| Hotline: 0983.970.780

Hậu quả từ vụ thử bom trong không gian của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh

Thứ Bảy 10/12/2022 , 09:43 (GMT+7)

Một tia sáng trắng rực rỡ đốt cháy các đám mây nhanh chóng biến thành một quả bóng bức xạ màu xanh lá cây ngày càng phình to ra trên bầu trời

A1

Quang cảnh vụ nổ hạt nhân trong không gian do Starfish Prime gây ra từ Honolulu, Hawaii, ngày 9/7/1962. Ảnh: ATI.

Tháng 7/1962, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ phóng một đầu đạn nhiệt hạch 1,4 megaton vào không gian, gần 400 km bên trên Thái Bình Dương.

Đêm đó, bầu trời Thái Bình Dương bỗng bùng một mảng màu tuyệt đẹp có thể được nhìn thấy từ quần đảo Hawaii, Mỹ, đến New Zealand. Nhưng màn trình diễn ánh sáng đó không phải một hiện tượng kỳ diệu của tự nhiên mà là hiệu ứng từ vụ thử bom hạt nhân tầm cao mang tên Starfish Prime.

Được phóng bởi Mỹ, Starfish Prime là một phần của Chiến dịch Fishbowl, gồm hàng loạt các vụ thử hạt nhân nhằm giúp Washington đạt được hai mục tiêu: Phô diễn sức mạnh nguyên tử và đơn giản là xem điều gì sẽ xảy ra khi một quả bom hạt nhân phát nổ ở độ cao lớn.

Nhưng không ai có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra sau vụ thử hạt nhân lớn nhất mà Mỹ từng thực hiện trong không gian này. Hậu quả của nó là nhiều vệ tinh bị hỏng, hệ thống điện suy yếu và bức xạ tồn tại trong bầu khí quyển suốt nhiều năm.

Thời điểm Mỹ tiến hành vụ thử hạt nhân Starfish Prime, gần 20 năm đã trôi qua kể từ sau vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, thời Thế chiến II. Vậy tại sao Washington lại quyết định thử hạt nhân trong không gian?

Theo tạp chí Discover, một trong số các lý do là Liên Xô. Dù hai cường quốc hạt nhân đã ganh đua nhau kể từ khi Liên Xô thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân vào năm 1949, Mỹ và Liên Xô chỉ thống nhất đình chỉ các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong khí quyển vào năm 1958.

Tuy nhiên, đến năm 1961, Liên Xô lại bắt đầu thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh đó, Mỹ, lo ngại rằng một quả bom hạt nhân tầm cao do Liên Xô phóng có thể hạ gục các tên lửa liên lục địa của nước này, bắt đầu phát triển những cuộc thử nghiệm hạt nhân tầm cao của riêng mình trong dự án mang tên Chiến dịch Fishbowl.

Nhưng như tạp chí Smithsonian giải thích, Mỹ cũng muốn thử vũ khí hạt nhân tầm cao vì những lý do khác ngoài việc cạnh tranh với Liên Xô.

A2

Một vụ nổ hạt nhân trong Chiến dịch Dominic của Mỹ tháng 5/1962. Ảnh: Universal History Archive.

Năm 1958, nhà vật lý tên là James A. Van Allen đã công bố phát hiện của ông về các vành đai bức xạ ngoài vũ trụ, được đặt tên là vành đai Van Allen, mà một số người tin rằng sẽ khiến việc du hành không gian trở nên bất khả thi. Nhiều người đưa ra giả thuyết Mỹ muốn biến những vành đai này thành vũ khí.

Chiến dịch Fishbowl muốn xem điều gì sẽ xảy ra với các vành đai bức xạ sau một vụ nổ hạt nhân trong không gian. Nhưng trong 5 cuộc thử nghiệm của nó, Starfish Prime là vụ thử lớn nhất.

Mỹ không giấu giếm về dự án Starfish Prime, được lên kế hoạch thực hiện vào ngày 9/7/1962, sau vụ phóng thất bại trước đó vào ngày 20/6. Tạp chí Smithsonian cho hay tin tức về cuộc thử nghiệm đã thổi bùng lên phong trào biểu tình trên khắp thế giới, bên cạnh những kế hoạch tổ chức theo dõi nó ở Hawaii. “Vụ nổ hạt nhân tối nay có thể rất chói lọi”, một tờ báo ở Honolulu đưa tin.

Starfish Prime được phóng vào khoảng 23h đêm. 13 phút sau, quả bom khinh khí 1,45 megaton phát nổ phía trên đảo Johnston ở Thái Bình Dương khoảng 400 km.

“Một tia sáng trắng rực rỡ đốt cháy các đám mây nhanh chóng biến thành một quả bóng bức xạ màu xanh lá cây ngày càng phình to ra trên bầu trời”, những người chứng kiến mô tả. “Bầu trời như bị đốt cháy và “một cầu vồng trắng cực lớn” gây chói mắt hiện lên trong 7 phút.

“Có vẻ như một Mặt trời mới đã được tạo ra, bùng cháy trong thời gian ngắn nhưng đủ lâu để đốt cháy cả bầu trời”, báo Hilo Tribune-Herald viết.

Các nhân chứng khác cho hay toàn bộ bầu trời sáng lên “theo mọi hướng”, như thể đó là buổi trưa, và theo Smithsonian, vài người xem ở tận Fiji, cách nơi phóng hơn 3.200 km, gọi nó là một vụ nổ “ngoạn mục”.

Nhưng Starfish Prime không chỉ thắp sáng bầu trời. Sau vụ nổ, đèn đường ở Hawaii tối om, điện thoại ngừng hoạt động, máy bay bị chập điện và đài phát thanh im bặt.

“Một số hệ thống điện và điện tử ở quần đảo Hawaii, nơi cách xa 1.400 km, cũng bị ảnh hưởng, gây ra hỏng hóc hệ thống đèn đường, ngắt cầu dao điện, kích hoạt báo động chống trộm và làm hỏng các cơ sở kết nỗi viễn thông”, trang IFL Science trích dẫn một báo cáo năm 2012 về Starfish Prime.

Bên cạnh đó, sóng bức xạ từ Starfish Prime còn phá hỏng các vệ tinh trên đường đi của nó. National Geographic cho biết rằng vụ nổ đã làm hỏng Telstar 1, vệ tinh đầu tiên trên thế giới phát tín hiệu truyền hình trực tiếp, Ariel-1, vệ tinh đầu tiên của Anh, và một số vệ tinh khác.

“Chúng tôi bất ngờ vì mức độ thiệt hại của nó”, David Sibeck, chuyên gia từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), thừa nhận.

Thực tế, Starfish Prime còn mang đến những tác động lâu dài hơn thế. Theo kênh National Geographic, vụ nổ đã tạo ra một vành đai bức xạ nhân tạo tồn tại trong không gian suốt một thập kỷ. IFL Science báo cáo rằng vành đai này thậm chí còn mạnh hơn cả vành đai Van Allen.

Dù vậy, kỷ nguyên thử nghiệm hạt nhân tầm cao chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10/1962 đã khiến cả hai siêu cường lo sợ. Đôi bên đều nhận ra rằng thế giới đang tiến gần đến một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện đầy nguy hiểm.

“Thật điên rồ khi hai người đàn ông, ngồi ở hai phía đối lập của thế giới, lại có thể quyết định tồn vong của nền văn minh”, tổng thống Mỹ John F. Kennedy nói tại một cuộc họp ở Nhà Trắng lúc bấy giờ.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.