| Hotline: 0983.970.780

Hiểm nguy rình rập bên những dòng suối mùa lũ

Thứ Bảy 03/12/2016 , 09:01 (GMT+7)

Con đò nhỏ xíu, chất đầy người, xe, bập bềnh trôi ngang dòng sông, mong manh như chiếc lá giữa dòng thác dữ; Hay cảnh liều mình băng qua dòng suối đang chảy xiết, và chỉ một sơ sẩy nhỏ, cái giá phải trả có thể là mạng sống con người.

Đó là hình ảnh thường thấy ở các vùng nông thôn tỉnh Bình Phước.
 

Ngứa mà không dám gãi

Bến đò Tân Hòa, nằm bên bờ sông Mã Đà, xã Tân Hòa, Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, sau những trận mưa tầm tã khiến trên bờ, đất ướt nhẹp, trơn trợt. Còn dưới sông, dòng nước dâng cao, đỏ ngầu, đang cuồn cuộn chảy, hung dữ và sẵn sàng cuốn trôi tất cả. Lúc chúng tôi đến, trên bến đò có hơn chục người, gồm cả trẻ em, với lỉnh kỉnh đồ đạc, đang đợi con đò ở bến sông đối diện trườn sang.

Nhìn sang bên kia bờ sông, thuộc xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, tôi thấy chiếc đò chở hơn chục người, đang chầm chậm quay đầu, hướng mũi ra lòng sông. Trong khi ông lái đò đang dồn sức khua mạnh mái chèo, thì người đàn ông đứng trước mũi đang choãi chân, gồng tay kéo mạnh sợi dây thừng nối giữa 2 bờ sông.

Ra đến giữa dòng, con thuyền chòng chành, chao đảo trước dòng nước chảy mạnh như muốn kéo đứt phăng sợi dây thừng đang căng như dây đàn. Mỗi ngày, có hàng chục chuyến đò, với tổng cộng cả trăm người và tài sản vẫn “liều lĩnh” qua sông như thế.

Vừa bước chân khỏi chiếc đò, khuôn mặt tái nhợt vì sợ, chị Lê Thị Thanh, 30 tuổi, ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, nói giọng còn run run: “Hôm nay nước lớn, chảy xiết quá nên ai cũng sợ. Tôi ngồi mà run, đến nỗi ngứa mà không dám gãi”.

10-28-48_trng-48
Ở các vùng nông thôn Bình Phước, rất dễ dàng thấy những hình ảnh người dân qua suối thế này
 

Chị Thanh bảo, cứ cách 2 ngày chị lại qua sông, sang Vĩnh Cửu lấy hàng về bán, đi thường xuyên như vậy, nhưng lần nào chị cũng sợ. Đợt này vào mùa mưa, nước dâng cao, chảy siết, cảm giác chòng chành giữa lòng sông khiến ai cũng nín thở vì sợ. Đến khi bước chân xuống đất ở bờ bên này mới thở phào”.

Đứng đợi đò ở bên này, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Hoàng, 26 tuổi, chở cả đứa con nhỏ mới 8 tháng tuổi đang ngủ say. Anh Hoàng cho biết: “Có việc gấp lắm chúng tôi mới liều đi tắt thế này. Bình thường mùa nắng đã cảm thấy không yên tâm, chứ đừng nói mùa mưa. Cách đây 1 tuần tôi cũng ra đến bến đò, nhưng trời mưa, nước lớn, sợ quá tôi lại chở vợ con quay về. Thời gian đi qua sông, chừng chưa đầy 10 phút, nhưng thật sự rất nguy hiểm”.

Trong khi chúng tôi đang trò chuyện thì đò cập bến, anh để vợ đi bộ, còn mình chạy xe lên đò. Do chưa quen, tấm ván dẫn lên đò cứ dập dềnh, lại trơn ướt, nên khi xe vừa lên giữa tấm ván thì trượt ngang, khiến cả người lẫn xe lộn nhào. Phải nhờ thêm 2 người đàn ông khác hỗ trợ, mất một lúc mới khiêng được xe lên đò.

Gặp anh lái đò hỏi thăm, được biết anh tên Nguyễn Văn Luân, 42 tuổi, và chỉ là người làm thuê chứ không chủ đò. Anh cho biết: “Chủ đò là ông Võ Trung Thành, ở xã Tân Hòa, Đồng Phú. Tôi ở miền Tây từ nhỏ, quen chuyện sông nước rồi, mấy dòng chảy cỡ này ăn nhằm gì. Từ khi làm nghề này đến giờ cũng chưa xảy ra chuyện đáng tiếc nào. Nhưng con đò này chỉ rộng 2,5m, dài 7m, hơi nhỏ nếu nước lớn hơn, chảy xiết hơn. Đò hoạt động từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Có hôm muộn hơn, miễn khách qua sông dám đi là chúng tôi dám chở thôi hà”.
 

