| Hotline: 0983.970.780

Hiện đại hóa giao thông nông thôn

Thứ Hai 30/03/2015 , 08:54 (GMT+7)

Với hơn 4 nghìn tỷ đồng, trong 4 năm qua, Quảng Ninh đã xây dựng mới hơn 440km, nâng cấp hơn 850km giao thông nông thôn, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Còn nhớ, những năm trước đây, khi cây cầu treo dẫn vào thôn Nà Cà (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) chưa được xây dựng, cả thôn Nà Cà không nhà nào có xe máy vì giao thông cách trở. Các sản phẩm nông, lâm nghiệp bà con nông dân làm ra phần lớn để tự cung tự cấp hoặc có bán cũng bị tiểu thương ép giá.

Tuy nhiên, từ tháng 9/2013, cây cầu treo dẫn vào thôn được hoàn thành, cả thôn đã có hàng chục chiếc xe máy mới, việc đi lại học hành của trẻ em, giao thương hàng hoá của người dân trong thôn cũng trở nên thuận tiện hơn.

Chung niềm vui trên, cuối năm 2013, từ sự hỗ trợ 100 triệu đồng của Cty CP Than Hà Lầm và 142 triệu đồng hỗ trợ vật liệu của huyện Đầm Hà, con đường dài 400m nội thôn của người dân thôn Tân Thanh, xã Quảng Tân (Đầm Hà) được hoàn thành, thay thế cho con đường cũ chật hẹp, lầy lội đầy bùn đất.

Không chỉ có người dân thôn Nà Cà, thôn Tân Thanh hưởng niềm vui từ những cây cầu mới, con đường mới mà trong vòng 4 năm qua, đã có hàng trăm con đường và cây cầu như thế.

Từ năm 2011 đến nay, khi Chương trình xây dựng NTM được tỉnh Quảng Ninh triển khai mạnh mẽ, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh, hệ thống giao thông nông thôn của các địa phương đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng.

Việc đi lại thuận tiện đã tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn tiếp cận với các cơ sở dịch vụ thiết yếu và làm giảm giá thành sản phẩm do tiết kiệm chi phí vận chuyển. Từ đó cũng thu hút được nhiều nhà đầu tư vào khu vực nông thôn, góp phần giảm nghèo, tạo công ăn việc làm để bà con nông dân tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ một phần”, cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, các địa phương trong tỉnh đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân, các thành phần kinh tế trên địa bàn để xây dựng các công trình cầu, đường giao thông nông thôn. Qua đó đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại và phát triển của người dân khu vực nông thôn.

Theo thống kê của Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh, trong giai đoạn 2010-2014, toàn tỉnh đã huy động, lồng ghép được 4.158 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 928 tỷ đồng; ngân sách địa phương hỗ trợ 1.076 tỷ đồng; vốn đóng góp của nhân dân là 1.645 tỷ đồng; vốn huy động xã hội là 381,2 tỷ đồng; vốn huy động từ nhiều nguồn khác là 91,7 tỷ đồng.

Từ nguồn kinh phí trên, các địa phương trong toàn tỉnh đã thực hiện xây mới và nâng cấp 1.290km đường các loại. Cụ thể, xây dựng mới 440km; nâng cấp 850km; xây dựng 177 cầu, cống, tràn các loại; xây dựng và nâng cấp 7 bến xe đạt cấp 4 trở lên và 20 bến xe đạt cấp 4 trở xuống.

Những kết quả nổi bật trên đã giúp cho hàng ngàn người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới không còn phải chịu cảnh mưa xuống thì đường sá lầy lội, nắng lên thì bụi mù mịt, muốn ra được trung tâm huyện thì phải đi bộ cả ngày đường. Sản phẩm nông, lâm nghiệp làm ra đã có ô tô của thương lái đánh đến tận nơi để thu mua; nhiều nhà đầu tư đã không còn ngại ngần khi mang vốn về khu vực nông thôn để đầu tư…

Chính những điều này đã góp phần quan trọng, đưa kinh tế của các địa phương ngày càng phát triển ổn định, số hộ nghèo qua các năm giảm đáng kể. Đồng thời, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp và Chương trình xây dựng NTM trên toàn tỉnh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.