Các hiệp hội Mỹ
Cuộc làm việc song phương này có sự tham gia của Hội đồng ngũ cốc, Hội đồng xuất khẩu đậu tương, Hiệp hội lúa mỳ và Hội đồng các nhà sản xuất thịt hơn của Mỹ.
Ông Ralph Bean, Giám đốc cao cấp của Cục đối ngoại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Mỹ nói ông làm việc trong cơ quan này được 28 năm và có rất nhiều kinh nghiệm làm việc với các hiệp hội ngành hàng của Mỹ.
“Chúng tôi không thể có được thành công nếu không có được sự hợp tác, trao đổi với các hiệp hội ngành hàng. Từ vấn đề lớn như đàm phán các hiệp định cho đến những việc nhỏ như giải quyết từng lô hàng”, ông Ralph Bean chia sẻ.
Đại diện Bộ Nông nghiệp Mỹ cho rằng trên thị trường nông sản có rất nhiều sự cạnh tranh nhưng ít có nơi nào các hiệp hội ngành hàng có thể làm tốt như Mỹ, đơn cử như các hoạt động sau bán hàng rất được họ quan tâm, luôn mong muốn đem đến khách hàng những sản phẩm tốt nhất.
Ví dụ, Hội đồng xuất khẩu đậu tương Mỹ thường xuyên có những thử nghiệm trên cánh đồng để giúp cả người trồng lẫn người tiêu thụ có được những sản phẩm tốt, hiệu quả cao.
Hay Hiệp hội lúa mỳ thường xuyên tổ chức các hội thảo để hướng dẫn người mua chọn được sản phẩm thích hợp theo từng mùa vụ hay pha trộn các loại lúa mỳ để có được giá trị sử dụng cao nhất.
Trong khi đó, Hội đồng ngũ cốc Mỹ ngày càng đưa ra được những sản phẩm thức ăn chăn nuôi có giá trị cao hơn và Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn thì thường xuyên cải tổ hệ thống kho lạnh để đến tay khách hàng với chất lượng cao và vệ sinh an toàn tuyệt đối.
“Các hiệp hội ngành hàng của chúng tôi luôn cam kết chặt chẽ để làm sao khách hàng có thể mua được những sản phẩm tốt nhất, qua đó tăng cường thêm sự tin cậy giữa 2 bên”, ông Ralph Bean khẳng định.
Các doanh nghiệp Việt
Đại diện đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) giới thiệu về các doanh nghiệp tham gia đối thoại, trước tiên, Công ty Tân Long là đơn vị phân phối nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, có nguồn hàng từ Mỹ, Nam Mỹ, Singapore và Nhật Bản. Sau đó, Tân Long cung cấp cho 250 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiều trang trại lớn ở Việt Nam.
Tiếp theo là Công ty ngũ cốc Long Vân, đơn vị giàu kinh nghiệm, có khả năng nhập khẩu hàng triệu tấn ngô, khô đậu tương, lúa mỳ hay DDGS.
Công ty Đông Thành Hà Nội được giới thiệu là nơi chuyên nhập khẩu bò sống từ Australia về nuôi rồi cung cấp thịt bò cho Hà Nội và các khu vực lân cận. Năm 2019, Đông Thành đã nhập 90.000 con bò từ Australia, giết mổ với hệ thống lò mổ hiện đại với công suất 200 con/ngày.
Đại diện về mặt hàng hoa quả là Công ty Chánh Thu, đơn vị đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu xoài Việt Nam sang Mỹ, thuộc top 3 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt vào thị trường Mỹ.
Một công ty nữa tham gia vào cuộc làm việc này là Văn Sơn, đơn vị có truyền thống hơn 20 năm nhập khẩu nông sản từ nhiều thị trường lớn trên thế giới và doanh thu mỗi năm vào khoảng 600 triệu USD.
Công ty Khai Anh Bình Thuận ở Miền Trung của Việt Nam, chuyên kinh doanh nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, hiện đã có đối tác ở Mỹ nhưng vẫn muốn mở rộng để tăng cường nguồn cung.
Về rau quả có Công ty Đà Lạt Gap, chuyên sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP toàn cầu, đang muốn tìm kiếm thị trường nhập khẩu các mặt hàng trái cây và nông sản Mỹ.
Ngoài ra, còn có Công ty San Hà, chuyên cung cấp các sản phẩm gia cầm, thủy cẩm cả tươi sống lẫn đông lạnh theo mô hình khép kín từ trang trại đến bàn ăn. San Hà đến Mỹ để tìm các đối tác có thể cung cấp thịt gia súc, gia cầm từ Mỹ.
