| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang 'phủ kín' cán bộ thú y 3 cấp từ tỉnh đến xã

Thứ Hai 16/09/2024 , 06:30 (GMT+7)

Lực lượng thú y được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở theo 3 cấp, đảm bảo nhân lực phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi và tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm.

Cán bộ thú y xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi của hộ dân, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ thú y xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi của hộ dân, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trịnh Hùng Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hậu Giang cho biết, thực hiện quy định của Luật Thú y 2015 và và các hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, tỉnh Hậu Giang đã kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y từ tỉnh đến cơ sở theo 3 cấp. Theo đó, cấp tỉnh có Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cấp huyện có Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cấp xã, phường có viên chức phụ trách thú y.

Để hệ thống tổ chức tinh gọn, tập trung được nguồn lực, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong tình hình mới, đồng thời quy định rõ chức năng nhiệm vụ, Sở NN-PTNT Hậu Giang đã ban hành “Đề án Tổ chức lại các Trạm trực thuộc Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Hậu Giang”, với tổng số biên chế công chức, viên chức, người lao động là 158 người.

Đặc biệt, tháng 3/2024, Sở NN-PTNT Hậu Giang đã tổ chức tuyển dụng lực lượng kiểm soát giết mổ vào hệ thống biên chế viên chức chính thức của tỉnh. Lực lượng này được đảm bảo các chế độ làm việc, hưởng các chế độ chính sách, tạo điều kiện cho họ an tâm, gắn bó công tác.

Qua đó, góp phần tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ thú y, nhất là công tác phòng, khống chế và dập tắt các dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, thủy sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường. Ngoài ra, hệ thống cơ sở giết mổ được sắp xếp từng bước ổn định, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh gia súc, gia cầm và an toàn thực phẩm.

Ngành nông nghiệp Hậu Giang đang chuyển dịch phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất nông nghiệp và là nguồn tăng thu nhập của nông hộ. Tổ chức lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở được trang bị đầy đủ các điều kiện và phương tiện để kịp thời khống chế khi có dịch bệnh xảy ra.

Nhờ củng cố lực lượng quản lý chuyên ngành thú y theo 3 cấp từ tỉnh đến xã, Hậu Giang đang phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, trong đó hiện đang duy trì đàn heo trên 146 ngàn con. Ảnh: Trung Chánh.

Nhờ củng cố lực lượng quản lý chuyên ngành thú y theo 3 cấp từ tỉnh đến xã, Hậu Giang đang phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, trong đó hiện đang duy trì đàn heo trên 146 ngàn con. Ảnh: Trung Chánh.

Nhờ lực lượng thú y được củng cố từ tỉnh đến cơ sở, nên việc tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi luôn đầy đủ, công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi thực hiện thường xuyên. Do đó, từ đầu năm đến nay tình hình dịch, bệnh trên đàn vật nuôi tại Hậu Giang luôn được kiểm soát tốt. Các ổ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi được phát hiện kịp thời và khống chế, không để lây lan ra diện rộng.

Việc kiểm soát an toàn thực phẩm được quan tâm, thực hiện thường xuyên, nhận thức và hành động của các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Các cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã chủ động đăng ký hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Đặc biệt, đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang không còn cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản loại C. Số mẫu giám sát dư lượng vượt giới hạn cho phép giảm rất đáng kể: năm 2020 có 3/277 mẫu, năm 2021 có 15/212 mẫu, năm 2022 có 6/71 mẫu và năm 2023 có 2/544 mẫu.

Hiện, Hậu Giang đang có tổng đàn vật nuôi khoảng 4,7 triệu con, trong đó, đàn gia cầm chiếm số lượng lớn, với gần 4,5 triệu con, heo khoảng 146.000 con, trâu và bò trên 5.000 con. Đối với chăn nuôi heo, nuôi với quy mô lớn, vừa và nhỏ có trên 65.000 con, chiếm khoảng 45% so với tổng đàn.

Xem thêm
Nâng cao sức đề kháng vật nuôi sau bão lũ

Cần coi việc xử lý môi trường chăn nuôi và nâng cao sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi có tính cấp bách không kém gì công tác phòng chống bão lũ.

Băn khoăn làm lúa 3 vụ/năm: [Bài 1] Áp lực dịch hại, tăng chi phí trên cánh đồng lúa 3 vụ

ĐỒNG THÁP Việc thâm canh 3 vụ lúa/năm ở vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp đang bộc lộ nhiều hạn chế do áp lực sâu bệnh, dịch hại, đội chi phí sản xuất tăng cao.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất