiệm cho tới khi xuất chuồng, đồng thời tiếp tục thử nghiệm diện rộng và đang thực hiện các thủ tục để xin bảo hộ sở hữu trí tuệ, xin lưu hành lâu dài.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Hanvet giới thiệu về vacxin. Ảnh: Đinh Mười.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Hanvet giới thiệu về vacxin. Ảnh: Đinh Mười.

“Vacxin HANVET ASF VAC đã có những bước đầu thành công và triển vọng, đặc biệt thành công khi sử dụng cho lợn nái. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có vacxin tốt hơn, hoàn thiện hơn và xin được lưu hành”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Vũ khẳng định.

Tại Hội thảo khoa học “Giới thiệu vacxin HANVET ASF VAC giải pháp hiệu quả phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi” do Công ty Hanvet tổ chức, các đại biểu trong và ngoài nước, cơ quan chức năng và các tập đoàn, công ty chăn nuôi cả nước đã được thông tin về quá trình nghiên cứu phát triển vacxin HANVET ASF VAC và kết quả thử nghiệm vacxin trong thực tế chăn nuôi.

Theo đó, đại diện Công ty Hanvet cho biết, doanh nghiệp đã trải qua hơn 5 năm nghiên cứu, sản xuất vacxin ASF, đến nay đã phân lập và có giống virus ASF ổn định để nghiên cứu, thí nghiệm công cường độc ASF HV19.

Công ty đã tạo ra được chủng giống virus ASF nhược độc khuyết 12 gen ít còn khả năng tái độc lực ASF HV21. Có tế bào HPC để nuôi ASF HV 21 ổn định, có quy trình sản xuất quy mô công nghiệp với giá thành hợp lý với cả HANVET ASF lợn nái và HANVET ASF cho lợn thịt.

Đến nay, số lợn thịt đã được tiêm thử nghiệm vacxin Hanvet ASF VAC là 15.000 con. Số lợn nái đã tiêm vacxin ASF VAC là 916 con, trong đó số nái hậu bị là 173 con, nái nuôi con là 159 con và nái chửa là 584 con.

Sau khi tiêm có 322 con đã đẻ và đẻ được 3.771 con, số lượng con sống là 3.514 con, đạt tỷ lệ 93,2%. Số con sống đến khi cai sữa là 3356 con, đạt tỷ lệ 95,5%.

Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, vacxin có thể bảo vệ đến 90% cho lợn thịt, đảm bảo an toàn cho tới khi xuất chuồng từ 90-100%. Với lợn nái, mức độ an toàn có hiệu lực cao hơn, từ 95-100%.

Đại diện Công ty Hanvet giới thiệu về kết quả thí nghiệm tiêm vacxin trên đàn lợn. Ảnh: Đinh Mười.

Đại diện Công ty Hanvet giới thiệu về kết quả thí nghiệm tiêm vacxin trên đàn lợn. Ảnh: Đinh Mười.

Trong khi đó, kết quả thí nghiệm trên diện rộng tại vùng có dịch có nguy cơ cao cho thấy, sau khi tiêm vacxin được 28 ngày sẽ miễn dịch. Với đàn lợn thịt, sau khi thử nghiệm tiêm vacxin đã cho tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất chuồng đạt từ 50-90%.

Với lợn nái (gồm cả hậu bị, chờ phối, nái nuôi con và nái chửa) cho thấy, tỷ lệ sống đạt trên 91%, tỷ lệ lợn con đẻ ra bình thường đạt 95%, nuôi sống tốt, đã cai sữa. Trường hợp nái chưa đẻ, các chỉ tiêu sinh trưởng, tiêu tốn thức ăn mở mức bình thường hoặc tốt. Với lợn đực giống, sau khi tiêm vacxin, không phát hiện có virus trong tinh dịch.

Sau khi lắng nghe thông tin cung cấp từ đại diện Công ty Hanvet, các đại biểu đã trao đổi xoay quanh nhiều vấn đề nhiều nội dung liên quan như: vấn đề an toàn của vacxin HANVET ASF VAC có gây biến chứng, nguy cơ lây nhiễm chéo, thuộc bảo hộ biến chủng nào, đã tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi của đơn vị khác có được tiếp tục tiêm thêm vacxin HANVET ASF VAC không, dấu hiện nhận biết, triệu chứng, thời điểm gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn,…

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ, ngoài thành tựu một số công ty đã đạt được trong việc sản xuất cấp phép lưu hành vacxin phòng dich tả lợn Châu Phi, Hanvet cũng đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu trong việc sản xuất vacxin chăn nuôi.

Bằng những nghiên cứu khoa học, trách nhiệm những sản phẩm của Công ty Hanvet thận trọng trong từng bước đi.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ về vacxin HANVET ASF VAC. Ảnh: Đinh Mười.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ về vacxin HANVET ASF VAC. Ảnh: Đinh Mười.

“Hôm nay, Công ty Hanvet đã đạt được những kết quả bước đầu, tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu và thận trọng. Hy vọng, Hanvet cùng với các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước tiếp tục phối hợp nghiên cứu để được nhà nước cấp phép công nhận và phục vụ đại trà trong ngành chăn nuôi”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương cho hay.

Những năm qua, bệnh dịch tả lợn Châu Phi như một cơn bão, đã càn quét người chăn nuôi lợn ở khắp nơi, ở nước ta hàng nghìn trang trại đã bị ảnh hưởng nặng nề, hàng chục vạn hộ chăn nuôi đã bị ảnh hưởng sâu sắc, không có khả năng phục hồi, tác động to lớn tới an sinh xã hội.

Sau thời gian dài được khống chế, gần đây, dịch tả lợn Châu Phi lại tái bùng phát tại nhiều tỉnh, thành,… khiến người dân lao đao, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn và giá lợn vừa mới tăng trở lại.

Hơn bao giờ hết, bài toán sản xuất được vacxin dịch tả lợn Châu Phi để phục vụ cho ngành chăn nuôi được đặt ra cấp bách cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan.

Tham dự "Hội thảo khoa học giới thiệu vacxin HANVET ASF VAC và giải pháp hiệu quả phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi” còn có các đại biểu gồm: Phó Thư Ký Bộ Nông nghiệp Philippines, chuyên trách về chăn nuôi gia súc; Phó Giám đốc Phòng sản xuất vacxin, cơ quan Chính phủ Myanmar; Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Cao Bằng, Nam Định cùng các Tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lợn ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Xem thêm
Hiện đại hóa trong chăn nuôi: [Bài 2] Công nghệ giúp trang trại bò sữa bội thu

BÌNH DƯƠNG Những thành công của Công ty Anova Agri Bình Dương đang tạo động lực cho ngành chăn nuôi địa phương chuyển dịch từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hiện đại.

Thị xã Giá Rai có vụ lúa - tôm lãi nhất từ trước tới nay

BẠC LIÊU Năng suất lúa trong mô hình lúa - tôm đạt 7 - 7,5 tấn/ha, giá lúa cao nên nông dân có lãi hàng trăm triệu đồng/ha, cao nhất từ trước tới nay.

Sinh viên cũng là những nhà nghiên cứu khoa học

Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ dành 500 đề tài cho sinh viên nghiên cứu khoa học và hàng tháng, hàng quý sẽ tổ chức cho các em đăng ký, thi các ý tưởng.