| Hotline: 0983.970.780

Đàn trâu Hậu Giang giảm do thiếu đất chăn thả

Thứ Sáu 17/11/2023 , 13:33 (GMT+7)

Nghề nuôi trâu có đặc tính chăn thả nhưng do diện tích đất hoang hóa tự nhiên ngày càng thu hẹp khiến đàn trâu tại Hậu Giang suy giảm.

Tổng đàn trâu giảm nhanh

Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Hậu Giang cho biết, chăn nuôi những tháng qua trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tổng đàn vật nuôi không có biến động nhiều so với tháng trước.

Riêng đối với chăn nuôi gia súc, hiện giá heo hơi có chiều hướng tăng, giá thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt, đây là cơ hội để các hộ chăn nuôi tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, riêng đối với chăn nuôi đại gia súc, trong khi đàn bò có xu hướng tăng, ngược lại đàn trâu lại giảm mạnh.

Cụ thể, đàn bò toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 4.017/3.690 con so với kế hoạch cả năm. Đàn trâu giảm còn 1.258/1.430 con so với kế hoạch năm. Không chỉ không đạt số lượng theo kế hoạch mà so với cùng kỳ năm ngoái, đàn trâu của Hậu Giang đã giảm gần 180 con.

Nghề nuôi trâu có đặc tính chăn thả rông, cần có những diện tích đất hoang hóa tự nhiên rộng để trâu tự do đi lại, ăn cỏ. Ảnh: Trung Chánh.

Nghề nuôi trâu có đặc tính chăn thả rông, cần có những diện tích đất hoang hóa tự nhiên rộng để trâu tự do đi lại, ăn cỏ. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Cường, nghề nuôi trâu có đặc tính thích hợp với chăn thả rông nhưng hiện do phát triển sản xuất nông nghiệp, quá trình đô thị hóa nên diện tích đất hoang hóa ngày càng bị thu hẹp, khiến người chăn nuôi trâu gặp khó về bãi chăn thả.

Hơn nữa, thời gian nuôi trâu kéo dài hơn các loài khác, hiệu quả kinh tế không cao. Nhu cầu nuôi trâu để sử dụng sức kéo hiện nay cũng không còn nên nhiều hộ nông dân không còn mặn mà với việc nuôi trâu tại nhà. Từ đó, dẫn đến tổng đàn trâu của tỉnh Hậu Giang ngày càng sụt giảm.

Nhu cầu trâu để giết mổ luôn cao

Trong khi tổng đàn trâu nuôi ngày càng giảm, nhu cầu trâu để giết mổ luôn cao.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Hậu Giang, trong tháng lực lượng thú y đã kiểm soát giết mổ được 152 con trâu, bò, dê, 17.324 con heo và 78.195 con gia cầm.

So với tháng trước, giảm 327 con heo và 2.515 con gia cầm giảm, tăng  23 con trâu, bò. Cụ thể, số trâu nông dân xuất chuồng để bán phục vụ nhu cầu giết mổ trong tháng là 35 con, tính chung từ đầu năm đến nay trên 350 con. Sản lượng trên thịt hơi khoảng 120 tấn.

Quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp và đô thị hóa đã làm diện tích đất hoang hóa tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, người chăn nuôi trâu gặp khó về bãi chăn thả khiến đàn trâu giảm mạnh. Ảnh: Trung Chánh.

Quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp và đô thị hóa đã làm diện tích đất hoang hóa tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, người chăn nuôi trâu gặp khó về bãi chăn thả khiến đàn trâu giảm mạnh. Ảnh: Trung Chánh.

Do nhu cầu trâu để xẻ thịt luôn cao, nên một số hộ dân từng nuôi trâu lấy sức kéo trước đây giờ chuyển sang nuôi trâu vỗ béo.

Anh Nguyễn Thành Đồng, một hộ dân nuôi trâu ở Long Mỹ, Hậu Giang, nay chuyển sang mua trâu vỗ béo bán cho các lò mổ.

Hàng ngày, anh đi tìm mua những con trâu gầy, trâu cái có chửa về vỗ béo và nuôi cho sinh sản. Nếu chăm sóc tốt, từ một con trâu gầy thành con trâu mập mạp sẽ tăng thêm vài chục ký, còn trâu cái sẽ sinh sản thêm nghé.

Theo anh Đồng, mỗi con trâu bán mổ thịt có trọng lượng hơi trung bình từ 300 - 350 kg, tùy trâu đực hay trâu cái. Nếu mua từ hộ dân nuôi trâu về bán cho lò mổ luôn giá chênh lệch từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Còn bỏ công cắt cỏ nuôi vỗ béo phần trọng lượng tăng thêm là lãi ròng. Vì vậy, mỗi tháng chỉ cần mua bán vài con trâu là đã có thu nhập cả chục triệu đồng.

Hiện nay, do giao thông đi lại thuận tiện, việc mua bán trâu được chuyên chở bằng xe tải. Khi xem trâu chốt giá xong, chỉ cần gọi điện thoại cho tài xế chạy xe tới bắt và chở về.  

Để phát triển nghề nuôi trâu và duy trì đàn vật nuôi, tỉnh Hậu Giang từng triển khai Đề tài “Nghiên cứu mô hình chăn nuôi trâu theo phương thức nuôi nhốt hoặc bán chăn thả tại tỉnh Hậu Giang”.

Đề tài nhằm phục hồi và phát triển chăn nuôi trâu trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân và kinh tế xã hội.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.