Phiên tòa xét xử vụ án bán rẻ cổ phần Nhà nước cho tư nhân xảy ra tại Công ty Sadeco, vừa được Tòa án Nhân dân TP.HCM đưa ra hình phạt thích đáng với các đối tượng sai phạm. Bị cáo Tất Thành Cang - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM bị tuyên phạt 10 năm tù giam về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Nói lời cuối cùng trước hội đồng xét xử, bị cáo Tất Thành Cang cho rằng: “Đây là điều đau xót nhất cuộc đời, đây là điều không ai mong muốn bao giờ kể cả khách quan và chủ quan. Bị cáo khẳng định, quá trình làm việc không bao giờ cố ý sai phạm. Quá trình công tác hơn 30 năm, bị cáo chưa bao giờ sợ khó, sợ khổ, đổ lỗi cho cấp dưới, cấp trên, dám làm dám chịu”.
Bị cáo Tất Thành Cang phải trả giá cho hành vi của mình, không có gì bàn cãi. Thế nhưng, sự kém tu dưỡng của Tất Thành Cang khi được giao trọng trách, đã nảy sinh thêm hậu quả ê chề khác. Đó là những giấy tờ vinh danh cá nhân và tập thể từng được ban hành, do Tất Thành Cang ký, đang dẫn đến không ít hệ lụy bẽ bàng.
Ngày 26/12/2018, Tất Thành Cang bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM. Vậy mà, trước đó ít hôm, chính Tất Thành Cang lại ký một loạt bằng chứng nhận trao tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, 45 năm tuổi Đảng và 50 năm tuổi Đảng. Lúc ấy, nhiều cán bộ lão thành đã thắc mắc, tại sao một quan chức như Tất Thành Cang đã có tai tiếng và đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, mà vẫn được quyền thay mặt Thành ủy TP.HCM để ký vào những giấy tờ quan trọng.
Cụ thể hơn, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thu - cựu chiến binh, nguyên giảng viên Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM đã phản ứng gay gắt tại lễ trao tặng danh hiệu, và viết một bài thơ vào ngày 28/12/2018 gửi đến Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân đang giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM: “Bao cán bộ lão thành/ Tặng danh hiệu tôn vinh/ Chỉ buồn người ký nó/ Lại là tên lưu manh/ Ông giáo sư tiến sĩ/ Vốn là người thông minh/ Trước sự kiện nhạy cảm/ Vô tâm hay vô tình/ Phải thu hồi tất cả/ Thay bằng chữ ký ông/ Không, chúng tôi sẽ trả/ Vì nghĩ mà tủi công”.
Những quyết định vinh danh luôn là niềm tự hào của những người được nhận và thường được treo ở vị trí trang trọng nhất trong mỗi ngôi nhà. Oái oăm thay, bây giờ nhiều cán bộ lão thành phải đau đớn với cái bằng ghi nhận đóng góp của mình, lại có chữ ký Tất Thành Cang. Hậu quả gián tiếp từ quan chức tha hóa, phải giải quyết làm sao? Cần công bằng và cần thiện chí thu hồi những bằng chứng nhận do Tất Thành Cang ký, và đổi lại bằng chứng nhận có chữ ký của lãnh đạo tử tế hơn.