Công ty Hồng Nga ở TP.HCM, chuyên nhập các nông sản chính của Mỹ như ngô, khô đậu tương, lúa mỳ hay DDGS, với quy mô 500.000 - 600.000 tấn/năm.
Cũng với mục đích tìm kiếm đối tác Mỹ, Công ty Nam Việt chuyên nhập khẩu các loại hoa quả như cam, táo, nho. Công ty Vina Đại Việt chuyên cung cấp nông sản, nguyên liệu thô, phụ gia thức ăn chăn nuôi.
Tiếp theo là Interflour Việt Nam, đây là thành viên của Interflour toàn cầu, chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm về lúa mỳ và có cảng nước sâu Cái Mép. Interflour Việt Nam muốn đến Mỹ để tìm kiếm các đối tác xuất khẩu lúa mỳ và DDGS từ Mỹ.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, đây đều là những doanh nghiệp hàng đầu, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của ngành trong bối cảnh đang tập trung tái cơ cấu, nâng cao giá trị cho nông nghiệp.
“Chúng tôi rất tự hào với những doanh nhân này khi đóng góp được rất nhiều cho đất nước, thích ứng rất tốt trong hoàn cảnh mới và rất có kinh nghiệm làm ăn quốc tế.
Những mong muốn của họ trong chuyến đi này rất thiết thực, hy vọng qua quá trình làm việc với các hiệp hội ngành hàng của Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển thêm hệ thống mạng lưới nhà cung cấp”, ông Toản chia sẻ thêm.
Băn khoăn của người Mỹ
Ông Ryan LeGrand, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Hội đồng ngũ cốc Mỹ cho biết họ đã có mặt ở Việt Nam được 25 năm và rất sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp Việt tìm được đối tác Mỹ để 2 bên có thể trao đổi với nhau.
Việt Nam là thị trường nhập khẩu ngô Mỹ rất lớn, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng xuất khẩu của Mỹ và Hội đồng ngũ cốc muốn mở rộng thêm thị trường này.
Trong khi đó, bà Rosalind Leeck, đại diện Hội đồng đậu tương Mỹ cho biết có mối quan hệ tốt đẹp và truyền thống với các đối tác Việt Nam nhưng đang có một số lo ngại về tương lai của xuất khẩu đậu tương như quá trình phê chuẩn tính trạng công nghệ sinh học còn chậm hay thuế nhập khẩu còn cao.
Do đó, hội đồng nay muốn tiếp tục hợp tác, thảo luận với phía Việt Nam để thúc đẩy quá trình xuất khẩu đậu tương từ Mỹ vào Việt Nam.
Ông Vincent Peterson, Chủ tịch Hiệp hội lúa mỳ Mỹ cho biết, hiện nay mỗi năm có khoảng 100.000 tấn lúa mỳ Mỹ được xuất khẩu vào Việt Nam. Các vấn đề của lúa mỳ cũng tương tự như đậu tương đó là vấn đề lẫn cỏ dại vào sản phẩm và thuế nhập khẩu còn khá cao.
Trong khi đó, đại diện Hội đồng các nhà sản xuất thịt hơn của Mỹ cho biết trong năm 2019 đã xuất được khoảng 6,5 tỷ USD các mặt hàng đến hơn 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hong Kong hay Philippines, tổ chức này hy vọng Việt Nam sớm trở thành một thị trường lớn vì thói quen tiêu dùng ưa thích thịt lợn.
Sau khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, đàn lợn của Việt Nam giảm mạnh và Mỹ có cơ hội để xuất khẩu thịt lợn nhưng vẫn có một số hạn chế trong quá trình đăng ký cũng như thuế còn cao.
Kiến nghị của doanh nghiệp Việt
Ông Nguyễn Tuấn Nam, Tổng Giám đốc Công ty Khai Anh cho biết, những doanh nghiệp nhập khẩu ngũ cốc trong đoàn công tác lần này đang chiếm hơn 50% tổng lượng nhập khẩu toàn cầu của Việt Nam.
Riêng về ngô, trong năm 2019 tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường ngoài Mỹ vào khoảng 11 triệu tấn, chủ yếu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Một câu hỏi ông Nam đưa ra là tại sao năm 2019 bất chấp dịch bệnh nhưng tổng lượng ngũ cốc và thức ăn chăn nuôi nhập về vẫn tăng. Theo ông, lý do là dù giảm lượng thịt lợn nhưng có các loại gia súc, gia cầm khác thay thế nên lượng thức ăn chăn nuôi không hề giảm.
