| Hotline: 0983.970.780

Phi đội ‘phù thủy bóng đêm’ khiến phát xít Đức khiếp sợ

Chủ Nhật 01/01/2023 , 14:51 (GMT+7)

Các thành viên nữ của Trung đoàn Ném bom Đêm 588 Liên Xô đã vẽ hoa trên máy bay của họ và tấn công lực lượng Đức Quốc xã trên khắp Mặt trận phía Đông.

A1

Các nữ phi công thuộc Trung đoàn Ném bom Đêm 588 Liên Xô. Ảnh: Wikimedia Commons.

Những nữ phi công thuộc Trung đoàn Ném bom Đêm 588 của không quân Liên Xô được mọi người biết đến với biệt danh “phù thủy bóng đêm” bởi họ đã trở thành nỗi khiếp sợ đối với phát xít Đức khi trong tay không có radar, súng máy, radio hay dù. Tất cả những gì họ có trên máy bay của mình là bản đồ, la bàn, thước kẻ, đồng hồ bấm giờ, đèn pin và bút chì.

Bất chấp những khó khăn, họ đã thực hiện thành công 30.000 cuộc ném bom và thả hơn 23.000 tấn chất nổ xuống các đội quân tiến công của Đức Quốc xã trong suốt 4 năm thời Thế chiến II.

Nữ phi đội “phù thủy bóng đêm” là bằng chứng cho thấy tinh thần quả cảm cũng như khao khát muốn tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến của phụ nữ Liên Xô. Nhiều người đã cảm thấy quá chán nản khi phải đóng vai trò hỗ trợ nơi hậu phương và muốn trực tiếp tham gia chiến đấu trên tiền tuyến.

Ngay từ khi chiến tranh mới nổ ra, đại tá Marina Raskova, nữ phi công mệnh danh là “Amelia Earhart của Liên Xô”, đã nhận được thư từ vô số phụ nữ muốn tham gia chiến trận. Raskova nghiêm túc tiếp nhận lời thỉnh cầu của họ và đề nghị lãnh đạo Joseph Stalin tổ chức một trung đoàn gồm các nữ phi công chiến đấu chống lại quân Đức.

A2

Một chiếc máy bay Polikarpov Po-2, giống với mẫu mà các “phù thủy bóng đêm” Liên Xô từng sử dụng. Ảnh: Wikimedia Commons.

Tháng 10/1941, Stalin đã chấp thuận yêu cầu của bà và ra lệnh thành lập ba phi đội toàn nữ, biến Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên cho phép phụ nữ thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu. Trung đoàn Máy bay Ném bom Đêm 588 hay những “phù thủy bóng đêm” cũng ra đời từ đây.

Năm 1942, quá trình chiêu mộ thành viên cho trung đoàn bắt đầu diễn ra ở Engels, thị trấn nhỏ gần Stalingrad. Khoảng 400 phụ nữ đã xung phong nhập ngũ, có tuổi đời từ 17 đến 26. Những phi công chiến đấu tương lai này được chính Marina Raskova chào đón.

Những người phụ nữ trẻ được trao đồng phục với kích cỡ quá khổ bởi chúng vốn dành cho nam. Một số người thậm chí còn xé ga trải giường để nhét vào ủng nhằm ngăn chúng tuột khỏi chân. Hơn nữa, thiết bị của họ cũng lỗi thời. Máy bay cũ kỹ, rỉ sét đến nỗi khó ai có thể nghĩ chúng sẽ được dùng trong chiến đấu.

Những chiếc máy bay Polikarpov Po-2 này, với hai chỗ ngồi, buồng lái mở, được làm bằng gỗ dán với bạt phủ bên ngoài, không có tác dụng bảo vệ phi công khỏi các yếu tố thời tiết. Ban đêm, vào mùa đông, họ phải nghiến răng chịu đựng nhiệt độ dưới 0 độ C, gió buốt, cũng như nguy cơ bị tê cóng.

Bên cạnh đó, máy bay quá nhỏ nên chỉ có thể mang theo hai quả bom. Vì thế, các nữ phi công phải thực hiện trung bình tới 8 nhiệm vụ mỗi đêm. Nadezhda Popova, chỉ huy huyền thoại của phi đội, đã thực hiện tổng cộng 852 chuyến dội bom, xác lập kỷ lục triển khai 18 nhiệm vụ một đêm.

Ngoài ra, những chiếc máy bay này còn tồn tại những nhược điểm đáng kể như di chuyển chậm, rất dễ cháy và hoàn toàn không có giáp bảo vệ. Tuy nhiên, chúng cũng có một số lợi thế thực tiễn, mà đáng kể nhất là do cấu trúc thô sơ, chúng rất khó bị phát hiện trên màn hình radar trong đêm. Khi phi công tiếp cận gần mục tiêu, họ sẽ tắt động cơ, từ từ lượn tới đích. Và trên mặt đất, quân Đức có rất ít phương tiện giúp phát hiện máy bay, ngoại trừ âm thanh.

A3

Các nữ phi công xếp hàng tập trung tại một sân bay năm 1942. Ảnh: Wikimedia Commons.

Cách các phi công sử dụng kỹ thuật lượn của họ khiến binh lính phát xít Đức liên tưởng đến cán chổi phù thủy và đây cũng là nguồn gốc biệt danh “phù thủy bóng đêm”. Người Đức sợ hãi đến mức họ không dám châm thuốc vào ban đêm để không làm lộ vị trí. Trung đoàn 588 đã nghe về biệt danh của họ và coi đó như một chiến tích đáng tự hào.

Quá kinh ngạc trước kỹ năng của các nữ phi công Liên Xô, phát xít Đức đã lan truyền tin đồn rằng chính phủ Liên Xô cho họ sử dụng một loại thuốc thử nghiệm giúp họ tăng khả năng nhìn trong đêm, giống như mèo. Quân đội Đức phản ứng bằng cách lập tức trao huy chương Chữ thập Sắt danh giá cho bất kỳ ai có thể bắn hạ một “phù thủy bóng đêm”.

Nhận thức được những nhược điểm kỹ thuật của mình, các nữ phi công Liên Xô chỉ bay vào ban đêm. Và họ luôn bay theo nhóm ba chiếc: Hai trong số các máy bay sẽ đóng vai trò mồi nhử, thu hút ánh đèn pha và súng. Sau đó, hai máy bay sẽ bay ngược chiều nhau và xoay vòng dữ dội để tránh súng phòng không. Nhân cơ hội, chiếc thứ ba trong bóng tối hướng tới mục tiêu và thả bom. Cách tác chiến này sẽ được lặp lại cho đến khi tất cả ba máy bay thả hết số bom của mình.

Xuyên suốt cuộc chiến, phi đội “phù thủy bóng đêm” đã mất 32 phi công, trong đó có cả đại tá Raskova. Bà được tổ chức lễ tang cấp nhà nước và tro cốt chôn tại Điện Kremlin.

Trong khi đó, 23 phi công, gồm cả Popova, đã được trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Liên Xô. Dù vậy, các “phù thủy bóng đêm” lại bị loại khỏi cuộc duyệt binh mừng ngày chiến thắng ở Moskva. Nguyên nhân bởi máy bay của họ quá chậm.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.