Ông Lương Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Xuyên cho biết: Thực hiện kế hoạch của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Sở NN-PTNT, UBND thành phố Kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, huyện Phú Xuyên đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả, đúng thời điểm cho người dân trên địa bàn và cử mỗi xã một kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Đội trưởng đội bảo vệ sản xuất thôn Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên chia sẻ: Năm 2020 trở về trước, chuột phá hoại lúa trên toàn cánh đồng khiến bà con nông dân rất phiền lòng. Chuột phá hoại khiến năng suất lúa giảm khá lớn, Bình thường, nếu chuột không phá hoại năng suất lúa phải đạt trung bình 2,4 tạ/sào, nhưng do bị chuột cắn phá nên lúa tại thôn chỉ khiêm tốn 1,7 tạ/sào.
Nhiều hộ gia đình tại thôn Cựu vì hiệu quả kinh tế không cao nên bỏ ruộng thời gian dài đi làm việc khác. Nhưng từ khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cách bẫy chuột an toàn, hiệu quả bằng thuốc diệt chuột chết chậm và cách đặt bẫy bán nguyệt, bẫy răng cưa... lượng chuột giảm đi nhiều nên nhiều người đã quay trở lại trồng cấy phủ kín diện tích.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung, nhân viên kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật xã Vân Từ cho hay, mỗi vụ xã tổ chức diệt chuột tập trung vài ba lần. Trong đó, lượt đầu trước khi gieo mạ và bắt đầu cấy, đến khi lúa đẻ nhánh bẫy tiếp lượt thứ ba, thời gian còn lại hướng dẫn người dân sử dụng bẫy bán nguyệt. Nếu làm theo đúng quy trình, giảm được tỉ lệ chuột phá hoạt lên tới 95%.
Cũng theo chị Dung, bẫy bán nguyệt được người dân ưu tiên sử dụng nhiều nhất, hiệu quả cao vì dễ sử dụng, chi phí thấp, thu gom được chuột sau khi chết. Đối với thuốc diệt chuột chết chậm nên bẫy vào thời gian chuẩn bị gieo mạ là tốt nhất.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Hợp tác xã Phú Xuyên cho hay: Để duy trì và phát triển kế hoạch duyệt chuột, xã thường xuyên tổ chức lớp tập huấn dạy cho người dân cách bẫy chuột đúng thời điểm và hỗ trợ thuốc, bẫy bán nguyệt cho tất cả hộ dân trên địa bàn nên được bà con hưởng ứng tham gia rất nhiệt tình.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt bảo vệ thực vật Hà Nội nhấn mạnh, bắt đầu từ năm 2021 - 2025, TP. Hà Nội tổ chức diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt tại 20 xã có nhiều diện tích xen kẹt và chuyển đổi sang sản xuất đa canh trên địa bàn. Để động viên, khuyến khích cũng như đạt hiệu quả cao trong công tác diệt chuột, thành phố sẽ hỗ trợ 100 bẫy bán nguyệt/ha cho các xã.
Để đạt hiểu quả cao, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương, Sở NN-PTNT triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp diệt chuột, sử dụng thuốc diệt chuột chứa hoạt chất thế hệ mới nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Diệt chuột cả ngoài đồng và trong khu dân cư, các cánh đồng, bờ mương, diện tích đất bỏ hoang... Phấn đấu diện tích cây trồng bị thiệt hại do chuột sau khi tổ chức các chiến dịch diệt chuột giảm trung bình chỉ còn dưới 25% diện tích bị hại so với trước khi tổ chức chiến dịch diệt chuột.
Chiến dịch diệt chuột tập trung tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực, giảm tối đa quần thể chuột, đảm bảo năng suất, diện tích cây trồng, giảm bệnh truyền nhiễm từ chuột sang người và đặc biệt giảm việc người dân bỏ ruộng.