Tuy nhiên, ngô Mỹ trong vụ mùa 2018-2019 gặp phải điều kiện không thuận lợi, mưa nhiều và ẩm khiến cho không đủ chất lượng làm thức ăn chăn nuôi, giảm khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của thị trường khác như Argentina hay Brazil.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang hy vọng vào chất lượng của lứa ngô vụ mùa 2019-2020. Chia sẻ trên góc nhìn người mua hàng, ông Nam cho rằng, ngô Mỹ thường được sử dụng trong công nghiệp điều chế Ethanol nên cần điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, tỷ lệ hạt vỡ của ngô Mỹ vào khoảng 4,5-5% nhưng phía Việt Nam muốn điều chỉnh giảm xuống khoảng 1,5-2% nữa để tương đương chất lượng của các thị trường khác.
Về lúa mỳ, ông Nam lại có cái nhìn lạc quan, cho rằng năm 2020 sẽ là cơ hội lớn cho Mỹ khi Canada mất mùa còn Australia lại gặp phải thời tiết hạn hán. Mỗi năm trung bình Mỹ xuất khoảng 100.000 ngàn tấn nông sản này sang Việt Nam thì năm 2019, riêng công ty Khai Anh của ông Nam nhập đến 115.000 tấn.
Ưu điểm của lúa mỳ Mỹ là chất lượng đa dạng, lúa cứng, lúa mềm, mùa đông, mùa xuân… giúp nhà sản xuất dễ dàng kết hợp, trộn lẫn để đưa ra được sản phẩm tối ưu. Một ưu điểm nữa của lúa mỳ Mỹ là xử lý cỏ dại rất sạch, so với các loại lúa mỳ từ Canada hay Nga.
Ngoài ra, ông Nam cho rằng giá khô dầu đậu tương của Mỹ đang cao hơn so với các khu vực khác nên chưa có được thị phần xứng đáng ở Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung.
Cũng đứng trên góc độ người mua hàng, ông Lương Quang Minh, đại diện Interflour Việt Nam cho biết, mỗi năm công ty nhập khoảng 350.000 - 400.000 tấn lúa mỳ.
Nhất trí với ông Nam, ông Minh cho rằng thị trường Việt Nam rất ưa thích và có nhu cầu được nhập khẩu lúa mỳ Mỹ. Nguyên nhân là khi sản xuất ra bột mỳ, một số tiêu chuẩn được khách hàng đưa ra mà chỉ lúa mỳ Mỹ mới có thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, một vấn đề mà lúa mỳ Mỹ đang phải đối mặt là tiêu chuẩn về độ sạch của cỏ dại chưa được đảm bảo. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cũng hy vọng 2 quốc gia có thể hợp tác, đưa ra được chính sách thuế thuận lợi hơn.
Nếu điều kiện thuận lợi, Interflour Việt Nam có thể nâng tỷ lệ nhập khẩu lúa mỳ từ Mỹ lên 70-80% trong tổng số nhu cầu xấp xỉ 400.000 tấn mỗi năm hiện nay của mình.
Bộ NN-PTNT Việt Nam sẽ hết sức tạo điều kiện
Sau khi nghe các doanh nghiệp Việt Nam và hiệp hội ngành hàng Mỹ chia sẻ, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng cuộc đối thoại diễn ra rất thiết thực và hiệu quả.
“2 bên đã chia sẻ được cả những điểm mạnh và khó khăn với nhau, đặc biệt là đưa ra các kiến nghị để phát triển thương mại nông sản Việt - Mỹ, trong đó có nhập khẩu thêm nhiều sản phẩm từ Mỹ mà chúng tôi có nhu cầu”, Thứ trưởng Doanh nhận định.
Theo ông, thương mại nông sản giữa 2 nước vẫn đang còn rất nhiều tiềm năng, không phải cạnh tranh mà bổ trợ cho nhau vì mỗi bên có thế mạnh riêng.
Về nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đây là mặt hàng thế mạnh của Mỹ và Việt Nam đang có nhu cầu ngày càng cao. Bên cạnh đó, hoa quả ôn đới của Mỹ cũng được người dùng Việt Nam rất ưa chuộng.
Ngoài ra, Mỹ có nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ mà Việt Nam có thể học tập.
Qua buổi đối thoại này, Thứ trưởng Doanh hy vọng 2 bên sẽ tiếp tục giữ liên lạc, cùng nhau nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển thêm lĩnh vực này.
Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng cam kết sẽ luôn hỗ trợ cho doanh nghiệp 2 bên nhằm tăng cường khả năng nhập khẩu nông sản Mỹ vào Việt Nam.
“Tất cả các kiến nghị của cả 2 phía nói trên, phần nào thuộc thẩm quyền thì Bộ sẽ sớm tháo gỡ. Với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng hay các bộ ngành khác, Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị để cùng tháo gỡ để có được sự tăng trưởng thực chất và bền vững trong thương mại nông sản”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.