Angela Stent, chuyên gia hàng đầu về Nga từng phục vụ tại Văn phòng Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1999 đến 2001, đồng thời là sỹ quan tình báo quốc gia tại Hội đồng Tình báo Quốc gia từ năm 2004 đến 2006, nói với Insider rằng: "Rõ ràng quyền lực của ông Putin không còn mạnh như trước ngày 23/2”, một ngày trước khi ông phát động cuộc tấn công quân sự đặc biệt vào Ukraine.
Theo đó, cuộc chiến đã không đi theo hướng của ông Putin. Vào tháng 8, Lầu Năm Góc cho biết, thương vong của quân đội Nga có thể lên tới 80.000 người, và con số này có thể đã tăng lên trong những tháng gần đây.
Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lực lượng của Nga, ông Putin đã phải tuyên bố lệnh động viên quân một phần, cũng như áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, nhưng mọi thứ đang không diễn ra như ý. Thậm chí đã có sự phản đối, chỉ trích của ngay chính những người trong nội bộ Điện Kremlin đối với kế hoạch của nhà lãnh đạo Nga, và hàng chục nghìn người dân đã bỏ trốn ra khỏi đất nước.
Bà Stent nói, quân đội Nga dường như "không đủ năng lực" và tình hình "có vẻ ngày một tồi tệ" đối với Putin. “Đây chắc chắn là thời điểm bấp bênh nhất” trong 22 năm cầm quyền của ông Putin.
Với cương vị hiện nay là giáo sư Georgetown và là thành viên cấp cao tại Viện Brookings, bà Stent cho hay, những diễn biến về cuộc khủng hoảng Ukraine gần đây cũng cho thấy những dấu hiệu là Ấn Độ và Trung Quốc, những quốc gia từng có xu hướng đứng về phía Moscow cũng đã “tỏ thái độ” đối với cuộc chiến của Nga, và thậm chí còn đang "rất cẩn trọng" với những gì mà ông Putin đang làm.
Theo bà Stent, chính những lời đe dọa hạt nhân lặp đi lặp lại của ông Putin kể từ khi chiến tranh nổ ra có thể "giảm nhẹ" khả năng các nước như vậy ủng hộ hết mình cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Và với việc Nga đang gặp khó khăn ở Ukraine chứng tỏ, các mối đe dọa hạt nhân cũng không giúp ích gì cho ông Putin.
Vào cuối tháng 9, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết, Mỹ đã cảnh báo với Nga rằng sẽ có "hậu quả thảm khốc" một khi vũ khí hạt nhân được sử dụng.
Một số nhà phân tích cho rằng, các mối đe dọa hạt nhân của ông Putin phần lớn chỉ là đòn gió nhằm đe dọa phương Tây để khiến những nước này không tiếp tục ủng hộ Kiev, sau khi Washington đã viện trợ an ninh cho Ukraine hàng tỷ USD, trong đó có những vũ khí đóng vai trò then chốt trên chiến trường.
Chuyên gia Stent nói: Tôi không cho rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là điều sắp xảy ra, đồng thời nhấn mạnh rằng ông Putin muốn chờ xem liệu việc huy động thêm lực lượng có hiệu quả hay không, trước khi thực hiện các bước leo thang mới ngoài các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng như nhà máy điện và hồ đập. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các mối đe dọa hạt nhân của Putin có thể bị loại bỏ hoàn toàn.
Trong diễn biến liên quan, tại một sự kiện hôm 6/10 do Viện Lowy tổ chức, giám đốc điều hành viện nghiên cứu chính sách hàng đầu của Australia Michael Fullilove hỏi Tổng thống Ukraine ông Volodymyr Zelensky rằng: Liệu ông có tin Nga sẽ dùng vũ khí hạt nhân để chống lại Ukraine và liệu Kiev có muốn NATO làm gì hơn nữa để ngăn chặn Mosco? Nhà lãnh đạo Ukraine đáp lại: "NATO nên làm gì ư? Đó là cần loại bỏ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Tôi một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế, như đã làm trước ngày 24/2, chúng ta cần tấn công phủ đầu để họ biết điều gì sẽ xảy ra nếu sử dụng vũ khí hạt nhân". Ông cũng nhấn mạnh: "Đừng chờ đợi các cuộc tấn công hạt nhân của Nga. Hãy xem xét lại cách gây áp lực. Những gì NATO nên làm là xem xét lại trình tự gây áp lực với Nga".