| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả chuyển đổi nghề cho ngư dân

Thứ Tư 05/06/2019 , 13:10 (GMT+7)

Sau 3 năm thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, tỉnh Quảng Trị đã đình hình được mô hình phát triển phù hợp là kết hợp khai thác biển và sản xuất trên vùng cát trắng.

Mô hình này đã tạo được sự chuyển biến lớn, ổn định trật tự, xã hội giúp ngư dân yên tâm sản xuất.

05-49-30_sinh_ke_1
Mô hình trồng dưa lưới trên cát trắng tại xã biển Trung Giang, huyện Gio Linh.

Ba năm trước, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc quyết liệt chỉ đạo, điều hành giải quyết sự cố.

UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho ngư dân 16 xã, thị trấn của 4 huyện bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển và ban hành nhiều chủ trương, chính sách trợ giúp thiết thực.

Trong các giải pháp, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi ngư trường khai thác thủy sản và rà soát quy hoạch, cải tạo vùng cát trắng để xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, với phát triển khai thác thủy sản tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay tiền chuyển đổi, cải hoán tàu cá có công suất từ 20 CV đến dưới 90 CV lên tàu cá từ 90 CV trở lên, đóng mới tàu cá vỏ gỗ có công suất từ 90 - 410 CV.

Chính sách này nhanh chóng phát huy tác dụng, giải quyết được việc làm, thu nhập cho một bộ phận rất lớn ngư dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, ngư dân Quảng Trị đóng mới 25 tàu vỏ thép, vỏ gỗ, cải hoán, tăng công suất gần 50 tàu vỏ gỗ, hình thành những đội tàu hùng mạnh vươn khơi bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

05-49-30_sinh_ke_3
Mô hình trồng dứa trên cát ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh.

Ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch thị trấn Gio Việt, huyện Gio Linh cho biết, chính sách thay đổi ngư trường khai thác của tỉnh đã giúp nhiều gia đình ngư dân thị trấn này vẫn giữ được nghề đi biển truyền thống, nâng cao năng suất lao động, cải thiện cuộc sống.

Ông Bùi Đình Trầm ở khu phố 5 của thị trấn cho biết, hơn hai năm trước gia đình ông cũng như bao ngư dân khác rất lao đao vì không thể đi biển gần bờ được. Được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi, ông mạnh dạn vay gần 20 tỷ đồng đóng mới tàu vỏ thép và mua sắm trang thiết bị hiện đại, quyết tâm thay đổi ngư trường, làm giàu với nghề đánh cá.

Đến nay tàu của ông Trầm có thu nhập ổn định, hàng tháng gia đình ông dành dụm một phần tiền thu được trả ngân hàng, ngoài ra còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động.

Ngoài việc thay đổi ngư trường, tỉnh Quảng Trị còn chú trọng giúp ngư dân nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn, chú trọng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến.

Anh Lê Văn Linh ở thôn 2, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong cho biết, đầu năm 2018 được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, anh bắt đầu thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Anh vay 450 triệu đồng đầu tư xây dựng ao hồ, hệ thống sục khí, xử lý nước, phát điện… để thả nuôi 600 ngàn tôm giống vào ao ươm. Sau 30 ngày ương, tôm giống được chuyển qua giai đoạn hai, thả ra hồ nuôi lớn.

Khác với mô hình nuôi tôm truyền thống, nuôi 2 giai đoạn là tôm giống khi nhập về sẽ không thả trực tiếp ra hồ lớn ngay, phải nuôi khoảng một tháng trong ao ươm để dễ chăm sóc, quản lý thức ăn, nguồn nước, tăng cường hệ miễn dịch của tôm…

Cán bộ Sở NN-PTNT Quảng Trị kiểm tra mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn tại huyện Triệu Phong.

Nuôi tôm hai giai đoạn cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều nuôi truyền thống, lãi đến 250 triệu đồng/ha. Quảng Trị hiện có hàng trăm hộ dân tham gia nuôi tôm bằng công nghệ hai giai đoạn.

UBND tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ 16 xã, thị trấn bị thiệt hại do sự cố môi trường biển mỗi đơn vị 200 triệu đồng xây dựng mô hình phát triển. Sở NN-PTNT Quảng Trị điều động 32 cán bộ về các địa phương, trực tiếp giúp chính quyền và hướng dẫn ngư dân kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt...

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Phát triển sản phẩm OCOP từ nông sản chủ lực

Đắk Lắk đã tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực đặc sản của địa phương như: cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca…để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.