TSMC là tập đoàn sản xuất chất bán dẫn của hòn đảo Đài Loan được coi là một lợi thế địa chính trị sống còn đối với Mỹ vì ảnh hưởng thống trị của nó đối với thị trường sản xuất chất bán dẫn thế giới. TSMC là nhà sản xuất chất bán dẫn số một thế giới với vốn hóa thị trường 426 tỷ USD. Tập đoàn này chuyên sản xuất những con chip tiên tiến nhất thế giới, tạo ra chất bán dẫn mà người Mỹ phụ thuộc hàng ngày để kích hoạt từ điện thoại iPhone, thiết bị y tế và thậm chí cả máy bay chiến đấu.
Theo một nguồn tin học giả, chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trùng hợp với nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục TSMC - nhà sản xuất chip (chất bán dẫn) lớn nhất thế giới mà Mỹ phụ thuộc rất nhiều. Hiện tập đoàn này đã thành lập nhà máy sản xuất tại bang Arizona và ngừng sản xuất chip tiên tiến cho các công ty Trung Quốc.
Mặc dù sự hậu thuẫn của Mỹ đối với eo biển Đài Loan trong lịch sử bắt nguồn từ nhiều yếu tố phức tạp và nhạy cảm. Tuy nhiên trong những năm gần đây, vấn đề quyền tự chủ của Đài Loan đã trở thành một lợi ích địa chính trị quan trọng đối với Mỹ do hòn đảo này thống trị thị trường sản xuất chất bán dẫn.
Chất bán dẫn hay còn gọi là chip máy tính hoặc chip vốn không thể thiếu trong tất cả các thiết bị nối mạng đã gắn liền với cuộc sống của nhân loại. Ngoài ra nó còn bao gồm cả các ứng dụng quân sự tiên tiến, nhất là khi thế hệ internet 5G có tốc độ chuyển đổi siêu nhanh ra đời đang cho phép một thế giới của mọi loại thiết bị được kết nối vạn vật (Internet of Things) và một thế hệ vũ khí nối mạng mới.
Với suy nghĩ này, các giới chức Mỹ từ thời chính quyền ông Donald Trump đã bắt đầu nhận ra rằng, các công ty thiết kế chất bán dẫn của Mỹ như Intel, phải phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng ở châu Á để sản xuất các sản phẩm của họ.
Đặc biệt, vị trí của Đài Loan về sản xuất chất bán dẫn cũng tương tự như vị thế của Ả Rập Xê Út trong khối OPEC (tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa), khi nhà sản xuất chất bán dẫn TSMC chiếm 53% thị phần toàn cầu (các nhà máy được ký hợp đồng sản xuất chip được thiết kế ở các nước khác). Chưa kể, các nhà sản xuất khác có trụ sở tại Đài Loan cũng chiếm thêm 10% thị phần thế giới.
Theo các chuyên gia, trên thực tế chỉ có TSMC và tập đoàn điện tử Samsung (Hàn Quốc) mới có thể tạo ra các chất bán dẫn thế hệ mới, điều này có khả năng “gây rủi ro cho khả năng cung cấp các nhu cầu cơ sở hạ tầng quan trọng và an ninh quốc gia của (Mỹ) trong cả hiện tại và tương lai”. Trong khi đó mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là thống nhất lãnh thổ Đài Loan sẽ đe dọa nhiều hơn đến lợi ích của Mỹ.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu các con chip đi vào điện thoại 5G, máy chủ điện toán đám mây, phương tiện tự hành và cả vũ khí được sản xuất bởi một Đài Loan đã được tích hợp vào Trung Quốc đại lục? Mặc dù kịch bản này là đáng báo động, nhưng nó cũng là chìa khóa cho chiến lược dài hạn của Mỹ ở eo biển Đài Loan. Sự phụ thuộc của Mỹ vào Đài Loan không chỉ là một trách nhiệm chiến lược mà nó còn là một tài sản chiến lược", nhà nghiên cứu James Lee tại Đại học California, San Diego nêu quan điểm trên Diễn đàn Đông Á.