| Hotline: 0983.970.780

Hết nghèo nhờ vỗ béo bò u

Thứ Ba 19/05/2020 , 08:28 (GMT+7)

Từ nuôi vỗ béo giống bò u to khỏe, hàng trăm hộ dân ở xã vùng cao Dân Chủ, huyện Hòa An (Cao Bằng) đã từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Anh Vương Đình Hà, xóm Mỏ Sắt chăm sóc đàn bò u. Ảnh: Đồng Thưởng.

Anh Vương Đình Hà, xóm Mỏ Sắt chăm sóc đàn bò u. Ảnh: Đồng Thưởng.

Theo chân cán bộ xã Dân Chủ, chúng tôi đến thăm mô hình vỗ béo bò u của gia đình anh Vương Đình Hà, dân tộc Mông, xóm Mỏ Sắt. Lấy bao cỏ voi vừa mới sử dụng máy để cắt nhỏ, anh Hà nhanh tay vãi cỏ cho những chú bò u béo tròn, da bóng nhẫy đang đến độ xuất chuồng.

Anh Hà tâm sự: Từ 2 - 3 con mỗi lứa, hiện mỗi lứa tôi vỗ béo trung bình 6 - 8 con. Thiếu diện tích đất để trồng thức ăn, tôi thuê thêm 5.000 m2 đất để trồng cỏ voi chăn bò. Mỗi tháng, mỗi con bò cho thu lãi khoảng 1,5 - 2 triệu đồng. Có con to đẹp bán được giá có thể lãi đến 6 - 7 triệu đồng, mỗi năm, gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu.

Tận dụng diện tích đất gia đình rộng rãi, anh Hoàng Bình Phương, xóm Mỏ Sắt đầu tư xây dựng khu chuồng trại rộng gần 1.000 m2 để nuôi bò vỗ béo. Từ vài con thử nghiệm, hiện nay mỗi lứa anh vỗ béo từ 15 - 20 con bò.

Anh Phương chia sẻ: Nuôi bò u vỗ béo không quá khó, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó vì đây là nghề lấy công làm lãi. Khi nuôi cần chú ý đến nguồn thức ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng. Tôi đổi nhiều mảnh ruộng nước lấy ruộng rẫy của người dân quanh xóm để trồng cỏ voi chăn bò. Kết hợp thêm các loại rau, ngô, sắn, các loại cám chăn nuôi trộn cho bò ăn để phát triển nhanh hơn.

Từng là hộ nghèo nhưng từ phát triển chăn nuôi bò và buôn trâu, bò, gia đình chị Nông Thị Hợp, xóm Bản Mạ đã thoát nghèo nhiều năm nay và có kinh tế khá ổn định.

Chị Hợp cho biết: Gia đình tôi nuôi bò vỗ béo hơn 10 năm nay. Hiện nay trong chuồng lúc nào cũng nuôi mỗi lứa khoảng 10 - 15 con bò. Tôi tận dụng hơn 5.000 m2 đất ruộng, đồi để trồng cỏ voi, khoai, sắn, ngô phục vụ chăn nuôi.

Nếu chăm sóc tốt, chỉ 2 - 3 tháng là mỗi con bò đã cho lãi trung bình 4 - 6 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng ngô, lúa. Nuôi bò cũng ít bị dịch bệnh, chỉ cần tiêm phòng đầy đủ là yên tâm. Từ vỗ béo bò, vợ chồng tôi đầu tư hơn 200 triệu mua xe ô tô về chở trâu bò của gia đình và thu mua của các hộ khác đi bán ở các chợ gia súc, mỗi năm tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Những chú bò u to béo, nặng hơn 6 tạ có giá bán trên 60 triệu đồng. Ảnh: Đồng Thưởng.

Những chú bò u to béo, nặng hơn 6 tạ có giá bán trên 60 triệu đồng. Ảnh: Đồng Thưởng.

Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Dân Chủ cho biết: Mấy năm gần đây, từ một số chương trình, dự án, nhiều xóm đã được đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi bò ở tỉnh Hà Giang nên nhiều hộ mạnh dạn vay vốn đầu tư để thử nghiệm. Tổng đàn bò của xã hơn 1.500 con, trong đó đa số là bò nuôi vỗ béo.

Đến nay đã có vài trăm hộ nuôi bò vỗ béo, nhiều hộ nuôi với số lượng từ 10 - 15 con mỗi lứa. Với giống bò u, nếu chăm sóc tốt sẽ cho thu lãi lớn, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo nhanh. Đến nay, xã Dân Chủ chỉ còn 28,8% số hộ nghèo.

Chủ tịch UBND xã Dân Chủ cho biết thêm: Thuận lợi hơn là tại xã vào ngày 2 và ngày 7 âm lịch hàng tháng có phiên chợ bò. Thương lái từ khắp nơi về đây chọn lựa những con bò to đẹp nhất. Nhiều con bò nuôi tốt nặng từ 600kg trở lên có thể được nhiều người mua về huấn luyện làm bò chọi, mỗi con có thể bán với giá 60 - 70 triệu đồng. Đó thật sự là một gia tài lớn với người dân ở vùng cao nơi đây. Thời gian tới, xã sẽ vận động người dân mở rộng thêm diện tích trồng cỏ voi làm thức ăn để phát triển mạnh hơn nữa nghề vỗ béo bò u.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.