Hậu Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá mạnh. Nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng hoa màu hay cây ăn trái. Đa phần các mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng khác, rất phù hợp trong điều kiện hạn mặn như hiện nay. Qua đó, nhiều hộ vươn lên khá giàu.
Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hậu Giang cho biết: Tính từ đầu năm 2017 đến nay diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa là 3.503ha. Riêng vụ Đông Xuân 2019-2020 đã chuyển đổi 205 ha chủ yếu chuyển sang các loại cây trồng ngắn ngày như bắp, mía, rau màu các loại, mè, đậu xanh, dưa hấu, dưa lê... Đồng thời tiếp tục chuyển đổi 531 ha sang cây lâu năm trong vụ hè thu 2020.
Hiện một số huyện mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa sang rau màu, gồm Long Mỹ, Châu Thành A và Vị Thủy. Điển hình là mô hình trồng dưa leo 2,2 ha của anh Trần Thanh Tâm ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy mỗi năm trồng 4 vụ dưa cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Anh Tâm cho biết: Trước đây 2,2 ha đất của gia đình chủ yếu sản xuất lúa cuối vụ bán thường gặp giá cả bắp bên, qua nhiều năm không có lãi. Chính vì vậy hơn 3 năm nay tôi chuyển toàn bộ đất lúa sang trồng các loại rau màu như dưa leo, bí, bầu, mướp, khổ qua… cho thu nhập gấp hàng chục lần so với trồng lúa.
Vụ hè thu và thu đông năm nay anh Tâm trồng dưa leo với diện tích 2,2ha, bình quân dưa leo trồng khoảng 35-37 ngày cho thu hoạch, và kéo dài thu hoạch từ 15-20 ngày dứt đợt. Hiện ruộng dưa của anh Tâm ngày nào cũng cho thu hoạch, năng suất cả vụ là 3,5-4 tấn/công. Dưa leo sau khi thu hoạch bán tại ruộng cho thương lái với giá 9.000 - 10.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí còn lãi 28 - 30 triệu đồng/công/vụ.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện Vị Thủy cho biết: Hiện tại toàn huyện có hơn 40ha đất chuyển đổi từ đất lúa sang trồng màu, đa phần các hộ trồng màu ở địa phương theo hướng an toàn và được nhiều doanh nghiệp đứng ra ký kết với nông dân cung cấp vật tư đầu vào như: giống, phân thuốc hữu cơ và hướng dẫn kỹ thuật trồng. Đồng thời, cuối vụ doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân, vì vậy nông dân yên tâm chú tâm lo sản xuất để tăng năng suất và chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Nhiều nông dân trồng màu nơi đây cho biết, canh tác cây màu tuy cực hơn so với canh tác cây ăn trái hay lúa nhưng trồng trong thời gian ngắn ngày, cho thu nhập cao và ổn định. Bình quân một năm có thể luân canh 4 vụ, tùy theo giá cả thị trường từng mùa vụ mà có thể chọn giống hoa màu nào phù hợp để trồng bán được giá cao.
Anh Phùng Văn Phúc ở cùng xã với anh Trần Thanh Tâm có 3ha đất lúa. Hiện nay anh Phúc chuyển 1ha đất lúa sang trồng cà phổi và 2ha còn lại sang trồng tràm. Anh Phúc cho biết: Cà phổi trồng 50-55 ngày là cho thu hoạch. Ruộng của anh đang bước vào cao điểm hái trái bán cho thương lái với giá từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi 25-28 triệu đồng/công/vụ.
Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hậu Giang cho biết thêm: Diện tích chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang các loại cây trồng khác tại Hậu Giang mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho lợi nhuận bình quân từ 70 triệu đến gần 500 triệu đồng/ha/năm tùy từng loại cây trồng. Riêng luân canh rau màu trên nền đất lúa mang lại lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa độc canh.