| Hotline: 0983.970.780

Hi vọng 'cứu lại' vùng mía nguyên liệu

Thứ Ba 21/12/2021 , 06:30 (GMT+7)

Vùng mía nguyên liệu ở Tuyên Quang đang hi vọng được 'cứu' lại khi giá thu mua đang tăng, nhất là khi vụ ép 2021 - 2022 của tỉnh Tuyên Quang đã khởi động.

Kể từ tháng 9 đến nay, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã 2 lần quyết định điều chỉnh chính sách giá thu mua mía nguyên liệu. Lần 1 vào hồi cuối tháng 9, Công ty quyết định giá thu mua mía nguyên liệu vụ ép năm 2021 - 2022 sẽ là 950.000 đồng/tấn, áp dụng với vùng có cự ly dưới 30 km (tính từ Nhà máy đường Sơn Dương và Nhà máy đường Tuyên Quang); 900 nghìn đồng/tấn đối với vùng có cự ly trên 30 km.

Tuy nhiên, thấy chính sách đưa ra hồi tháng 9 có một số điểm chưa hợp lý, nhất là việc áp dụng chính sách thu mua theo từng vùng. Vì thế, cuối tháng 11 vừa qua, Công ty tiếp tục có quyết định ra chính sách thu mua mới, áp dụng từ năm 2021 - 2022 đến vụ 2024 - 2025.

Vùng mía nguyên liệu của tỉnh Tuyên Quang hiện nay chỉ đạt khoảng 2.000 ha, con số thấp kỷ lục. Ảnh: Đào Thanh.

Vùng mía nguyên liệu của tỉnh Tuyên Quang hiện nay chỉ đạt khoảng 2.000 ha, con số thấp kỷ lục. Ảnh: Đào Thanh.

Theo đó, vụ ép 2021 - 2022, Công ty sẽ thực hiện thu mua mía nguyên liệu là 950.000 đồng/tấn; đối với mía giống lấy ngọn từ mía nguyên liệu là 1.080.000 đ/tấn; mía giống lấy từ vườn mía hè 6 đến 8 tháng giá 1.250.000 đồng/tấn.

Từ niên vụ 2022 - 2023 đến niên vụ 2024 - 2025, Công ty sẽ áp mức giá thu mua mía nguyên liệu là 1.000.000 đồng/tấn; mía giống lấy ngọn từ mía nguyên liệu là 1.130.000 đồng/tấn; mía giống lấy từ vườn mía hè 6 đến 8 tháng là 1.350.000 đồng/tấn, thời gian tiến hành thu mua bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Cũng từ niên vụ năm 2022 - 2023 trở đi, giá thu mua mía sẽ được Công ty áp 1 giá chung thay vì phân theo cự ly như những năm trước. Ngoài ra, định mức đầu tư để phát triển vùng mía nguyên liệu như làm đất, chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng mía, phân bón... cũng tăng theo và không quá 3 đến 5 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương, với việc cam kết thu mua mía nguyên liệu với giá 1.000.000 đồng/tấn, đây là đợt thu mua mía nguyên liệu cao kỷ lục từ khi công ty thành lập đến nay.

Sở dĩ công ty quyết định áp dụng mức giá này bởi cân đối tình hình thị trường, giá thành sản xuất đường thành phẩm... sau đó đưa ra mức giá phù hợp để người dân yên tâm và tiếp tục đồng hành cùng Công ty, gắn bó lâu dài với cây mía.

Anh Đào Văn Đồng, thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương cho biết, giá mía nguyên liệu được điều chỉnh theo hướng tăng lên và không áp dụng thu mua theo vùng miền sẽ có lợi cho người trồng mía.

Với giá 950 nghìn đồng/tấn như thông báo thì 3,4ha mía của gia đình anh trong vụ này ước thu đạt khoảng gần 300 tấn, mang lại cho anh Đồng nguồn thu khoảng 270 triệu đồng. Nếu giá thu mua vụ ép năm 2022 - 2023 tăng lên 1.000.000/tấn, nguồn thu từ mía của gia đình anh sẽ tăng lên và chắc chắn sẽ thu hút được gia đình anh cũng như các hộ khác trong vùng mở rộng vùng nguyên liệu.

Giá đường hiện đang cao, giúp các nhà máy thu mua mía cho nông dân đảm bảo có lãi tốt. Ảnh: Đào Thanh.

Giá đường hiện đang cao, giúp các nhà máy thu mua mía cho nông dân đảm bảo có lãi tốt. Ảnh: Đào Thanh.

Giai đoạn đỉnh cao nhất của ngành mía đường Tuyên Quang, vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đạt gần 12.000 ha với 2 nhà máy hoạt động. Vụ ép thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Thế nhưng hiện tại, vùng nguyên liệu chỉ còn hơn 2.000 ha, chỉ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ trong vòng hơn 1 tháng. Nguyên nhân của việc giảm sút mạnh chủ yếu do giá mía nguyên liệu chỉ đạt 800.000 đồng/tấn, việc thu mua và thanh toán không kịp thời.

Ông Phùng Ngọc Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương cho biết, thời kỳ cao điểm, vùng mía nguyên liệu của xã đạt hơn 200 ha, người dân đua nhau trồng mía mà không có đất. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây vùng nguyên liệu giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1 ha.

Việc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương quyết định tăng giá thu mua mía nguyên liệu là tín hiệu mừng cho ngành nông nghiệp địa phương. Bởi hiện nay, ngoài trồng rừng thì chưa có cây nông nghiệp phát triển nổi bật.

Hi vọng Công ty sẽ thực hiện đúng cam kết giá thu mua mía đạt 1.000.000 đồng/tấn cho vụ ép 2022 - 2023 để lấy lại được niềm tin của người dân. Khi có lãi, có nguồn thu ổn định, hi vọng vùng nguyên liệu sẽ ổn định và phát triển. Niên vụ mía 2022 - 2023, xã Tân Thanh dự kiến sẽ trồng 14 ha mía nguyên liệu.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, với việc điều chỉnh giá mía có lợi cho người dân, Công ty xây dựng lộ trình, phấn đấu vụ mía năm 2023 – 2024 vùng nguyên liệu sẽ đạt 4.800 ha, đến vụ 2024 - 2025 sẽ đạt 6.000 ha. Trong đó, riêng niên vụ năm 2022 - 2023, Công ty dự kiến mở rộng thêm 500 ha vùng nguyên liệu.

Với giá đường kính trắng ổn định ở mức 17.000 đến 18.000/ha như hiện nay, Công ty chắc chắn sẽ ổn định mức giá thu mua mía, thanh toán tiền, hỗ trợ phân bón, giống, công làm đất... cho bà con đúng như cam kết, vấn đề còn lại là niềm tin và sự hợp tác từ phía người trồng mía.

  • Tags:
Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.