Hiểm nguy rình rập bên những dòng suối

Rời bến sông Mã Đà, chúng tôi đến ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, nơi có cầu dân sinh Ông Nhất bắc qua suối Rạt. Do nước dâng cao, nên cây cầu đã bị “nuốt chửng”, nhìn chỉ thấy một dòng nước đỏ ngầu màu đất đỏ, có chỗ ngập sâu đến nửa người. Cây trồng, của người dân 2 bên bờ suối ngập trắng xóa.

10-28-48_trng-48b
Cầu dân sinh Ông Nhất bắc qua suối Rạt bị nước nhấn chìm
 

Chúng tôi đến đúng lúc vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông, 40 tuổi, nhà cách cầu chừng trăm mét, đang hì hụi vần bao mủ cao su dưới dòng nước đang chảy xiết lên bờ, vừa làm anh vừa rà rà một chân để xác định mặt cầu.

Sang đến bên này cầu, anh vừa vuốt nước trên mặt vừa hổn hển nói: “Nước chảy mạnh lắm, nếu sơ sẩy trượt chân ra ngoài mặt cầu là bị nước cuốn trôi ngay, chưa chắc mình gượng nổi. Nếu thoát được chắc cũng uống no nước. Bình thường, nước chưa dâng, người ta thường chở mủ ra tận nơi để bán, nhưng hôm nay nước lớn, lại mưa gió, đường trơn nên họ không chịu chở, tôi phải vào tận nơi”.

Đứng quan sát một hồi, tôi chứng kiến thêm nhiều người, khi qua suối phải dùng bịch ni lông bịt kín bô xe, rồi nhờ người xung quanh khiêng xe qua suối. Nhiều người khác đi rẫy, nhưng thấy dòng nước chảy mạnh, đứng 1 lát rồi ngao ngán quay về.

Ông Mai Thành Luân, nhà ở gần cầu nói: “Nước sâu, dòng nước lại chảy xiết nên rất nguy hiểm. Thông thường, sau cơn mưa lớn cầu ngập khoảng 1 tuần, có năm cầu bị ngập cả tháng. Cầu dài 25m nhưng nay bề ngang suối đã lên đến 40m, nếu thêm 1 trận mưa to nước còn dâng cao hơn nữa. Dù nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn phải đi qua cầu. Chúng tôi ở gần cầu, nên vào mùa mưa, dù chẳng có trách nhiệm gì, nhưng vẫn thường xuyên canh chừng để nếu ai qua cầu, gặp sự cố gì thì còn ứng cứu kịp. Mỗi khi cầu ngập, nhà tôi giống như bãi xe công cộng”.

Ông Lê Văn Nhất, chủ cây cầu tạm Ông Nhất cho biết: “Cây cầu này đã qua 2 đời chủ. Trước đó do Ông Vọng làm, nên gọi là cầu Ông Vọng. Tôi chỉ là người gia cố lại. Nhưng cầu mới cũng không trụ nổi sức phá của dòng nước vào mùa mưa. Năm 2000, nghe tin nhà nước sẽ làm đường sỏi đỏ và cầu bê tông trị giá 1,6 tỷ đồng, chúng tôi mừng lắm. Nhưng 16 năm rồi, chẳng thấy cầu đâu”.

Cũng trên dòng suối Rạt này, ở đoạn nối xã Phú Trung và Phước Tân của huyện Phú Riềng, có một cây cầu vừa khánh thành cách đây 2 tháng, nhưng đã bị nước chảy làm sạt lở, hư hỏng nặng 2 bên đầu cầu. Những cột mốc đổ lăn lóc, đất lở sâu hoắm vào gần giữa lòng đường.

Ông Nguyễn Văn Bông, trưởng thôn Phú Tín, xã Phú Trung, nhà ở gần cầu cho biết: “Dòng suối này mùa nắng thì nước cạn trơ đáy, còn mùa mưa nước lại dâng lên rất cao, chảy xiết. Cây cầu sạt lở, hư hỏng là thấp quá, có 3,6m, nên nước lớn, tràn qua mặt cầu, lại chảy xiết, đến đá còn phải mòn, huống chi đường đất. Nếu làm cao lên 5m thì nước không tràn qua mặt cầu, tránh được sạt lở, lại an toàn cho người. Nếu không nhanh chóng khắc phục, thêm vài trận mưa lớn nữa thôi, cả câu cầu có khi cũng bị trôi luôn”.

(Kiến thức gia đình số 47)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm