| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát IUU, kết nối tiêu thụ giữa ngư dân với cơ sở thu mua

Thứ Tư 29/06/2022 , 14:40 (GMT+7)

VASEP làm việc với các ngành chức năng Bình Định về nội dung kiểm soát đánh bắt vi phạm IUU để gỡ khó xuất khẩu thủy sản đánh bắt.

Nhân viên Cảng cá Quy Nhơn, Bình Định kiểm tra thủy sản đánh bắt cập bờ. Ảnh: ĐT.

Nhân viên Cảng cá Quy Nhơn, Bình Định kiểm tra thủy sản đánh bắt cập bờ. Ảnh: ĐT.

Đoàn công tác của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có buổi làm việc với Chi cục Thủy sản Bình Định, Ban quản lý Cảng cá Bình Định, Công ty CP Thủy sản Bình Định và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn về cam kết chống khai thác vi phạm IUU.

Tại buổi đối thoại với chủ đề “Kiểm soát IUU và kết nối ngư dân với cơ sở thu mua, doanh nghiệp và địa phương”, phía VASEP đã nắm bắt thực tế vướng mắc của chuỗi hải sản khai thác trong quá trình chống khai thác IUU.

Từ đó, VASEP đưa ra các kế hoạch hỗ trợ, khuyến nghị địa phương, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết, đồng thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có các giải pháp hiệu quả nhằm sớm khắc phục tình trạng khai thác vi phạm IUU, lấy lại uy tín và vị thế cho hải sản đánh bắt của Việt Nam với thị trường EU.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, hiện tỉnh này đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống khai thác vi phạm IUU, nhưng hiện vẫn còn khá nhiều tồn tại. Ví như thuyền trưởng tàu cá ghi nhật ký khai thác còn nhiều sai sót; thông tin về vị trí, thời gian trong nhật ký khai thác đối chiếu với dữ liệu giám sát hành trình tàu cá không khớp.

Bên cạnh đó, việc xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác từ thời gian đến tổng khối lượng còn vênh và chưa ghi tên từng loài.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT, phát  biểu tại buổi đối thoại 'Kiểm soát IUU và kết nối ngư dân với cơ sở thu mua, doanh nghiệp và địa phương'. Ảnh: ĐT.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT, phát  biểu tại buổi đối thoại “Kiểm soát IUU và kết nối ngư dân với cơ sở thu mua, doanh nghiệp và địa phương”. Ảnh: ĐT.

Chi cục Thủy sản Bình Định cũng chưa có phần mềm chuyên dụng để phục vụ cho việc quản lý, kiểm soát khối lượng nguyên liệu trong quá trình xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác. Giải pháp trong công tác chứng nhận CC, Chi cục Thuỷ sản Bình Định phải sử dụng phần mềm Excel để theo dõi, kiểm soát khối lượng nguyên liệu của tàu cá nên chưa thật sự khoa học.

Vấn nạn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa dứt điểm dù Bình Định đã ngăn chặn quyết liệt. 5 tháng đầu năm 2022, Bình Định có 5 tàu cá của huyện Phù Cát, trong đó, xã Cát Minh có 2 tàu và xã Cát Tiến có 3 tàu vi phạm vùng biển Malaysia bị bắt giữ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP, nếu Việt Nam còn chiếc tàu cá nào đánh bắt vi phạm IUU không những “thẻ vàng” không gỡ được mà thủy sản đánh bắt của Việt Nam có nguy cơ còn bị đính “thẻ đỏ”.

Nếu Việt Nam dính “thẻ đỏ” thủy sản đánh bắt sẽ không xuất khẩu được, đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên là ngư dân và hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Đời sống của ngư dân và gia đình họ sẽ lâm cảnh tăm tối vì nghề biển 1 ngư dân làm có đến 3-4 người trong gia đình ăn theo thu nhập của ngư dân ấy, doanh nghiệp chế biến thủy sản thì không có nguyên liệu để chế biến và đầu ra cũng bị tắt.

"Để tránh tình trạng trên, các cấp ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để ngư dân hiểu rằng không nên đánh bắt vi phạm IUU nữa, đó cũng là để bảo vệ chính cuộc sống của gia đình mình”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP tại buổi đối thoại 'Kiểm soát IUU và kết nối ngư dân với cơ sở thu mua, doanh nghiệp và địa phương'. Ảnh: ĐT.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP tại buổi đối thoại “Kiểm soát IUU và kết nối ngư dân với cơ sở thu mua, doanh nghiệp và địa phương”. Ảnh: ĐT.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian tới, ngành chức năng tỉnh này tiếp tục công tác tuyên truyền trực tiếp đến chủ tàu, thuyền trưởng, nhất là những tàu thường xuyên di chuyển ngư trường hay hoạt động ở các tỉnh phía Nam, ít đưa tàu về địa phương, bởi đây là nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng cơ chế phối hợp giữa UBND Bình Định với các tỉnh khu vực phía Nam, nơi thường xuyên có tàu cá Bình Định cập bến neo đậu, nhằm tăng cường quản lý đối với tàu cá địa phương hoạt động thường xuyên trên địa bàn ngoài tỉnh, xử lý kịp thời tàu cá có hành vi khai thác vi phạm IUU.

“Chúng tôi xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở NN-PTNT với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển trong xử lý vi phạm IUU. Lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao khai thác vi phạm IUU, đặc biệt là đối với tàu cá có biểu hiệu nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài." Ông Trần Văn Phúc cho hay.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất